Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 04/12/2019 13:20 (GMT+7)

Tiểu thuyết 'Xa xứ': Giàu chất nhân văn và vốn sống

Tiểu thuyết “Xa xứ” của tác giả Nguyễn Thiện Luân do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in ấn và lưu chiểu Quý I/2019.

Độ dày của tiểu thuyết gần 600 trang in khổ 14,5x20,5 cm. Không gian của cuốn tiểu thuyết khá rộng, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc trước đây. Thời gian và sự kiện trong cuốn tiểu thuyết từ những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ 20 đến những năm đầu của thế kỷ 21.

Tác giả Nguyễn Thiện Luân và tiểu thuyết “Xa xứ”.

Đi suốt chiều dài của cuốn tiểu thuyết là nhân vật tên Viễn, sau có thêm cái tên khác là Minh. Nhân vật này được nhà văn dày công xây dựng. Mười ba tuổi, Nông Thế Viễn được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong do Nông Văn Dền, tức Kim Đồng, phụ trách.

Khi được kết nạp, Viễn đã tuyên thệ: “Tôi xin thề trung thành với Đội và sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ được Đội giao cho” (Trang 19). Viễn là người Tày, thuộc thôn Nà Má, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi Kim Đồng hy sinh, “Ông Ké (Bác Hồ) giao cho Viễn lãnh đạo Đội Thiếu niên tiền phong thôn Nà Má, sau là xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng” (Trang 27). Sau Viễn về Tuyên Quang cùng ông Ké, rồi về Hà Nội. Ở đây, Bác Hồ đã đọc “Tuyên ngôn độc lập” vào ngày 02/09/1945. Kháng chiến bùng nổ, “Viễn lại theo Chính phủ trở lại Việt Bắc để tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ. Anh được điều động trở lại Cao Bằng làm Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc” (Trang 76).

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Minh (Viễn) được về học lớp bổ túc văn hóa. Sau đó được cử đi đào tạo đại học tại Tiệp Khắc. Minh là người dân tộc chân thật, thẳng thắn, tốt bụng và có cá tính. Khi các nhà quản lý coi học sinh sang đây thì việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất hơn cả chất lượng học tập nên từ trong suy nghĩ Minh đã có phản ứng: “Nếu vậy, tốt nhất đừng cho các anh đi học nước ngoài, cứ đóng cửa lại bảo nhau... Tha hồ mà giữ phẩm chất, đạo đức” (Trang 131).

Tốt nghiệp về nước, Minh có quyết định làm Giám đốc nhà máy đồ hộp. Tại đây có Trang là Phó Giám đốc và cô đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa. Có bà Nguyên là Tổng Giám đốc, trưởng thành từ phong trào cách mạng miền Nam. Mỗi người một cá tính, nhiều khi “bằng mặt mà không bằng lòng”. Bà Nguyên từng là cán bộ tổ chức “đã thâm thù ai thì người đó khó mà ngóc đầu lên được” (Trang 214). Nhưng vì nhiệm vụ nên mỗi người cố gắng hoàn thành chức trách của mình. Với Minh, anh lao vào cuộc tìm tòi cái mới, cái hiệu quả để “cống hiến cho đất nước và sự nghiệp giải phóng miền Nam” (Trang 255).

Minh còn là “người có hiếu, có trí, có tài, có tâm... và là người xóa bỏ mâu thuẫn, tạo dựng sự gắn bó đoàn kết” (Trang 280). Tiểu thuyết chuyển bước ngoặt khi nhân vật Minh được trở lại Tiệp Khắc làm nghiên cứu sinh, chứ không phải lên Tổng Giám đốc thay bà Nguyên. Nhận danh hiệu Phó Tiến sĩ khoa học, Minh trở lại Việt Nam và được bổ nhiệm Viện phó Viện Khoa học thuộc Bộ. Sau đó là cấp Thứ trưởng. Tất cả những cái đó Minh coi không phù hợp với mình mà chỉ chăm chú với khoa học để giải quyết tốt về chuyên môn kỹ thuật.

Trong chuyển đổi cơ chế, chức danh, khi sát nhập các Bộ lại với nhau, từ chức Thứ trưởng, Minh được bố trí trở lại với chức Tổng Giám đốc nhà máy đồ hộp. Người ta lý giải: “Anh Minh có nhiều đóng góp cho ngành đồ hộp. Trở về đồ hộp là cách tốt nhất tạo cho anh một mảnh đất quen thuộc, màu mỡ... Minh sẽ phát triển nhanh chóng và cao hơn” (Trang 424).

Năm sau, Minh có quyết định bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Tiệp Khắc. Khi tâm sự với Trang, anh nói: “Tôi là nhà nghiên cứu khoa học, tôi chỉ biết xắn tay áo, đeo khẩu trang ngày ngày ở phòng thí nghiệm. Giờ ở Tiệp Khắc mũ cao áo dài, ra thưa, vào bẩm, điều đó không phù hợp với tôi” (Trang 433).

Sau năm năm, Minh làm đại sứ tại Tiệp Khắc và vì những lý do khác nhau, anh đã ở lại và trở thành công dân Tiệp Khắc gốc Việt. Chính những năm tháng đó, Minh đã có công việc mà cả đời anh mơ ước. Minh cùng ông giáo người Tiệp đã từng dạy anh ở trường đại học và khi làm nghiên cứu sinh đã cho ra đời Trung tâm nghiên cứu về hoa quả nhiệt đới: “Hy vọng 5, 10 năm sau sẽ có một kết quả hoàn chỉnh. Điều đó có lợi cho cả người dân châu Âu và châu Á” (Trang 567).

Hai mươi năm học tập và làm việc ở Tiệp, anh càng thấy yêu mến nước Tiệp và Thủ đô Praha cổ kính với những công trình kiến trúc huy hoàng và lỗng lẫy soi mình bên dòng sông Vltava xanh biếc và yên bình. Anh còn nhận biết người dân Tiệp Khắc có cuộc sống khá cao, đôn hậu và trung thực, hài hòa, vừa văn hóa, vừa văn minh, tôn trọng tự do cá nhân. Mong muốn Tổ quốc của mình độc lập, không phụ thuộc các quốc gia khác. Minh vừa là người được hưởng lợi, vừa là nhân chứng của thời đại, anh vừa là người đi qua những thăng trầm của dân tộc anh. Minh còn là nạn nhân của những cuộc chiến tranh phi nghĩa, của chủ nghĩa không tưởng, của những chủ trương, chính sách cực đoan duy ý chí và cả những ích kỷ, nhỏ nhen của người đời.

Tiểu thuyết “Xa xứ” dày đặc chi tiết, sự kiện và cũng không ít gai góc nhưng được lí giải một cách thỏa đáng, lập luận chặt chẽ, khoa học, thực tế và khách quan. Nhiều lĩnh vực, xã hội, chính trị, khoa học, quản lý nhà nước được viết với kiến thức sâu sắc và một vốn sống vô cùng phong phú. Tiểu thuyết được viết với văn phong giản dị, giàu kiến thức, vốn sống trên cả là giàu tính nhân văn, tình yêu, trách nhiệm với đất nước, nhân dân, công việc. Cảm thông và chia sẻ với đồng nghiệp, yêu thương, tận tình, trách nhiệm với vợ con (Trang 318, 319), có rất nhiều điều mới mẻ ở chương 19 của tiểu thuyết.

Hơn hai mươi năm qua, nhà văn Nguyễn Thiện Luân qua các nhà xuất bản trong nước đã cho ra mắt bạn đọc trên 30 đầu tiểu thuyết. Trong đó có tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết đương đại. Nhiều bộ tiểu thuyết 2 tập, 5 tập. Đó là sự đóng góp của ông cho văn học nước nhà.

Cùng chuyên mục

Đề nghị truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3
Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.

Tin mới

Bắt tạm giam Lê Thị Lại
Ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam bà Lê Thị Lại (60 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ 2025 các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi sẽ gồm 04 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.