Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 25/02/2020 09:07 (GMT+7)

Bí ẩn người khởi đầu chuỗi lây truyền và trường hợp 'siêu lây nhiễm' của nhà thờ Shincheonji

Tại những buổi lễ bí mật của Nhà thờ Shincheonji (Tân Thiên địa), các tín đồ ngồi sát nhau trên sàn nhà, không được phép đeo kính hoặc khẩu trang. Họ phải đi lễ kể cả khi bị ốm.

Tính đến ngày 24/2, đã có 763 ca nhiễm bệnh được xác nhận tại Hàn Quốc, trong đó 458 người có liên quan tới nhà thờ của giáo phái Shincheonji ở Daegu. Ngoài ra, hơn 1.250 thành viên của giáo phái có triệu chứng nhiễm bệnh, khiến Hàn Quốc đứng trước khả năng số ca nhiễm mới tăng cao.

Trên thực tế, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc đã mô tả vụ bùng phát dịch bệnh liên quan tới nhà thờ Shincheonji ở Daegu là "sự kiện siêu lây nhiễm". WHO cho biết, cơ quan này không dùng "siêu lây nhiễm" (super-spreader) như một thuật ngữ kỹ thuật, tuy nhiên "có thể có những vụ lây truyền, nơi 1 nhóm nhiều người có thể bị nhiễm từ 1 nguồn chung".

WHO mô tả vụ bùng phát dịch bệnh ở Hàn Quốc là một "cụm lây nhiễm" (cluster).

Nhà thờ Shincheonji: Nghi lễ dễ gây lây nhiễm?

Tại những buổi lễ bí mật của Nhà thờ Shincheonji (Tân Thiên địa), các tín đồ ngồi sát cạnh nhau trên sàn nhà, không được phép đeo kính hoặc khẩu trang. Họ phải đi lễ kể cả khi bị ốm. Sau buổi lễ, họ chia thành nhiều nhóm nhỏ và xuống phố, chiêu mộ tín đồ, các cựu thành viên của giáo phái này chia sẻ với NYTimes.

Theo NYTimes, chuyên gia về tôn giáo của Hàn Quốc và các cựu thành viên Shincheonji cho biết, nghi lễ của nhà thờ này khiến tín đồ của họ dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm.

"Không giống như các nhà thờ khác, Shincheonji bắt các thành viên ngồi sát vào nhau trên sàn nhà trong suốt buổi lễ, theo hàng theo cấp như kiểu quân đội", cựu thành viên Shincheonji Lee Ho-yeon cho biết, "Chúng tôi không được phép đeo bất cứ thứ gì trên mặt, như kính hay khẩu trang. Chúng tôi được luyện hát thật to".

"Chúng tôi được dạy không sợ hãi bệnh tật", bà Lee nói, "Chúng tôi được dạy không quan tâm tới những thứ vật chất như công việc, tham vọng hay đam mê. Tất cả đều tập trung vào việc truyền giáo, kể cả khi chúng tôi bị ốm".

Hiện nay, giới chức y tế Hàn Quốc đang tập trung tìm hiểu hoạt động của nhà thờ trong nỗ lực khống chế tình trạng bùng phát đáng lo ngại của dịch COVID-19, mà trong đó, thành viên của Shincheonji cùng với thân nhân và những người bị nhiễm virus từ họ chiếm tới hơn một nửa số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc.

"Chúng ta cần tiến hành điều tra kỹ lưỡng những người đã tới dự lễ nhà thờ và đám tang", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp khẩn về dịch bệnh.

Index case: "Người khởi đầu chuỗi lây nhiễm" vẫn là bí ẩn

Bệnh nhân thứ 31 được phát hiện dương tính với virus SARS-COV-2 của Hàn Quốc là 1 phụ nữ 61 tuổi. Bệnh nhân có mối liên hệ với nhiều trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện sau đó, đặc biệt là hàng trăm tín đồ của nhà thờ Shincheonji ở Daegu mà bà này thường xuyên lui tới. Tuy nhiên, đây có thực sự là trường hợp "người siêu lây nhiễm" như nhiều người vẫn nghĩ?

Bệnh nhân số 31 đã vào 1 bệnh viện nhỏ ở Daegu ngày 7/2 sau một vụ tai nạn giao thông nhẹ. Ngày hôm sau, bệnh nhân bị viêm họng nhưng tới 9/2 bà này vẫn đi lễ ở nhà thờ Shincheonji. Bệnh nhân sớm bị sốt sau đó và nhập viện nhưng bà này tiếp tục tìm cách trốn ra ngoài để đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật kế tiếp.

Các bác sĩ đã thuyết phục bệnh nhân chuyển tới bệnh viện lớn hơn để xét nghiệm virus corona chủng mới ít nhất hai lần nhưng bà này từ chối và khăng khăng nói rằng mình không hề đi Trung Quốc, cũng không gặp gỡ ai nhiễm bệnh. Tới khi bệnh trở nặng, bà này mới đi khám và được xác nhận nhiễm virus SARS-COV-2 vào ngày 18/2.

Chỉ 1 ngày sau, 19/2, hơn 10 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận ở Daegu sau khi giới chức Hàn Quốc tìm cách khoanh vùng cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc với Bệnh nhân số 31. Con số này tăng dần mỗi ngày và phần lớn đều xuất phát từ Nhà thờ Shincheonji ở Daegu.

"Hành động của bà này không phải là lạ với những người quen thuộc với nhà thờ", chuyên gia về tôn giáo Chung Yun-seok nói, "Đối với họ, ốm đau là tội lỗi bởi ốm đau cản trở họ làm công việc của Chúa".

Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết, bệnh nhân Số 31 đã tiếp xúc với hơn 1.000 người, ở cả nhà thờ, nhà hàng và bệnh viện mà bà này lui tới. Tuy nhiên, nhiều khả năng không phải bệnh nhân này là người bắt đầu chuỗi truyền nhiễm (index case) mà có lẽ chỉ là người đầu tiên được phát hiện ở khu vực virus lan truyền trong cộng đồng.

Hồi đầu tháng 2, bệnh nhân số 31 đã tới Cheongdo - 1 cụm lây nhiễm lớn khác của Hàn Quốc. Bệnh viện Daenam ở Cheongdo có khoảng hơn 100 bệnh nhân và nhân viên y tế nhiễm virus SARS-COV-2; hai người trong số này đã tử vong hồi tuần trước. Đây cũng là nơi có trường hợp tử vong do SARS-COV-2 đầu tiên của Hàn Quốc.

Cheongdo là quê nhà của Lee Man-hee, người đứng đầu giáo phái Shincheonji. Theo NYTimes, các tín đồ của giáo phái này thường thực hiện các cuộc hành hương tới đó và làm các công việc tình nguyện. Nhiều tín đồ được cho là đã tới dự tang lễ của anh trai ông Lee ở Cheongdo hồi đầu tháng 2.

Tuy nhiên, trao đổi với Newsis, bệnh nhân số 31 khẳng định bà không đến bệnh viện Daenam, cũng không dự tang lễ mà chỉ tới một nhà tắm công cộng khi ở Cheongdo.

Cụm từ "người siêu lây nhiễm" chỉ 1 người cụ thể có khả năng truyền bệnh cao hơn người khác, nhưng các chuyên gia virus cho biết, không có bằng chứng cụ thể về việc này.

Việc lây lan virus như virus corona chủng mới phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường và dịch tễ. Những yếu tố này dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong các trường hợp cá nhân hoặc theo cụm. Điều này tùy thuộc vào cả bệnh nhân và giai đoạn bệnh của họ, hành vi, môi trường và quãng thời gian mà họ hiện diện trong môi trường ấy.

"Tất cả chúng ta đều không giống nhau", Christl Donnelly, giáo sư về dịch tễ thống kê ở đại học Imperial College London nói, "Chúng ta khác nhau về hệ miễn dịch, hành vi và nơi ta hiện diện. Tất cả những điều này đều có thể ảnh hưởng tới số lượng người mà ta truyền bệnh. Vì thế, các yếu tố về sinh học và hành vi có thể là tác nhân nhưng thời gian và không gian cũng vậy".

Tuần trước, khi được hỏi về các sự việc ở Singapore, Pháp, Anh, Đức và nhiều nơi khác, phát ngôn viên của WHO cho hay: "Chúng tôi không có đủ bằng chứng để xác định một trường hợp có liên quan tới sự kiện siêu lây nhiễm trong dịch COVID-19".

Nguy cơ từ tín đồ Shincheonji

Sau khi trường hợp của bệnh nhân thứ 31 được đưa tin, các tín đồ Shincheonji đã nhận được các tin nhắn trên mạng xã hội đề nghị họ tiếp tục việc truyền giáo theo nhóm nhỏ và trong trường hợp bị chính quyền hỏi tới thì phải phủ nhận việc mình thuộc về nhà thờ hoặc có đi lễ.

Tuy nhiên, nhà thờ Shincheonji sau đó nói rằng các tin nhắn trên không thể hiện quan điểm chính thức của nhà thờ và họ đã kỷ luật người gửi tin. Người đứng đầu nhà thờ Lee Man-hee hối thúc các tín đồ "tuân theo chỉ dẫn của chính quyền" và đề nghị họ tránh tụ tập, thực hiện việc truyền đạo trực tuyến.

Trong 1 tin nhắn gửi tới các tín đồ, ông Lee khẳng định: "Dịch bệnh này là hành động của quỷ dữ nhằm cản trở sự phát triển nhanh chóng của Shincheonji".

Mục sư Hwang Eui-jong từng nghiên cứu về Shincheonji lưu ý rằng, nhà thờ đã tiến hành chiêu mộ tín đồ trong cộng đồng người gốc Triều ở Đông Bắc Trung Quốc. Nhiều người trong số này được mời tới Hàn Quốc.

Giám đốc CDC Hàn Quốc Jung Eun-kyeong cho hay, hiện nước này đang điều tra thông tin cho rằng Shincheonji có hoạt động ở Hồ Bắc.

Tính đến thời điểm hiện tại, giới chức Hàn Quốc vẫn chưa liên lạc được với hơn 600 thành viên trong giáo phái Shincheonji, những người có mặt trong các buổi lễ của nhà thờ này cùng với nhiều bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus. Khoảng 600 cảnh sát đang được điều động để xác định vị trí của họ nhằm tiến hành công tác kiểm tra, xét nghiệm.

"Thành viên Shincheonji biết về tiếng xấu của mình và họ thường che giấu mối quan hệ của mình (với nhà thờ) trong mắt những người không phải tín đồ, kể cả cha mẹ", mục sư Hwang Eui-jong từng nghiên cứu về Shincheonji cho biết, "Chẳng trách mà không liên lạc được với nhiều người. Chắc hẳn họ đang tập trung đâu đó, cầu nguyện cho việc này qua đi".

http://toquoc.vn/bi-an-nguoi-khoi-dau-chuoi-lay-truyen-va-truong-hop-sieu-lay-nhiem-cua-nha-tho-shincheonji-20200225081859796.htm

Cùng chuyên mục

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Siêu bão Man-yi tấn công Philippines "có khả năng gây thảm họa"
Ngày 16/11, siêu bão Man-yi bắt đầu đổ bộ miền Trung Philippines với tốc độ gió tối đa là 195 km/giờ, với đường đi được cảnh báo "có khả năng gây thảm họa" tại quần đảo này. Đây là cơn bão lớn thứ 6 tấn công quốc đảo này trong vòng 1 tháng qua.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...