Tiền Giang: Nghêu chết do ốc ăn khoảng 10 tấn…
Những ngày gần đây, trong 02 tháng 02 và 3/2021, hiện tượng nghêu chết bất thường xảy ra ở khu vực bãi biển Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông), khiến nhiều người dân sinh sống từ việc nuôi nghêu gặp không ít khó khăn…
Khi nghêu chết, nổi trên mặt biển khiến không ít người dân hoang mang, vì năm trước 2020, cũng xảy ra hiện tượng nghêu chết bất thường như trên… Tìm hiểu sự việc, một lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Gò Công Đông cho biết, nghêu chết do nhiều nguyên nhân, cụ thể là: bị ốc hương ăn, bị gió chướng,… Tại khu vực biển Tân Thành bắt đầu xuất hiện gió chướng thổi mạnh cả ngày lẫn đêm, thổi nước lớn và ròng, nhưng thổi mạnh nhất khi nước đầy đã làm cho cồn cát cũng thay đổi theo chiều hướng gió.
Khi gió thổi mạnh, sóng mạnh nên tạo thành những hố lồi lõm, không bằng phẳng, nhiều rãnh nước sâu, từ đó dẫn đến nghêu có kích cỡ tương đối nhỏ từ 10.000 - 30.000 con/kg, khả năng chịu gió kém nên bị trôi theo hướng gió xuống lạch, hao hụt nhiều, bị trôi mất. Về mặt tự nhiên, do nước chảy quá mạnh đã làm trôi cát, trôi nghêu, khi bị dời ổ tỷ lệ hao hụt khoảng 10% (nghêu không có thời gian để vùi, sóng đẩy đi trôi xuống lạch sông Cửa Tiểu), số lượng ước tính khoảng 05 tấn… Trong đó, nghêu còn bị hao hụt nhiều do bị ốc hương ăn nghêu, chiếm khoảng 20% số lượng nghêu hao hụt (khoảng 10 tấn trong tháng 2 và tháng 3).
Điều nhiều người quan tâm, đó là khu vực nuôi nghêu của dân, cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi gió chướng. Nghêu di chuyển khỏi các ổ nghêu và trôi theo gió, nước chảy từ khu vực này sang khu vực khác, hao hụt nhiều (10 - 20%). Mỗi con nước, người dân đều phải thuê máy thổi nghêu, thuê nhân công cào đổ lại vị trí cũ nhưng chỉ 04 ngày sau nghêu lại di chuyển đến chỗ khác, khu vực khác. Ngoài ra, ốc hương ăn nghêu của dân cũng khá nhiều, nhiều nhất là khu vực vùng vịnh sâu, ốc gây thiệt hại nhiều từ 20 - 30% nghêu nuôi của hộ dân và có thể sẽ còn kéo dài do ốc chưa có dấu hiệu giảm…
Qua đó, có thể thấy, từ những nguyên nhân ban đầu xác định việc nghêu chết, các cơ quan chức năng ở tỉnh Tiền Giang như Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y đang tăng cường công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh vùng nuôi nghêu và nắm thông tin tình hình nuôi, để tìm hiểu nguyên nhân gây chết nghêu và có khuyến cáo kỹ thuật kịp thời.
Trước mắt, để hạn chế thiệt hại cho người dân nuôi nghêu, ngay từ bây giờ người dân nuôi nghêu cần có kế hoạch thu hoạch nếu nghêu đã đạt kích cỡ thương phẩm, nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Nếu nghêu chưa đạt cỡ thu hoạch, cần chủ động san thưa không để mật độ nuôi quá dày, tốt nhất là di chuyển nghêu đến vùng nuôi an toàn, nếu có điều kiện…