Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 13/11/2020 13:29 (GMT+7)

Bộ trưởng Tô Lâm: 'Người nghiện ma túy rất đa dạng, từ cán bộ, trí thức đến thanh niên...'

Sáng nay (13/11), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo luật Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Giải trình các ý kiến của ĐBQH, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, ban soạn thảo luôn đặt trọng tâm của dự luật là con người.

Bộ Công an "không ngại" quản lý cơ sở cai nghiện

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), quan điểm phòng ngừa ma tuý, giảm tác hại của ma túy rất được ban soạn thảo chú trọng. Trọng tâm của dự Luật này vẫn là vấn đề con người.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình, tiếp thu các ý kiến của ĐBQh sáng 13/11.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, người nghiện ma túy hiện nay rất đa dạng, từ cán bộ, trí thức đến thanh niên, thậm chí trẻ em cũng có. “Có quan điểm cho rằng đây là những người rất đáng thương nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là những người có nhân thân xấu, phần lớn có tiền án tiền sự, có bệnh lý nền khác” - Bộ trưởng Tô Lâm nói

“Vậy thì thái độ của xã hội với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ như thế nào? Vấn đề này đã được thể hiện rất rõ trong dự thảo Luật”, Đại tướng Tô Lâm cho biết.

“Qua tổng kết kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy từ 2017 đến 2019, các cơ quan chuyên trách của Bộ Công an trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ, đối tượng tội phạm về ma tuý”, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng và khẳng định, cơ quan chuyên trách về ma túy là rất nhiều nhưng chủ trì vẫn là Bộ Công an.

Về quản lý cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an “không ngại” vấn đề này. “Nếu được cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho rằng đây cũng là một biện pháp ngăn ngừa tội phạm.

Người sử dụng ma túy tự khai báo cơ quan chức năng là không khả thi

Trước đó, phát biểu tại hội trường, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) cho rằng, dự thảo Luật đưa ra quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với các cơ quan chức năng là không khả thi.

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định).

Theo quy định hiện hành người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền. Chính vì vậy, đại biểu Huỳnh Cao Nhất bày tỏ băn khoăn “Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không, nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó khả thi”.

Cùng góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trên 18 tuổi và dưới 18 tuổi trong dự thảo Luật có sự phân biệt khi thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi là 6 tháng, chỉ bằng một nửa so với người trên 18 tuổi.

Đại biểu này cho rằng, độ tuổi không nói lên thời gian sử dụng, tiếp cận ma túy hay liều lượng sử dụng nhiều hay ít, nhất là tình hình học sinh sử dụng trái phép chất ma túy đang có chiều hướng phức tạp. “Ban soạn thảo cần xem xét điều chỉnh quy định này cho hợp lý hơn” - đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị .

Người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, trước năm 2009 thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn).

Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này, coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy thì Bộ luật Hình sự đã không quy định đây là tội danh.

Từ đó, đại biểu Thủy đề nghị cần phải phân biệt rõ giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Lý do vì chúng ta không xác định được sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện. Trong khi đó, có những trường hợp chỉ sử dụng ma túy một vài lần đã trở thành người nghiện.

“Việc phân biệt chính xác hai diện đối tượng này để có biện pháp tương xứng về pháp luật là rất cần thiết và quan trọng. Đối tượng nào thì biện pháp đó”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, quan niệm về người nghiện là bệnh nhân hay tội phạm thì phải xét tính chất.

"Trước hết, phải xác định nghiện ma túy là trạng thái bệnh lý nên họ là bệnh nhân. Nếu người nghiện ma túy mà làm việc phạm pháp thì họ là tội phạm" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Ngoài ra đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, đây là Luật Phòng, chống ma túy nhưng phần “phòng” còn hơi mờ nhạt. Chính vì vậy, cần có quy định về nội dung phòng, phải có người làm, có cơ quan chịu trách nhiệm.

Cùng chuyên mục

Công bố kế hoạch thanh tra các đơn vị kinh doanh vàng
Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về "sư Thích Minh Tuệ"
Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 16/5 đã có gửi văn bản tới các Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu về công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn.

Tin mới

Cảnh báo thuốc lá điện tử chứa ma túy 'đầu độc' giới trẻ
Theo Bộ Công an, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn, phun tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, nhất là trên không gian mạng. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, số đối tượng, tang vật bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.