Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 14/08/2021 10:35 (GMT+7)

Trung Quốc vẫn không chịu cung cấp thêm thông tin điều tra nguồn gốc Covid-19

Trung Quốc đã bác bỏ lời kêu gọi của WHO về một cuộc điều tra nguồn gốc của Covid-19.

Áp lực đã gia tăng đối với Bắc Kinh khi cả thế giới tiếp tục truy quét nguồn gốc của đại dịch Covid-19 khiến hơn 4 triệu người chết và nền kinh tế tê liệt. Tháng 1/2021, một đoàn chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán để bắt tay cùng Trung Quốc điều tra nơi virus xuất hiện.

Báo cáo vào tháng 1 cho thấy virus lây từ động vật trung gian, tức từ dơi sang người, là nguyên nhân khả thi nhất. Nghi vấn rò rỉ từ các phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán bị đánh giá là "cực kỳ khó xảy ra".

Hôm 12/8, WHO kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ các ca Covid-19 đầu tiên, nhằm tiếp tục dò la nguyên do gây nên đại dịch. Trung Quốc đáp rằng cuộc điều tra ban đầu "đã đủ" để kết luận, và yêu cầu của WHO xuất phát từ mục đích chính trị thay vì khoa học.

Trung Quốc vẫn không chịu cung cấp thêm thông tin điều tra nguồn gốc Covid-19 Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc từ chối mở các cuộc điều tra mới. "Các kết luận và khuyến nghị từ báo cáo chung của WHO và Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế cũng như giới khoa học công nhận", ông Mã lập luận. "Việc xác định nguồn gốc toàn cầu về sau này nên và chỉ có thể được tiếp tục thực hiện dựa trên báo cáo đã công bố".

Thái độ trên của Trung Quốc dần khiến giới khoa học tin vào giả thuyết virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Trước đó, đất nước tỷ dân này từng lên tiếng bác bỏ và cáo buộc đó là thuyết âm mưu của Mỹ. Sau cuộc điều tra giai đoạn một, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nhóm chuyên gia của WHO vẫn chưa tiếp cận đủ sâu với phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán.

Tháng trước, WHO yêu cầu tiến vào giai đoạn hai của cuộc điều tra, bao gồm việc giám sát các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Động thái này đã khiến Bắc Kinh tức giận, Thứ trưởng Bộ Y tế Tăng Ích Tân tuyên bố quyết định của WHO cho thấy "sự thiếu tôn trọng với tri thức và kiêu ngạo đối với khoa học".

Biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ với có tốc độ siêu lây nhiễm đang là thủ phạm khiến làn sóng dịch tại nhiều nước bùng phát trở lại. Theo worldometer.info, tính đến 22h ngày 13/8, toàn thế giới ghi nhận 206.513.289 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.352.955 bệnh nhân đã tử vong. Hơn 185,3 triệu người hồi phục.

Cùng chuyên mục

Tin mới