Vụ nữ tiếp viên hàng không bị xe Mercedes tông: Luật sư kiến nghị bị hại kháng cáo bản án sơ thẩm
Theo Luật sư bản án sơ thẩm chỉ buộc một mình bị cáo Phong bồi thường là chưa phù hợp. Bởi vì trách nhiệm giao chiếc xe ô tô biển số 51G-902.57 cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến Công ty TNHH Thương mại du lịch vận tải Khang Gia và Công ty TNHH Futima. Phía Công ty Khang Gia và Công ty Futima phải cùng có trách nhiệm liên đới với bị cáo chịu bồi thường những khoản tổn thất cho bị hại mới là phù hợp.
.Liên quan đến vụ tài xế điều khiển xe Mercedes với tốc độ 84km/h gây tai nạn khiến cho nữ tiếp viên hàng không bị thương tật 79% và tài xế GrabBike tử vong, chiều ngày 16/12, TAND quận Phú Nhuận (TP. HCM) đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, căn cứ vào quá trình điều tra và kết quả xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX nhận định vụ án tai nạn giao thông này xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo nên tuyên mức án 07 năm 06 tháng tù.
Đối với trách nhiệm dân sự, HĐXX yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền như đã thỏa thuận với hai gia đình bị nạn. Cụ thể, bồi thường 1,4 tỉ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường.
Sau khi tòa tuyên án, nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường cho biết sẽ kháng cáo vì bản án quá nhẹ so với những gì mà Phong gây ra, chưa đủ sức răn đe. Một năm nay, nữ tiếp viên phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn nhưng Phong và người nhà không một lời hỏi thăm. Sau khi gây tai nạn, Phong cũng bỏ trốn khỏi hiện trường, mặc sự sống chết của chị Hường và tài xế GrabBike nên chị Hường nói Phong “thiếu tình người”.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư, Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM) là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Nguyễn Thị Bích Hường đã có những chia sẻ về quan điểm, ý kiến liên quan đến nội dung bản án mà TAND Quận Phú Nhuận, TP. HCM đã tuyên đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong.
Theo Luật sư Nữ, mức hình phạt như vậy là phù hợp, tương ứng với hành vi, hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Bản án mà TAND quận Phú Nhuận, TP. HCM tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt là 07 năm 06 tháng tù. Với những tình tiết theo điểm a, b, c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 là không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Đồng thời, Tòa án cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét điều tra để xử lý hành vi của bị cáo theo Điều 341 Bộ luật Hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
“Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là phù hợp và cần thiết. Vì bị cáo đã thừa nhận có sự việc làm giả giấy phép lái xe và làm giả chứng minh nhân dân để sử dụng đi thuê xe. Bị cáo thuê xe xong khi điều khiển xe gây ra tai nạn để hậu quả rất nhiệm trọng, cho nên phải xử lý cả hành vi này của bị cáo là đúng người đúng tội.” Luật sư Nữ đánh giá.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phân tích, về người chịu trách nhiệm bồi thường chưa chính xác. Bản án chấp nhận yêu cầu buộc bị cáo Phong bồi thường cho bị hại Hường số tiền là 1.434.231.469 đồng với những tổn thất là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất; chi phí hợp lý trả cho người chăm sóc tôi trong thời gian điều trị bệnh; tiền nuôi con nhỏ; tiền bồi thường về tổn thất tinh thần; tiền bồi thường, thiệt hại do chưa hồi phục sức khỏe, tiếp tục chịu thiệt hại xảy ra trong tương lai. Mức bồi thường như trên là phù hợp và đúng quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, theo tôi bản án sơ thẩm chỉ buộc một mình bị cáo Phong bồi thường là chưa phù hợp. Bởi vì liên quan đến trách nhiệm giao chiếc xe ô tô biển số 51G-902.57 cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến CÔNG TY TNHH TM DU LỊCH VẬN TẢI KHANG GIA và CÔNG TY TNHH FUTIMA. Phía Công ty Khang Gia và Công ty Futima phải cùng có trách nhiệm liên đới với bị cáo chịu bồi thường những khoảng tổn thất cho bị hại mới là phù hợp”, Luật sư Nữ đánh giá.
Nguồn gốc chiếc xe ô tô biển số 51G-902.57 là của ông Võ Văn Phúc cho Công ty Futima thuê. Công ty Futima khi thuê xe chỉ được quyền quản lý và sử dụng, nhưng không được cho thuê lại chiếc xe này. Thế nhưng Công ty Futima lại đem chiếc xe ô tô biển số 51G-902.57 cho phía Công ty Khang Gia thuê lại. Khi Công ty Futima đem chiếc xe ô tô biển số 51G-902.57 cho phía Công ty Khang Gia thuê lại thì Công ty Futima đã vi phạm những nội dung là Công ty Futima không được quyền cho thuê lại xe và Công ty Futima không có chức năng ngành nghề được phép cho thuê xe.
Khi Công ty Khang Gia đem ô tô biển số 51G-902.57 cho ông Phong thuê thì Công ty Khang Gia cũng có vi phạm đó là vô ý vì quá tự tin, vào ngày cho thuê xe không yêu cầu bị cáo Phong xuất trình bằng lái xe nhưng vẫn đồng ý cho Phong thuê xe; Công ty Khang Gia cũng không kiểm tra việc Công ty Futima có quyền cho mình thuê xe hay không; Công ty Khang Gia cũng không chức năng ngành nghề được phép cho thuê xe. Nhưng Công ty Khang Gia vẫn cho bị cáo Phong thuê xe, để từ đó Phong có xe điều khiển, dẫn đến tai nạn và hậu quả rất nghiêm trong cũng đã xảy ra.
Hơn nữa, có dấu hiệu giả mạo, không đúng sự thật trong các hợp đồng cho thuê xe giữa Công ty Futima với Công ty Khang Gia và Hợp đồng thuê xe giữa Công ty Khang Gia với bị cáo Phong nhưng Tòa án không làm rõ chứng cứ này, không tiến hành giám định chữ ký, chữ biết tren hợp đồng thuê xe là đánh giá chứng cứ chứ toàn diện, chưa đầy đủ.
“Do đó, cả phía Công ty Futima và Công ty Khang Gia đều có lỗi trong việc giao xe cho bị cáo Phong điều khiển, các bên phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại là hoàn toàn phù hợp với quy định”, Luật sư Nữ kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Tòa án không làm rõ việc bị cáo tẩu tán tài sản để khỏi chịu bồi thường. Cụ thể, Khi bị cáo gây ra tai nạn, bị bắt tạm giam, trong thời gian tạm giam bị cáo đã được mẹ bị cáo cùng công chứng viên đến trại tạm giam để làm thủ tục cho bị cáo bán căn hộ, sang tên căn hộ của bị cáo sang cho mẹ bị cáo, nhằm mục đích là tẩu tán tài sản, để bị cáo không còn tài sản, không phải bồi thường cho bị hại sau này.
Việc này là trái pháp luật, nhưng Tòa án án không thu thập chứng cứ này, không áp dụng biện pháp cưỡng chế là kê biên tài sản là căn nhà, để đảm bảo việc thi hành án sau này là không phù hợp. Tòa án yêu cầu các bên khởi kiện, tranh chấp liên quan về căn nhà mà bị cáo đã bán bằng vụ án dân sự khác là không phù hợp, gây khó khăn cho phía bị hại trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Luật sư cho biết sẽ trao đổi, tư vấn với bị hại Hường kháng cáo bản án sơ thẩm để cấp phúc thẩm làm rõ, khắc phục các sai sót như trên của bản án sơ thẩm.