Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 25/12/2019 10:14 (GMT+7)

Cưỡng chế phá dỡ tổ hợp du lịch Resort Tràm Chim – Góc nhìn pháp lý của luật sư

Những ngày qua, dư luận đang quan tâm đến việc UBND huyện Bình Chánh xử lý cưỡng chế phá dỡ tổ hợp du lịch Resort Tràm Chim - Gia Trang Quán (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Thực tế, tổ hợp du lịch này đã xây dựng và tồn tại gần 20 năm nay là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương và định hướng phát triển du lịch sinh thái - nông nghiệp ở TPHCM. Mặt khác, các quyết định xử phạt của UBND huyện Bình Chánh đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về hoạt động tư pháp.

Bản đồ quy hoạch theo kế hoạch sử dụng đất.

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - Trần Phú Lữ đã ký ban hành Quyết định số 798/QĐ-KPHQ ngày 12/11/2019 về biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ hợp du lịch “Gia Trang quán - Tràm Chim Resort”. Theo đó, quyết định nêu ra hành vi vi phạm với bốn hạng mục tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, thời điểm vi phạm là tháng 12/2005 và tháng 08/2018.

Tổ hợp du lịch Resort Tràm Chim.

Trên cơ sở đó, ngày 13/12/2019 ông Trần Phú Lữ tiếp tục ban hành Quyết định số 872/QĐCCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Nội dung quyết định cũng nêu lại hành vi vi phạm của bốn hạng mục như Quyết định số 798 nói trên và biện pháp khắc phục là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 6 và Điểm a, b Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, thì việc ban hành các quyết định xử phạt trên còn nhiều điểm bất hợp lý, có dấu hiệu vi phạm nghiệm trọng các quy định trong hoạt động tư pháp, rất dễ dẫn tới các cơ quan ban ngành hiểu và giải quyết vụ thiếu minh bạch, chưa thấu tình đạt lý, chưa mang lại công bằng cho công dân.

Theo Luật sư Trần Mạnh Thắng ( Đoàn Luật sư TPHCM), các cơ quan quản lý từ cấp xã đến chính quyền thành phố, các cơ quan chuyên môn lần lượt ban hành các văn bản, quyết định áp dụng đối với trường hợp tổ hợp du lịch Gia Trang quán là chưa rõ ràng. Cụ thể, tại các văn bản này xác định về các công trình, hạng mục xây dựng, sửa chữa không thống nhất về thời điểm xây dựng, nguồn gốc và quá hình hình thành, đánh đồng tất cả các hạng mục có phép cũng như không phép.  

Việc xác định không chính xác sẽ dẫn đến việc áp dụng các văn bản giải quyết không phù hợp gây ức chế, bức xúc rất lớn cho gia đình công dân. Cụ thể, tại các Quyết định số 798/QĐ-KPHQ ngày 12/11/2019 về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định số 872/QĐ-CCXP ngày 13/12/2019 về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (hai quyết định này đều do Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - Trần Phú Lữ ký) đã xác định thời điểm vi phạm hoàn toàn không đúng so với thời điểm đã được xác định trước đó và trên thực tế vi phạm trên đã xảy ra thời điểm gần nhất là tháng 05/2011, đã bị xử phạt và chấp hành xong.

Bốn hạng mục nêu trong các quyết định này thực chất chính là: Tám hạng mục theo Báo cáo số 225/BC-UBND xã Tân Quý Tây ngày 29/02/2016 (văn bản đề xuất cho tồn tại toàn bộ công trình), hai hạng mục theo các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 925/QĐUBND-XPHC ngày 10/10/2011 của UBND huyện Bình Chánh (đã chấp hành xong) và Quyết định số 7346/QĐ-UBND ngày 28/10/2011 của UBND huyện Bình Chánh ban hành chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất (sau đó được cấp giấy phép xây dựng số 107/GPXDQLĐT ngày 14/02/2012).

Hai hạng mục theo các Quyết định số 1752/QĐKPHQ ngày 03/10/2018 về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định số 2264/QĐ-CCXP ngày 19/11/2018 về cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả của Thanh tra Sở Xây dựng. Các quyết định này hiện đang là đối tượng bị khởi kiện trong vụ án hành chính đã được Tòa án nhân dân TPHCM thụ lý và Tòa cũng đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 160/2019/QĐ-BPKCTT ngày 15/05/2019 về tạm đình chỉ thi hành hai quyết định trên).

Như vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình bà Trang đã được xử lý vi phạm hành chính từ năm 2011. Nay UBND huyện Bình Chánh lại xử lý hành vi vi phạm này một lần nữa bằng các Quyết định số 798/QĐ và Quyết định số 872/QĐ-CCXP ngày 13/12/2019 về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là không phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Trước khi ban hành các văn bản, quyết định các cơ quan có thẩm quyền đã không có hướng dẫn, giải thích, hỗ trợ cụ thể tạo điều kiện cho gia đình bà Trang khắc phục hạn chế thiệt hại như trao đổi của đại diện Ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, bà Nguyễn Thị Phương Mai bởi lẽ lãng phí là sự thiệt hại ghê gớm, vì lãng phí là mất đi hoàn toàn.

Việc ban hành các văn bản, quyết định mang tính chất khiên cưỡng, tiền hậu bất nhất vì đã rất nhiều lần các cơ quan có thẩm quyền ban hành rồi lại thu hồi. Vụ việc hiện đang trong quá trình giải quyết của cơ quan Tòa án, đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng chính quyền địa phương (UBND xã Tân Quý Tây) vẫn lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế theo quyết định đã bị tạm đình chỉ thi hành cho thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về hoạt động tư pháp.

Cơ quan Tòa án là cơ quan độc lập, với chức năng xét xử độc lập không có bất kỳ một cơ quan, tổ chức cá nhân nào có quyền can thiệp. Với mục tiêu cải cách tư pháp, xây dựng một nền pháp luật nghiêm chính, thượng tôn pháp luật thì tất cả chúng ta phải tôn trọng sự phán quyết của cơ quan Tòa án khi cơ quan này đang trong quá trình thụ lý xem xét, giải quyết vụ việc, thì không hiểu vì lý do gì UBND TPHCM lại có văn bản đề nghị kiểm tra, xem xét đối với các biện pháp ngăn chặn của cơ quan Tòa án?

Trả lời với báo chí, bà Trần Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết: “Từ những chuồng heo, chuồng gà, rồi bây giờ biến tướng sử dụng đất sai mục đích, từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp và sử dụng nhằm mục đích kinh doanh nhà hàng khách sạn.”

Các phòng nghỉ được thiết kế lại từ chuồng chăn nuôi.

Đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đất ở nông thôn

Nguồn nguồn gốc đất xây dựng tổ hợp du lịch Gia Trang quán là do bà Trần Thị Minh Trang (chủ nhà) được nhận chuyển nhượng từ năm 1999, xây dựng nhà  từ những năm 1987, 1999 (chủ cũ xây dựng) và sửa chữa, cải tạo vào các năm 2000, 2003. Năm 2011 tiếp tục sửa chữa, cải tạo được xem xét chuyển mục đích sử đất một phần và cấp phép xây dựng, cho tồn tại, cấp số nhà. Từ năm 2011 đã liên tục nộp hồ sơ để xin chuyển đổi mục đích cho toàn bộ khuôn viên còn lại nhưng không được các cơ quan có thẩm quyền trả lời thỏa đáng.

Được biết, theo Quyết định số 2591/QĐ-UBND của UBND Tp.HCM ngày 26/5/2014 về duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của huyện Bình Chánh có bản vẽ kèm theo đã cho thấy toàn bộ các hạng mục xây dựng trước đây và được cải tạo cho đến bây giờ của Gia Trang Quán – Resort Tràm Chim đều nằm trong quy hoạch đất ở nông thôn.

Nay, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu là đất trồng lúa, đất thổ vườn trong khu vực đã đô thị hóa là hoàn toàn không phù hợp với thực tế sử dụng đất cũng như chuyển đổi nghề nghiệp tại khu dân cư này.

Việc áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết đối với trường hợp tổ hợp du lịch Gia Trang quán có phải mang tính quy chụp hay không, bởi lẽ việc xây dựng, sửa chữa các công trình, hạng mục đã diễn ra từ rất lâu?

Gia đình chủ nhân là bà Trần Thị Minh Trang đã sinh sống ổn  định và hoạt động kinh doanh suốt hơn 20 năm qua với nhiều đóng góp cho chính quyền địa phương, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, mô hình hoạt động được các cấp chính quyền đánh giá cao, được ghi nhận là mô hình kiểu mẫu bởi các Sở ngành chuyên môn...

Thiết nghĩ, với những đóng góp như vậy, đủ để các cấp chính quyền nhìn nhận xem xét, giải quyết một cách hợp tình hợp lý thay vì muốn cố tình đập nát, san phẳng toàn bộ cơ ngơi của tổ hợp du lịch Gia Trang quán. Một mô hình kinh tế du lịch, điểm đến nghỉ dưỡng tại địa phương được ghi nhận và đánh giá cao (mô hình kinh tế trang trại nông thôn) với giá trị hàng chục tỷ đồng sẽ có nguy cơ trở thành một đống xà bần, gây lãng phí ghê gớm của cải xã hội chỉ vì những quyết định cứng nhắc, khiên cưỡng, có dấu hiệu vi phạm hoạt động tư pháp và không thấu tình đạt lý.

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc công bố danh sách 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường quản lý các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn và công khai các dự án vi phạm, chậm tiến độ, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo về 46 dự án trên địa bàn. 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ được cập nhật đến hết ngày 29/2.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thêm chính sách ưu đãi với dự án nhà ở xã hội
Để góp phần xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật và xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhanh hơn, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thủ tục, cũng như bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Tin mới

Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'Trại Hè Kỹ năng-Học kỳ CAND', 'Trại Hè quân đội'
Theo lực lượng Công an, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm các khóa học, chương trình ngoại khóa trong dịp nghỉ Hè, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản Facebook “Trại Hè Kỹ năng-Học kỳ CAND nhí," "Trại Hè Kỹ năng-Học kỳ CAND," "Trại Hè quân đội," “Trải nghiệm quân đội Hè” có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia.