Vĩnh Phúc: Biệt thự 'không phép', ngật ngưỡng xây trên đất rừng?
Trên lòng hồ Vân Trục đang tồn tại một căn biệt thự “không phép” nằm ngật ngưỡng ở vị trí đắc địa đẹp nhất nhìn ra hướng hồ. Lạ ở chỗ, căn nhà nói trên được “tạo điều kiện” xây trên đất rừng?
Biệt thự “ngật ngưỡng” trên đất rừng?
Hơn 10 năm trước, người dân thôn Phao Tràng sống quanh khu lòng hồ Vân Trục thuộc xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc hoang sơ đến lạ. Người dân cần mẫn với nghề nông nghiệp là trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, làm ruộng là chính.
Bỗng một ngày, họ nghe tin có doanh nghiệp về đầu tư làm du lịch, người dân mừng ra mặt vì việc này sẽ giúp kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Niềm vui quá ngắn, họ hụt hẫng vì không phải làm du lịch, một hộ gia đình đã ôm chọn khu đất “giao thầu” nguồn gốc là đất rừng trồng sản xuất được xã giao cho hộ dân quản lý. Diện tích khu đất vừa tròn 10.000m2, có hướng nhìn ra mặt hồ nước. Trên khu đất đó, cây rừng trồng đã phủ kín xanh một màu.
Điều người dân ngạc nhiên hơn, đó là trong một thời gian ngắn, mảnh đất rừng nói trên bỗng chốc biến thành một khu resot riêng trong đó có căn biệt thự bề thế nằm “ngật ngưỡng” trên đất rừng.
Đứng trên đập Vân Trục, chỉ tay về hướng căn biệt thự, ông Nguyễn Văn Đ, người dân xã Vân Trục tấm tắc: “Căn nhà biệt thự đó, ông V. một doanh nghiệp có tiếng trên địa bàn xây dựng làm khu nghỉ dưỡng của gia đình. Ngày xưa, chỗ đó đều là rừng sản xuất, đất giao thầu cho hộ dân, không biết họ làm thế nào mà xây nhà trên đó được.
Chắc có người “bảo kê” mới làm được như vậy chứ người dân ở đây muốn xây cái nhà để trông coi rừng không xin phép cũng bị đập ngay chứ huống chi là xây biệt thự”.
Sai ngay từ đầu?
Vào cuộc tìm hiểu, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đồ sộ của căn biệt thự nói trên. Theo quan sát, căn biệt thự được xây dựng trên một khu đất có nền hướng ra hồ Vân Trục.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Vũ Đình Thọ - Chủ tịch UBND xã Vân Trục.
Trao đổi với phóng viên, ông Thọ bộc bạch: “Nguồn gốc đất đó là đất rừng được địa phương giao thầu 50 năm cho ông Nguyễn Thành V.. Sau khi ông V. về và lên mua lại của ông V. Diện tích hơn 1 ha, mua thêm đất thổ cư để lấy đường với giá 450 triệu. Sau đó ông V. làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất giao thầu do địa phương quản lý sang đất rừng sản xuất và từ rừng sản xuất sang đất ở”.
“Sau đó, ông V. chuyển đổi làm thủ tục, đất đồi giao hợp tác xã nộp thuế 20 năm, 30 năm. Nhưng lúc cấp giấy thuê thầu cán bộ địa chính tham mưu sai ở chỗ đất đúng ra là thuê thầu nhưng lại ghi là giao đất có thể là đánh máy sai. Điều này khiến mục đích sử dụng đất “sai ngay từ đầu” – Ông Thọ cho biết.
Khi được hỏi về việc mua bán đất giữa ông V. và ông V. là đất giao thầu do UBND xã quản lý, chính quyền địa phương có biết hay không, ông Thọ cho biết: “Đất đó xã quản lý lúc đó là giao 50 năm, thu thầu 1 lần các anh làm biên bản giao khoán đầu thành giao đất 50 năm.
Chắc là hộ gia đình ông V. được cấp sổ đỏ rồi, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất giao thầu có chút sai xót… Thỉnh thoảng ông V. có mời tôi đến nhà chơi, ông V. bảo là đất có sổ đổ rồi nên chắc là có sổ thật”.
Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã tìm đến UBND dân huyện Lập Thạch để tìm hiểu vụ việc. Sau nhiều cuộc hẹn, ông Phạm Văn Hòa – Trưởng phòng TN&MT huyện Lập Thạch cho biết: “Sau khi rà soát, khu đất nói trên là nhà anh Trần Văn Linh. Hồ sơ chưa đầy đủ chưa cung cấp được thông tin. Đất đó là đất rừng sản xuất đã chuyển đổi sử mục đích. UBND huyện giao cho phòng thông tin lưu chữ thời kỳ trước 10 năm nay chưa tốt. Tôi đã giao cho đồng chí Tuyến tìm hồ sơ nhưng chưa được, tờ trình quyết định, chưa tìm được hồ sơ gốc".
Khi phóng viên hỏi sổ đỏ này đúng quy định hay không? Ông Hòa giải thích: “Lúc đó chưa có bản đồ địa chính đến năm 2014 mới có bản đồ địa chính. Năm 2009, chỉ đo dây và giấy chứng nhận sử dụng đất này này hợp pháp đúng quy định đúng là đất rừng sản xuất 10.000m2 đất rừng xuất và thêm 400m2 đất ở.
Tuy nhiên, lật lại hồ sơ và giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất nói trên nhận thấy trong giấy tờ sử dụng đất chưa ghi ngày tháng năm, ký nháy chưa đủ căn cứ pháp lý và không ghi dõ họ tên người ký nháy. Trao đổi về vấn đề này, ông Hòa ấp úng và nói sẽ xem lại…
Liên quan đến hồ sơ gốc về việc chuyển đổi từ đất thuê thầu, sang đất rừng sản xuất, từ đất rừng sản xuất sang đất ở 400m2 của khu biệt nói trên đang ở đâu? Ông Hòa cho biết: “Phòng sẽ xem lại hồ sơ, hiện phòng đang rất bận do sử lý việc đất đai tại huyện, chi trả đất dịch vụ nên chưa tìm được hồ sơ gốc và huyện sẽ cung cấp hồ sơ hiện trạng và trả lời báo chí sau.”
Bẵng đi một thời gian, khi phóng viên liên hệ về việc cung cấp hồ sơ gốc của khu đất được cho là “không phép” tới UBND huyện Lập Thạch nhưng không nhận được phản hồi?
Vì sao chủ nhân căn biệt thự nói trên lại dễ dàng “hợp thức” hồ sơ để xây dựng trên đất rừng. Ai “bảo kê” cho chủ nhân căn biệt thự xây dựng nói trên, chúng tôi sẽ trở lại nội dung này ở bài viết tiếp theo.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.