Cơ quan thuế bồi thường thiệt hại trong trường hợp nào?
Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định số 657/QĐ-TCT về việc ban hành Quy chế giải quyết bồi thường nhà nước tại cơ quan thuế các cấp.
Quy chế này hướng dẫn về cơ quan thuế giải quyết bồi thường nhà nước, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả tại cơ quan thuế các cấp.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 2 về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước của cơ quan thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
1. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;
2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật;
3. Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;
4. Áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật;
5. Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp để bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017;
6. Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin;
7. Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức thuế thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuế.
Tuy nhiên, đối với trường hợp ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức thuế thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thuế), trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi thì cơ quan thuế chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.
Việc xác định thiệt hại, xác định trách nhiệm bồi thường và thủ tục đề nghị bồi thường tại cơ quan thuế được quy định chi tiết tại Chương II của Quy chế này.