Vì sao hơn 1 tỷ cổ phiếu PV Oil bị đưa vào diện cảnh báo?
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố đưa hơn 1 tỷ cổ phiếu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - Mã chứng khoán: OIL) đang giao dịch trên sàn UPCoM vào diện cảnh báo từ ngày 23/3.
công ty
Lý do hơn 1 tỷ cổ phiếu PVOil bị đưa vào diện cảnh báo trước hết nằm ở báo cáo tài chính kiểm toán năm của PVOil bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên. Công ty này sẽ phải có văn bản giải trình và đưa ra phương án khắc phục trong thời hạn 15 ngày.
Cụ thể: khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (chủ đầu tư Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ) với giá trị gần 273 tỷ đồng tại cuối năm ngoái. Kiểm toán không thu thập được đầy đủ các thông tin về những thay đổi phần vốn góp.
Khoản đầu tư này phát sinh từ trước thời điểm cổ phần hóa PVOil (năm 2015). Hiện dự án đã dừng thi công và đang được xem xét phương án phá sản theo quy định pháp luật.
Thứ hai là khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số tiền gần 170 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ tại Tổng công ty Petec trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp giai đoạn 2010-2011 và đang chờ các cấp thẩm quyền.
Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản phải thu nói trên nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu.
Ý kiến ngoại trừ cuối cùng liên quan đến giá trị của các lô đất của PVOil Sài Gòn. Đây là 6 lô đất đầu tư để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng nhưng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng sang tên hoặc chưa được gia hạn thời gian thuê đất.
Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về quyền sử dụng đất và thời gian thuê đất nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.
Dữ liệu tài chính năm 2022 cho thấy, doanh thu thuần của PVOiL đạt 103.729 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2021 và là con số cao nhất từ trước đến nay. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty còn 726 tỷ đồng, tương đương giảm 6%.
Năm 2022, PVOil đặt mục tiêu 45.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021.
Hết năm 2022, tổng tài sản PVOil đạt 28.968 tỷ đồng, tăng 6,5% so với số đầu kỳ. Nợ phải trả của PVOil đạt mức 17.650 tỷ đồng, chiếm 61% trong cơ cấu nguồn vốn của tổng công ty.
Đáng chú ý là nợ xấu PVOil tính tới ngày 31.12.2022 lên đến gần 867 tỷ đồng với hàng chục doanh nghiệp, nhưng giá trị thu hồi ước tính chỉ là 28,7 tỷ đồng (tương đương 3,3 %). Trong đó, có những bên có số nợ phải thu khó đòi lớn với PVOil như CTCP Dầu khí và Chất đốt Miền Bắc (124,2 tỷ đồng), CTCP ĐT và PT Xăng dầu Tiên Phong (118,5 tỷ đồng), CTCP Vận tải Thương mại Quảng Đông (88 tỷ đồng)....
Trong thông cáo mới phát hành từ PVOil, doanh nghiệp này cho biết các điểm kiểm toán ngoại trừ nêu trên là những vấn đề xảy ra từ trước cổ phần hóa, đã tồn tại trên báo cáo tài chính ngay từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần và khẳng định các điểm ngoại trừ nói trên đều không ảnh hưởng trọng yếu đến định hướng kinh doanh và cũng không ảnh hưởng đến việc tồn tại của cổ phiếu OIL.
PVOIL cũng cam kết trong thời gian tới sẽ nỗ lực hơn nữa để khắc phục tình trạng “cảnh báo” nêu trên, góp phần đáp ứng các điều kiện chuyển cổ phiếu OIL sang niêm yết trên sàn chứng khoán.