Covid-19 ở Việt Nam chuyển sang giai đoạn 3
Dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn xâm nhập vào cộng đồng, nhiều ca chưa xác định nguồn lây, cần quyết liệt cách ly xã hội, tìm kiếm người nhiễm, khoanh vùng dập dịch. Chiến lược phòng, chống dịch trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng để dập dịch. Đồng thời, tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh.
Theo đó, giai đoạn hai của dịch bệnh đang tạm lắng, khi những người nhập cảnh đều được cách ly tập trung, theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm. Ở giai đoạn tiếp, xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam thực hiện biện pháp “cách ly xã hội” giúp làm chậm toàn bộ quá trình lây nhiễm, phát hiện sớm, khoanh vùng tất cả những ca như thế để chặn dịch. Tuy nhiên, không được chủ quan với những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Những ca nhiễm kiểu này, nếu bị bỏ qua trong giai đoạn ngăn chặn được, có thể tạo thành “làn sóng” mới rất khó kiểm soát.
Một số nước đang phải đối phó rất vất vả trước làn sóng này như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ vượt qua giai đoạn nghĩ là ngăn chặn được dịch nhưng thực chất nó quay lại tấn công.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia sáng ngày 8/4, các chuyên gia cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập, Việt Nam phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Trước 0h ngày 22/3, thời điểm Việt Nam tạm dừng nhập cảnh tất cả người từ nước ngoài vào, vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó rất nhiều người đến từ các nước có dịch. Số này đã hòa vào cộng đồng, có thể nhiều người mang theo mầm bệnh.
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy trong 251 ca Covid-19 tính đến sáng 8/4, có 156 người từ nước ngoài về (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng(chiếm 37,4%).
Hiện nay, các ổ dịch đã được xác định như Buddha Bar & Grill ở TP. HCM, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội hay các khu cách ly tập trung. Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác với mọi ca nhiễm mới phát hiện tại cộng đồng, tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Quyết liệt cách ly xã hội để khoanh vùng dập dịch
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, các bệnh nhân số 243, 247, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm, cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng. Một số ý kiến cho rằng nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ, như “bệnh nhân 243” được cho là lây từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên có thể người này lây nhiễm từ cộng đồng, bởi xét nghiệm kháng thể cho thấy mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân này di chuyển nhiều nơi, nên không loại trừ bị lây từ một trong các nơi đó.
Theo ông Phu, tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng. Trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.
“Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ”, ông Phu nói.
Trong thời gian tới, cần quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời. Chiến lược phòng, chống dịch trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng để dập dịch. Đồng thời, tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh.
Bộ Y tế hiện đã nâng cấp độ chống dịch tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm, được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm.
Tích cực điều trị
Hôm nay, 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số người khỏi lên 126, vượt 50% số nhiễm, cho thấy năng lực điều trị của ngành y tế. Theo Thứ trưởng Sơn, sở dĩ hiệu quả là do “phát hiện sớm, điều trị sớm”, số bệnh nhân trở nặng không nhiều như các nước khác.
Đặc biệt, Việt Nam đã có kinh nghiệm điều trị ở giai đoạn một. Giai đoạn này vẫn tiếp tục điều trị, sử dụng linh hoạt phác đồ cho từng bệnh nhân, một bệnh nhân nặng đã cai được ECMO.
Các cơ sở y tế nước ta hiện nay vẫn đáp ứng điều trị được cho bệnh nhân nCoV. Nhiều địa phương xây dựng bệnh viện dã chiến, song chỉ có TP HCM sử dụng điều trị cho bệnh nhân. Các địa phương khác chủ yếu dùng để cách ly.
“Covid-19 là căn bệnh khi cách ly hay điều trị phải đảm bảo khoảng cách nhất định. Trưng dụng các khu quân đội làm bệnh viện hay khu cách ly dã chiến sẽ rộng rãi, đảm bảo được yêu cầu về khoảng cách”, Thứ trưởng Sơn nói.
Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng, “giãn cách xã hội” để làm chậm và khống chế dịch. Lúc này, người dân không được chủ quan, cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.