Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 03/03/2025 18:07 (GMT+7)

Thuốc trị hen suyễn cho kết quả tích cực trong điều trị polyp mũi

Một loại thuốc điều trị hen suyễn đã cho thấy kết quả tích cực khi được sử dụng để chữa polyp (tế bào gây ung thư) ở mũi.

tm-img-alt
Thuốc Tezepelumab. Ảnh: drug.com.

Thuốc Tezepelumab, được cấp phép điều trị hen suyễn vào năm 2021, có tác dụng làm giảm kích thước polyp mũi và giảm tắc nghẽn mũi, theo nghiên cứu do một giáo sư thuộc Đại học Dundee (Scotland) dẫn đầu.

Kết quả nghiên cứu, được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine, cho thấy những cải thiện đáng kể xuất hiện chỉ sau 2 - 4 tuần sử dụng so với nhóm dùng giả dược. Các bệnh nhân cũng báo cáo về việc khứu giác được cải thiện, chất lượng cuộc sống tốt hơn và một số người còn giảm triệu chứng viêm xoang.

Thử nghiệm toàn cầu này được đồng dẫn dắt bởi Giáo sư Brian Lipworth thuộc khoa y của Đại học Dundee, người đang làm việc tại khoa hô hấp và khoa tai - mũi - họng. Ông cũng là người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu hô hấp Scotland.

“Những kết quả này là một bước đột phá quan trọng trong điều trị viêm mũi xoang mãn tính nặng và polyp mũi”, Giáo sư Lipworth nhấn mạnh. “Tôi đã điều trị cho nhiều bệnh nhân bị hen suyễn nặng và khoảng một phần ba trong số họ cũng bị polyp mũi. Khi sử dụng thuốc này, họ nhận thấy các triệu chứng của polyp mũi được cải thiện đáng kể và chúng tôi cũng quan sát thấy polyp co lại”, ông nói.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Lipworth, những quan sát lâm sàng ban đầu cần được xác nhận qua thử nghiệm có kiểm soát bằng giả dược và nghiên cứu lần này đã chính thức chứng minh hiệu quả của Tezepelumab trong điều trị polyp mũi.

Tezepelumab là sản phẩm của hai tập đoàn dược phẩm lớn AstraZeneca và Amgen. Đây là lần đầu tiên loại thuốc này được thử nghiệm trong điều trị bệnh lý liên quan đến mũi.

Thử nghiệm mang tên “Waypoint” đã tuyển chọn 408 bệnh nhân mắc viêm mũi xoang mãn tính nặng và polyp mũi tại 10 quốc gia. Trong đó, 203 bệnh nhân được tiêm thuốc trong khi nhóm còn lại sử dụng giả dược. Mỗi bệnh nhân được tiêm hàng tháng trong suốt 52 tuần. Sau đó, các bác sĩ đánh giá kích thước polyp bằng nội soi, đo lưu lượng khí qua mũi, kiểm tra xoang bằng hình ảnh và thực hiện bài kiểm tra khứu giác.

John Ellerby, 70 tuổi (ở Tayport, Fife), đã bị polyp mũi gần 40 năm và từng phải phẫu thuật ba lần để loại bỏ khối u trong xoang. Ông mô tả tình trạng của mình giống như một “van một chiều”, khiến ông có thể hít vào nhưng không thể thở ra bình thường.

Ông Ellerby từng bị nghẹt mũi liên tục, đau đầu, đau tai, khó thở đến mức phải dùng ống hít, ho nhiều và chảy dịch mũi không kiểm soát. Căn bệnh này cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng của ông, khiến ông thường xuyên cáu gắt.

Mặc dù ban đầu không biết mình thuộc nhóm dùng thuốc thật hay giả dược, nhưng chỉ sau ba tháng, Ellerby nhận ra sự khác biệt khi khứu giác của ông bắt đầu trở lại.

“Tôi bắt đầu đi quanh nhà ngửi mọi thứ, cà phê, nước hoa, hoa trong vườn. Đó là một cảm giác tuyệt vời”, ông kể lại. “Tôi đi dạo trên bãi biển để tận hưởng mùi biển, bắt đầu chơi quần vợt trở lại và đi bộ 14.000 bước mỗi ngày cùng chú chó của mình. Tôi cảm thấy như mình trẻ lại”.

Giáo sư Lipworth cho biết, các tổ chức y tế như Scottish Medicines Consortium (SMC) và Viện y tế và chăm sóc sức khỏe Quốc gia (NICE) sẽ quyết định liệu thuốc có được đưa vào sử dụng rộng rãi qua hệ thống y tế công của Anh hay không. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc thuốc có đạt tiêu chí chi phí - hiệu quả hay không.

“Hy vọng rằng nếu mức giá hợp lý, NICE và SMC sẽ xem xét phê duyệt. Một số loại thuốc khác trước đây đã bị từ chối do không đáp ứng tiêu chí chi phí - hiệu quả, vì vậy chúng tôi vẫn phải chờ đợi”, ông nói.

Cùng chuyên mục

Tạm ngừng kinh doanh thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc và thu hồi, xử lý thuốc vi phạm. Trong đó đề xuất quy định tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng.
Số ca mắc sốt rét giảm trên 20%
Năm 2024, Bộ Y tế ghi nhận 353 ca sốt rét, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 1/3 ca sốt rét là “nhập cảnh” và không có trường hợp tử vong, không có dịch.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh cúm, sởi
Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, nhằm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm mùa
Hầu hết những người bị cúm mùa sẽ hồi phục sau vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người sẽ bị biến chứng do cúm. Những biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam rất cao
Theo Bộ Y tế, hiện nay bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng.

Tin mới

Bộ Y tế “tuýt còi” mỹ phẩm của Hana HP Group
Hai sản phẩm mỹ phẩm do Công ty Cổ phần Hana HP Group phân phối chính thức bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc. Bộ Y tế xác định các sản phẩm ghi nhãn công dụng không đúng với hồ sơ công bố, tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.