Công ty CP ô tô 1-5: 'Chưa được cấp phép chứ không phải làm sai'
Theo phía Công ty CP ô tô 1-5 thì việc xây dựng vẫn đúng theo phê duyệt tỉ lệ 1/500, chẳng qua là “chưa được phép chứ không phải làm sai” và thừa nhận việc có vi phạm trật tự xây dựng.
Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, năm 2004, Công ty CP ô tô 1-5 được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó 186.075m2 đất để xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô khách với thời hạn thuê 30 năm, kể từ ngày 19/8/2002 đến ngày 19/8/2032 và 18.028m2 đất để làm đường theo quy định của thành phố, thuê đất hàng năm.
Năm 2004, Công ty CP ô tô 1-5 được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Đến năm 2014, 2015 Công ty CP ô tô 1-5 đã ký hợp đồng hợp tác với 13 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng với quy mô lớn, nhưng chỉ phục vụ một phần nhỏ cho công việc sản xuất và lắp ráp ô tô của Công ty CP ô tô 1-5.
Hơn nữa, dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng Công ty CP ô tô 1-5 đã để các doanh nghiệp này xây dựng 24 công trình nhà xưởng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thanh – Phó Tổng giám đốc Công ty 1-5 cho biết: “Có hai khu sản xuất, khu bên kia khoảng hơn 7 ha nhưng đã phải trả lại Nhà nước vì giá thuê quá cao. Sau khi trả lại thì chuyển sang bên này, đất đã được giao từ năm 2001 nhưng để làm dự án chưa đi vào sản xuất”.
Quá trình chuyển sang, Công ty CP ô tô 1-5 có kêu gọi đầu tư vì không có khả năng xây dựng nhà máy, nhưng theo ông Thanh thì: “Trong quá trình làm nhà máy vội quá, nên có thể đã sai về quy trình .
Theo phía Công ty CP ô tô 1-5 thì việc xây dựng vẫn đúng theo phê duyệt chi tiết 1/500, chẳng qua là “chưa được phép chứ không phải làm sai” và thừa nhận việc có vi phạm trật tự xây dựng.
Ông Trần Thành Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty CP ô tô 1-5 chia sẻ: “Mới là chủ trương nhưng mình xây trước nên vi phạm trật tự xây dựng. Sai trật tự xây dựng thì chính quyền có ý kiến phải phá dỡ. Khi có yêu cầu phá dỡ thì các doanh nghiệp đã gửi đơn kêu cứu vì đã phải đầu tư nhiều quá, gần 1.000 tỷ tiền máy móc thiết bị”.
Ngày 14/4/2015, Đoàn liên ngành huyện Đông Anh đã kiểm tra và phát hiện 24 công trình xây dựng vi phạm trước năm 2014. |
Chính vì thế sau khi có nhiều phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu các cơ quan chức năng vào kiểm tra. Theo đó, ngày 27/2/2020, lãnh đạo của UBNDTP giao các sở ban ngành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành: Sở Xây Dựng chủ trì, Sở Công thương, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở TNMT, Sở Tư pháp, Sở KHĐT, Công an thành phố, Cục thuế Hà Nội, UBND huyện Đông Anh... để kiểm tra xem công ty có thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hay không.
Trao đổi với PV, ông Nam cho hay: “Ngày 4/3 đoàn về kiểm tra rồi. Phương hướng chung là các đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp cái nào chưa đúng thì sửa cho đúng, triển khai những cái còn thiếu” và khẳng định sau kiểm tra: “Hướng xử lý là không phá dỡ, hướng dẫn đơn vị làm hồ sơ còn thiếu để hoàn thiện”.
Được biết, ngày 14/4/2015, Đoàn liên ngành huyện Đông Anh đã kiểm tra và phát hiện 24 công trình xây dựng vi phạm trước năm 2014, đoàn đã lập biên bản và yêu cầu đình chỉ các công trình vi phạm.
Tiếp đó, UBND thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo ngày 24/3/2016: Giao Chủ tịch UBND huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý về trật tự xây dựng theo thẩm quyền; Giao Sở Quy hoạch kiến trúc hoàn thiện thủ tục, dự thảo quyết định trình UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết nhà máy ô tô 1-5 theo quy định; Công ty CP ô tô 1-5 chỉ tiếp tục triển khai xây dựng sau khi hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về quy hoạch, xây dựng theo quy định của thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện thủ tục liên quan, Công ty CP ô tô 1-5 đã để cho 13 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng khi chưa có phép. Đến ngày 25/10/2019, UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định số 8042/QĐ-CCXP quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty CP ô tô 1-5, thời hạn thực hiện là 60 ngày.
Ở một diễn biến khác, theo “Hợp đồng nguyên tác Hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy” của Công ty CP ô tô 1-5 ký với 13 doanh nghiệp mà ông Thanh cung cấp, có chỉ rõ quyền và nghĩa vụ, cam kết của các bên.
Trong đó, có nêu: Bên A có nghĩa vụ (Công ty CP ô tô 1-5) thực hiện các thủ tục xin chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà máy Ô tô 1-5 tại khu đất và các thủ tục đầu tư cần thiết khác để được phép xây dựng, chịu trách nhiệm pháp lý trong việc triển khai, thực hiện việc xây dựng, lắp đặt nhà xưởng, giám sát thi công và thực hiện tất cả công việc cần thiết khác. Bên A (Công ty CP ô tô 1-5) cam kết sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để việc đầu tư xây dựng và chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư xây dựng của Công ty CP ô tô 1-5 với các doanh nghiệp. |
Chính vì thế, việc các doanh nghiệp xây dựng các công trình dù chưa được cấp phép, trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp đó mà còn là trách nhiệm của Công ty CP ô tô 1-5 khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đã cho xây dựng?!
Các doanh nghiệp này và Công ty CP ô tô 1-5 “cầm đèn chạy trước ô tô” bỏ ra hàng nghìn tỉ đầu tư, để đến khi UBND huyện Đông Anh ra quyết định cưỡng chế thì lại “kêu”, nếu làm đúng theo trình tự thì đâu để rơi vào tình cảnh như vậy?!
Hướng xử lý tới đây là sẽ không phá dỡ các nhà xưởng mà hướng dẫn làm hồ sơ để hoàn thiện như phía Công ty CP ô tô 1-5 thông tin là đúng hay không? Có hay không việc “hợp thức hóa” cho sai phạm?