Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 31/03/2021 04:20 (GMT+7)

Vụ 02 Chủ tịch phường sử dụng ma túy ở Đà Lạt: Cần đánh giá, rà soát lại khâu chọn lọc và quy hoạch cán bộ

Luật sư nhận định, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, lời khai để xem xét hai cán bộ vi phạm có thuộc trường hợp lần đầu sử dụng ma túy không? Khối lượng sử dụng là bao nhiêu gam? Loại ma túy gì? Mua ở đâu? Ai là người đi mua? Ai là người cung cấp ma túy?..., để đánh giá, xem xét mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội và xác định ai là chủ mưu tổ chức sử dụng ma túy và các đồng phạm liên quan để cân nhắc tội danh

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin UBND TP. Đà Lạt công bố sai phạm cán bộ về việc hai Chủ tịch phường có hành vi “Sử dụng ma túy”.

Cụ thể, 02 cán bộ trên là ông Nguyễn Đình Khoa (Chủ tịch UBND phường 1, 42 tuổi) và ông Vũ Thành Sơn (Chủ tịch UBND phường 6, 41 tuổi). Cả ông Khoa và ông Sơn bị Công an TP. Đà Lạt tạm giữ ngày 25/3 do sử dụng ma túy tại một căn hộ.

Được biết, cả hai người đều là cán bộ thuộc quản lý của Thường vụ Thành ủy Đà Lạt.

Theo đó, Thành ủy Đà Lạt đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Khoa và ông Sơn. Việc tạm đình chỉ nhằm xử lý kỷ luật các sai phạm liên quan đối với đảng viên, cán bộ.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Sau khi sự việc xảy ra, không ít nhiều ý kiến cho rằng, bản thân của cả hai cán bộ trên không chỉ là các cán bộ chủ chốt, cốt cán tại phường mà còn là cán bộ trực thuộc quản lý của Thường vụ Thành ủy. Đáng lý, họ phải là những người đại diện cho tinh thần gương mẫu, chính trực của một người lãnh đạo, một người đứng đầu trong bộ máy quản lý.

Tuy nhiên, hành vi của cả hai lại đi ngược lại với tinh thần, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Trở thành một hình ảnh lệch lạc, phản cảm, làm xấu đi “Gương mặt” đại diện cho bộ máy cơ quan nhà nước. Điều này cần được nghiêm khắc, xử lý thích đáng theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá: “Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc, xảy ra ở hai cán bộ đảng viên đứng đầu một phường, họ là người có hiểu biết pháp luật, có trình độ chính trị và phẩm chất đạo đức tốt. Nhưng lại thực hiện hành vi sử dụng ma túy, thì cần xử lý một cách kịp thời, nghiêm khắc”.

Theo Luật sư Khuyên, UBND TP. Đà Lạt công bố thông tin sai phạm cán bộ và đình chỉ công tác để xử lý kỷ luật về mặt Đảng là hoàn toàn đúng trình tự.

Đối với việc xử lý, kỷ luật Đảng viên, Luật sư Khuyên cho biết, việc Đảng viên vi phạm quy định và Điều lệ Đảng sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Cụ thể căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 31, Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về Quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm về tệ nạn xã hội, tại điểm “a) Tham gia đánh bạc hoặc sử dụng các chất ma túy hoặc tham gia các tệ nạn xã hội khác” và tại Điều 2 về Nguyên tắc xử lý kỷ luật: “1.Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”.

Như vậy hai cán bộ trên có thể sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật là cảnh cáo hoặc cách chức.

Ngoài ra, về mặt xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm pháp luật; hai cán bộ trên sẽ bị xử lý theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP năm 2020 của Chính Phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, do có hành vi vi phạm tại Điều 6 về các hành vi bị xử lý kỷ luật.

Cụ thể, Điều 6, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định về “Các hành vi bị xử lý kỷ luật” như sau:

1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

2. Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

a) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

b) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

c) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

c) Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Trong trường hợp hành vi của hai cán bộ trên thuộc vi phạm lần đầu, để lại hậu quả ít nghiêm trọng, thì theo quy định tại điểm a, khoản, Điều 6, Nghị định 112/2020/NĐ-CP năm 2020, việc vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác, cả hai vị cán bộ này có thể sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật quy định tại khoản 3, Điều 7 của Nghị Định 112/2020/NĐ-CP năm 2020 này gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và cao nhất là buộc thôi việc. Đồng thời, tiến hành kỷ luật theo Điều 8, Nghị Định 112/2020/NĐ-CP năm 2020.

Điều 8, Nghị Định 112/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định về “Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức” như sau:

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

6. Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

7. Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

8. Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;

9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Về việc xử lý hành chính hoặc hình sự, Luật sư Khuyên cho biết, có thể căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm mà xử lý. Cụ thể, về việc xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ theo khoản 1, 2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Khoản 1, 2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;

b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;

c) Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật.

Còn về xử lý hình sự, theo Luật sư Khuyên, căn cứ theo khoản 1, Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Điều 249, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy"như sau:

1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;

o) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng tù 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, lời khai để xem xét hai cán bộ nêu trên có thuộc trường hợp lần đầu sử dụng ma túy không? Khối lượng sử dụng là bao nhiêu gam? Loại ma túy gì? Mua ở đâu? Ai là người đi mua? Ai là người cung cấp ma túy? Tổ chức sử dụng ở đâu? Với những ai? Để đánh giá, xem xét mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội và xác định ai là chủ mưu tổ chức sử dụng ma túy và các đồng phạm liên quan để cân nhắc tội danh”, Luật sư Khuyên nhận định.

Luật sư Khuyên cũng cho rằng, chúng ta cần phải đánh giá, rà soát lại khâu chọn lọc và quy hoạch cán bộ cấp cơ sở tránh để lọt vào hàng ngũ của Đảng những đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, phẩm chất đạo đức yếu kém. Đồng thời, Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức.

Cơ quan quản lý cấp trên cần kịp thời xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức lối sống, sát sao với đội ngũ cán bộ do cơ quan mình quản lý. 

Ngoài ra, người dân địa phương cũng cần mạnh dạn tố cáo, phản ánh lên cơ quan có thẩm quyền đối với những cán bộ có hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức lối sống; vi phạm pháp luật để các cơ quan cấp trên xem xét xử lý kịp thời.

Cùng chuyên mục

Khai trừ Đảng đối với ông Phạm Thái Hà
Ban Bí thư nhận thấy, những vi phạm của ông Phạm Thái Hà đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.
Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Tin mới

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.