Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội: Nơi 'hồi sinh' những mảnh đời
Coi bệnh nhân như những người thân ruột thịt của mình, Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 (Ba Vì – Hà Nội) đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với người bình thường bản thân không tự chủ động chăm lo được cho mình đã khó, thì với bệnh nhân tâm thần việc chăm sóc, quản lý còn khó khăn gấp nhiều lần. Chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần là một “nghề” – nghề mà không phải ai cũng lựa chọn và không phải ai cũng có thể làm được. Bởi những người gắn bó với “nghề” này không chỉ đơn thuần là công việc hằng ngày, mà đó còn là cái “tâm” của họ.
Thực hiện Quyết định số 2901/QĐ-UBND ngày 06/6/2016 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc đổi tên, xác định vị trí chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 2 thành “Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội” với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tâm thần theo quy định của pháp luật. Đồng thời tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tâm thần cho gia đình tự nguyện gửi vào trung tâm.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của trung tâm. |
Tính đến ngày 31/12/2019, trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho 418 bệnh nhân, trong năm tiếp nhận được 103 bệnh nhân vào trung tâm. Hoàn thiện cắt quân số cho 46 bệnh nhân; trong đó về gia đình là 38 bệnh nhân, 01 bệnh nhân chuyển trung tâm.
Đặc thù của người bệnh tâm thần mãn tính, hầu hết bệnh nhân không còn khả năng lao động, không còn khả năng tự phục vụ được bản thân thì việc quản lý, chăm sóc điều trị và giáo dục đưa họ vào nề nếp là cả một quá trình gian khổ, khó mà nói được thành lời. Đã không ít những cán bộ bị bệnh nhân đuổi đánh, xé quần, xé áo... Vì thế nên mỗi lần tắm giặt, cắt tóc, móng chân, móng tay, gội đầu, uống hoặc tiêm thuốc, hay lao động lý liệu để phục hồi chức năng, hoặc bón từng miếng cơm muỗng cháo cho bệnh nhân đều phải bố trí các cán bộ đi kèm để hỗ trợ phục vụ...nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho họ là một công việc cực khó khăn, vất vả.
Do vậy, công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trung tâm và luôn được cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, mỗi nhân viên chăm sóc đều trở thành người thân của bệnh nhân.
Chỉ có những con người chịu khó và nhẫn nại, coi bệnh nhân nơi đây như là người thân của mình và đặc biệt phải đặt chữ “tâm” lên hàng đầu mới làm tốt được công việc này. Hàng ngày công việc quen thuộc của mỗi cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần chính là hỗ trợ cho bệnh nhân từ việc dọn dẹp vệ sinh, tắm gội, cắt tóc, tỉa móng chân, móng tay hay giặt giũ quần áo giúp cho bệnh nhân luôn sạch sẽ mỗi ngày...
Việc ăn uống của người bệnh tại trung tâm cũng được cán bộ, nhân viên chăm lo tận tình, có sự thay đổi thực đơn theo từng ngày...Tổ chức khám bệnh cho từng đối tượng thường kỳ để nắm bắt diễn biến bệnh, mời bác sĩ từ các bệnh viện tuyến trên về xây dựng phác đồ điều trị cụ thể cho từng đối tượng, tùy theo tình trạng. Qua thời gian điều trị, hầu hết các bệnh nhân đều có chuyển biến tích cực.
100% lãnh đạo và cán bộ trung tâm trong buổi trồng cây đầu xuân Canh Tý 2020. |
Ông Lê Qúy Lâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chia sẻ: “Làm việc với những bệnh nhân tâm thần, tôi được hiểu mỗi một bệnh nhân tâm thần là một tính cách, một mảnh đời riêng. Có người trầm tính ít nói, nhưng có những bệnh nhân hung hăng bướng bỉnh... Người chăm sóc bệnh nhân phải hiểu, quan sát thật kỹ, đọc hiểu tính nết của từng người mới chăm sóc và làm tốt công việc được. Dù vậy, sự tận tình, cộng với lòng yêu nghề đã giúp chúng tôi vượt qua trở ngại ấy”.
Với bàn tay nhân ái và những tấm lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, hộ lý, Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội đã cho bệnh nhân tâm thần một mái ấm thực sự và là nơi hồi sinh của những mảnh đời kém may mắn.