Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 18/09/2024 10:30 (GMT+7)

Yêu cầu chia tiền tiệc đoàn viên Trung thu, tôi bị bố chồng mắng té tát

Tôi nghĩ rằng đề nghị chia sẻ chi phí giữa các thành viên trong gia đình là hợp lý nhưng khi tôi nhẹ nhàng đề xuất việc đó với bố chồng, ông lập tức mắng tôi là người keo kiệt.

Tôi không thể ngờ rằng một chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như việc mua đồ cho bữa tiệc nướng tối Trung thu lại khiến tôi rơi vào tình huống đau lòng như thế này.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Gia đình chồng tôi luôn có thói quen tụ họp vào dịp lễ tết, đặc biệt là Trung thu, một dịp để gia đình đoàn viên, sum vầy và quây quần bên nhau. Năm nay cũng không ngoại lệ, bố mẹ chồng bảo tôi lo mua sắm đồ cho bữa tiệc nướng khi em chồng và gia đình sẽ về nhà ăn mừng.

Tôi không phản đối hay khó chịu với việc này nhưng khi bố chồng yêu cầu mua những món đắt tiền và tốn kém, tôi đã thấy hơi ngại. Tính toán sơ qua thì chi phí lên tới gần 10 triệu đồng. Với một gia đình đông đúc như vậy, việc mọi người góp chung tiền để tổ chức bữa tiệc là điều bình thường, tại sao lại phải để một mình tôi gánh hết chi phí?

Tôi nghĩ rằng đề nghị chia sẻ chi phí giữa các thành viên trong gia đình là hợp lý nhưng khi tôi nhẹ nhàng đề xuất việc đó với bố chồng, ông lập tức mắng tôi là người keo kiệt, không xứng đáng làm chị dâu cả trong gia đình.

"Con làm chị dâu cả mà lại tính toán như vậy sao? Con chưa nghe câu 'dâu trưởng như mẹ' à? Keo kiệt như vậy ai cắt rốn cho con thế?" – câu nói của bố chồng như một nhát dao đâm thẳng vào lòng tự trọng của tôi.

Thật lòng mà nói, làm dâu trong gia đình này không dễ dàng, tôi đã cố gắng hết sức để hòa nhập, không làm mất lòng ai. Thế nhưng, chỉ vì tôi muốn chia sẻ chi phí hợp lý cho bữa tiệc mà bị bố chồng mắng như thể tôi là người ích kỷ, chỉ biết đến mình.

Tôi cảm thấy tủi thân vô cùng. Những nỗi uất ức dồn nén suốt những năm tháng làm dâu chợt vỡ òa. Đúng là "dâu trưởng như mẹ" nhưng làm dâu không có nghĩa là phải chịu đựng bất công, không có nghĩa là lúc nào cũng phải gánh vác mọi việc mà không được quyền lên tiếng.

Tôi cũng có gia đình nhỏ của tôi, có chồng con tôi, có những lo toan riêng chứ không phải là người dư giả về tài chính để một mình chi trả cho tất cả những gì bố chồng yêu cầu.

Khi bố chồng mắng tôi, tôi định phản bác nhưng may mắn thay, mẹ chồng đã lên tiếng trước. Bà nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng: "Trưởng dâu như mẹ nhưng đó là đợi khi tôi chết rồi, khi đó con dâu cả mới phải có nghĩa vụ như mẹ".

Nghe câu nói ấy, tôi suýt bật cười. Mẹ chồng luôn là người hiểu chuyện, có lẽ cùng phận phụ nữ với nhau nên bà luôn cố gắng để tôi cảm thấy không bị ngột ngạt trong gia đình này. Bà hiểu rằng việc yêu cầu chia sẻ chi phí là hoàn toàn hợp lý và tôi không hề có ý gì là keo kiệt cả.

Nhưng dù vậy, cảm giác tổn thương vẫn không dễ dàng nguôi ngoai. Tôi tự hỏi liệu có phải mình đã sai khi mong muốn được công bằng trong một gia đình mà tôi đã hết lòng cống hiến? Bố chồng có bao giờ hiểu cho những áp lực mà tôi đang phải chịu đựng hay không? Hay đối với ông, tôi chỉ là người phải tuân theo mọi yêu cầu mà không được quyền phản đối?

Trung thu đáng lẽ là thời điểm để gia đình cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc yên bình nhưng hiện tại tôi lại cảm thấy nặng nề và mệt mỏi. Sự bất công và áp lực vô hình từ gia đình chồng cứ bủa vây, khiến tôi dần dần mất đi niềm vui và sự bình yên mà tôi luôn khao khát.

Tôi biết rằng cuộc sống làm dâu không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng sự tôn trọng là điều tối thiểu mà bất kỳ ai cũng đáng được nhận. Tôi không mong gì hơn ngoài việc mọi người trong gia đình cùng hiểu và chia sẻ với nhau thay vì áp đặt những gánh nặng vô lý chỉ vì vai trò làm dâu trưởng.  

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bắt tạm giam Lê Thị Lại
Ngày 19/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam bà Lê Thị Lại (60 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ 2025 các kỳ tuyển sinh riêng sẽ thay đổi thế nào?
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi sẽ gồm 04 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.