Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 29/01/2020 00:52 (GMT+7)

Câu chuyện đầu xuân với luật sư Trần Công Ly Tao

Tôi gặp Luật sư Trần Công Ly Tao vào một ngày đầu xuân, khi những tia nắng ấm áp đang lan tỏa rạng ngời trên từng góc phố của thành phố mang tên Bác.

Bên ly cà phê đắng, vị luật sư ấy đăm chiêu thả hồn mình về với những tháng ngày đã qua. Ông kể cho tôi nghe về những thăng trầm trong nghề, về những nỗi niềm khát khao của một luật sư nhằm góp phần vào việc xây dựng nền tư pháp công bằng trên quê hương đất Việt.

Luật sư Trần Công Ly Tao phát biểu tại buổi tọa đàm.

Chuyện nghề luật sư - Cảm nhận và chia sẻ

“Tôi là người đã có chặng đường trải nghiệm với nghề kéo dài qua hai thể chế. Tôi đến với nghề luật sư bằng niềm đam mê. Tôi luôn tìm thấy khát vọng của mình từ chính nghề nghiệp này. Cùng với đó là khao khát mang những kiến thức của mình đóng góp cho sự phát triển của nền tư pháp, đặc biệt là phải làm sao để tạo thuận tiện nhất cho người dân trong việc tiếp cận công lý”, Luật sư Trần Công Ly Tao chia sẻ.

Luật sư Trần Công Ly Tao nói rằng, bản thân ông đã từng trải qua nhiều thử thách, gian truân. Trong quá trình làm nghề, ông từng trải qua nhiều “va đập” với muôn vàn cách thức và lý do khác nhau. Có thể là do khác biệt quan điểm, quyền lợi khách hàng đối lập nhau, thậm chí có những áp lực, đe dọa. Hay như việc, với luật sư, tiếp cận chứng cứ vụ án là rất quan trọng, là căn cứ bênh vực thân chủ của mình. Thường thì thân chủ mong muốn yêu cầu mà họ đề ra được đáp ứng. Luật sư chân chính không thể chiều theo tất cả đòi hỏi của thân chủ, mà cần tôn trọng sự thật khách quan phù hợp quy định pháp luật.

Trong quá trình làm nghề, tôi tự hào vì mình đã đi qua những vụ việc dù khó khăn hay đầy cám dỗ, tôi vẫn luôn tôn trọng sự thật khách quan. Điều làm tôi sợ nhất chính là mình không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thân chủ, chưa thấu hiểu hoàn cảnh, số phận của họ. Từ đó, mình tự đánh mất đi niềm khao khát khi hành nghề, những giá trị mà mình theo đuổi. Tôi cũng có những lo sợ, nếu không đủ năng lực, tôi sẽ trở thành một luật sư “lạc lối” trong hành trình tố tụng không có điểm dừng, từ đó làm tổn hao thời gian, trí lực và chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Khi những dòng hồi tưởng được trải dài theo câu chuyện của chúng tôi, Luật sư Trần Công Ly Tao đã chia sẻ nhiều hơn về những thực tế va vấp trong nghề và những thành tựu mà ông có được với nghề. Ông nói rằng: “Trong hoạt động nghề nghiệp, tôi không bao giờ làm ngơ trước sự “áp chế pháp lý” của cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi là luật sư bào chữa cho bị cáo T.T.N và bị cáo N.N.C bị TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử về hành vi “Lừa đảo”…, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố gọi điện thoại chúc mừng tôi đã bào chữa thành công cho bị cáo N. và bị cáo C. Phiên tòa diễn ra chừng 45 phút, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án hội ý. Tôi chủ động đến gặp, đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận các bị hại tự nguyện miễn, giảm số tiền mà các bị cáo chiếm dụng của các bị hại. HĐXX chấp nhận, đề nghị của luật sư, hướng dẫn thư ký lập biên bản nội dung sự việc để làm căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo…

Ở vụ án khác, với tư cách luật sư bào chữa cho thân chủ, tôi kịp thời phản ứng khi những người tiến hành tố tụng tại phiên xử thiếu khách quan trong quá trình hoạt động tố tụng. Tại phiên tòa quận, chủ tọa muốn chứng tỏ quyền lực gây sức ép đối với luật sư khi luật sư tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát bằng cách: Sẽ yêu cầu Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam kỷ luật tôi vì không chấp hành việc chủ tọa muốn luật sư không đối đáp tranh luận với Kiểm sát viên nữa, tôi phản đối. Thẩm phán chủ tọa lên tiếng tại phiên tòa: Sẽ đề nghị Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam kỷ luật luật sư, tôi lập tức “trả miếng”: Luật sư sẽ đề nghị Chánh án TAND Tối cao kỷ luật chủ tọa phiên tòa này. Có lẽ nhận ra hành xử không thích hợp, thẩm phán chủ tọa đã “dĩ hòa vi quý” khi gặp tôi, rút lại lời vừa “dọa” luật sư, nên tôi cũng không “phản ánh” lời nói của chủ tọa phiên tòa đến Chánh án TAND Tối cao.

Tại một phiên tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao) tại TP. Hồ Chí Minh, thẩm phán “cánh gà” phát biểu: Yêu cầu luật sư nêu ngắn gọn. Tôi lên tiếng: Theo quy định pháp luật, chủ tọa là người điều khiển phiên tòa, thẩm phán “cánh gà” không được điều khiển phiên tòa, cản trở hoạt động của luật sư. Tôi đề nghị chủ tọa chấn chỉnh thẩm phán “cánh gà”. Chủ tọa lưu ý thẩm phán “cánh gà” không được gây khó khăn đối với luật sư. Phóng viên báo chí và người tham dự phiên tòa qua đó đã bày tỏ sự đồng tình với luật sư…

“Tôi kể lại những việc này để hy vọng bạn nhận thấy rằng, dù dư luận có cho rằng, luật sư phải “làm dâu trăm họ” (đáp ứng yêu cầu của thân chủ, các cơ quan tiến hành tố tụng, công luận…). Nhưng chúng tôi, những luật sư chân chính, vẫn tâm niệm rằng: Nhiệm vụ của luật sư là bảo vệ công lý. Chúng tôi trải nghiệm thách thức nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Luật sư Trần Công Ly Tao khẳng định.

Khi được hỏi ông có gửi gắm điều gì cho các luật sư trẻ trong giai đoạn hiện nay, Luật sư Trần Công Ly Tao - nguyên Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm chương trình “Tư vấn pháp luật miễn phí”; Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Công Ly Tao - nói rằng: Trong giai đoạn nào cũng vậy, với tư cách một luật sư, tôi mong các đồng nghiệp, nhất là các luật sư mới vào nghề cần có sự bình tĩnh, ôn hòa nhưng phải có lập trường khi làm nhiệm vụ.

Mỗi luật sư, mỗi ngày đều cố gắng tự trau dồi kỹ năng, bồi đắp tố chất thông qua việc tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và ngay trong thực tiễn đời sống tố tụng. Khi tư vấn hay tham gia tố tụng, mỗi luật sư đều phải chú tâm nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, tìm hiểu các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ tranh chấp, từ đó tìm ra giải pháp pháp lý, xây dựng quan điểm bào chữa trong tranh tụng… Trong mọi hoàn cảnh, luật sư phải bản lĩnh “uy vũ bất năng khuất”! Luật sư chân chính luôn thể hiện sự chính trực, giữ gìn sự liêm khiết trí thức, toàn tâm toàn ý phục vụ công lý.

“Nghề “thầy cãi” là nghề cao quý. Tôi tin tưởng các đồng nghiệp luôn được xã hội quý trọng. Tôi thiết tha mong muốn giới luật sư vượt qua thử thách, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc”, Luật sư Trần Công Ly Tao chân thành chia sẻ.

Mối lương duyên với nghiệp báo

Xuyên suốt quá trình đến với nghề và sống bằng nghề, Luật sư Trần Công Ly Tao đã chứng minh giữa báo chí và giới luật sư luôn có một mối lương duyên đặc biệt. Đó là sự tương tác qua lại, sự chia sẻ quan điểm về các vấn đề xã hội một cách có trách nhiệm để biến những bài báo trở nên hữu ích đến với đông đảo người dân…  Mỗi luật sư chúng tôi đều mong muốn thông qua báo chí để đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, phản biện pháp luật… Đó cũng là lý do tôi gắn kết bản thân mình với báo Kinh doanh và Pháp luật, một tờ báo không chỉ về độ chững chạc, tin cậy của thông tin, mà đây là một tờ báo có nhiều “sân chơi” cho các luật sư, doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó lan tỏa tinh thần “thượng tôn pháp luật”…

Luật sư Trần Công Ly Tao chia sẻ: Qua nhiều năm hợp tác, viết nhiều tin, bài liên quan đến nội dung luật pháp cho báo Kinh doanh và Pháp luật và một số tờ báo khác tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, vào tháng 10 năm 2018, tôi đã chọn lọc ra 100 bài viết để in thành sách. Đó là cuốn “Tấc lòng”, một cuốn sách dày 360 trang, với nhiều trăn trở về nghề và nền tư pháp Việt Nam. Đây là cuốn sách tôi vinh dự được Nhà báo - Đại tá Lưu Vinh - Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật ghi lời đề tựa. Đây cũng chính là món quà đong đầy kỷ niệm của tôi trong mối lương duyên với nghề báo và nghề luật sư.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...