Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 23/01/2020 06:17 (GMT+7)

Doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa: 'Việt Nam là quê hương thứ 2 của tôi'

Hơn 20 năm sống và làm việc tại quê hương đất Việt, đối với doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa, quốc tịch Hồng Kông (Trung Quốc), nơi đây đã trở thành quê hương thứ 2 của đời ông.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Cũng như hoàn cảnh của nhiều trẻ em ở vào thời điểm đó, do cuộc sống kinh tế gia đình khó khăn nên tuổi thơ của cậu bé Lưu Vĩnh Hòa ngày đó cũng không tránh khỏi cuộc sống đói nghèo và học hành không đến nơi, đến chốn. Giờ đây khi cuộc đời sắp bước vào cái tuổi U60, hồi tưởng lại, ông như người vừa trải qua một giấc mơ.

Doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa.

Điều đó xem ra cũng đúng, bởi cái nghèo, cái khó ngày ấy tưởng như là một hòn đá tảng chặn đứng con đường và khát vọng làm giàu của Lưu Vĩnh Hòa. 6 tuổi được cắp sách đến trường, song cơm không đủ ăn, quần áo cũng không đủ mặc, đây là nguyên nhân khiến cậu bé Lưu Vĩnh Hòa chỉ học đến lớp 5 rồi phải nghỉ học. Nghỉ học đồng nghĩa với cuộc đời mưu sinh để phụ giúp cho gia đình có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Cũng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa thời đó, để kiếm được chút ít tiền phụ giúp cha mẹ, Lưu Vĩnh Hòa phải làm đủ loại việc, khởi điểm là nghề kéo xe chở hàng thuê. Làm quần quật hàng chục tiếng trong ngày, vậy mà như ông Lưu Vĩnh Hòa kể, chỉ đủ lo cho hai bữa ăn đạm bạc. Thấy công việc quá nặng nhọc lại thu nhập thấp, Lưu Vĩnh Hòa chuyển dần sang các công việc khác. Thôi thì đủ việc, bất kể ai thuê làm việc gì, ông đều chấp nhận,kể cả cái nghề mà người đời khinh bỉ, đó là nghề nhặt phân rơi.

Đến năm 1980, một biến cố xảy ra nhưng sau đó cũng mở ra bước ngoặt cho cuộc đời của Lưu Vĩnh Hòa, đó là việc ông cùng một số người tìm cách trốn sang Hồng Kông - một chuyến đi cực kỳ nguy hiểm. Bởi để vượt biên đến Hồng Kông năm ấy, số người vượt biên, trong đó có ông phải bơi 8 giờ qua eo biển từ thành phố Thẩm Quyến đến Hồng Kông. Đây là eo biển như ông nói có nhiều cá mập, rắn độc sẵn sàng tấn công người.

Và trên thực tế, tại chuyến vượt biển năm ấy, có nhiều người trong đoàn của ông đã phải chấp nhận vĩnh viễn làm bạn với biển cả hoặc làm mồi cho cá mập. Rất may, Lưu Vĩnh Hòa cùng một vài người bạn thoát nạn. Sang tới Hồng Kông, Lưu Vĩnh Hòa coi đây là miền đất hứa và là cơ hội để thay đổi vận mệnh, cuộc đời. Tuy nhiên, đặt chân đến Hồng Kông trong hoàn cảnh chỉ là 2 bàn tay trắng, do vậy, ngày ngày Lưu Vĩnh Hòa phải nỗ lực sải bước tìm việc.

Ông tìm đến các nhà hàng để thu lượm dầu cặn rồi đưa về tái sinh để bán. Cứ thế công việc kéo dài đến năm 1982, số phận lại đưa đẩy ông đến với Đài Loan. Tại đây, ông làm công cho một nhà buôn bán bất động sản và cổ phiếu. Công việc khiến cho Lưu Vĩnh Hòa tìm được niềm vui, bởi qua đó ông học được ở các ông chủ kiến thức kinh doanh, kinh nghiệm thương trường và cũng từ đó, dần dần ông tích cóp được số vốn kha khá. Từ số vốn đó đã giúp Lưu Vĩnh Hòa từng bước đứng vững bằng đôi chân của mình.

Đến năm 1988, sẵn có số vốn và kinh nghiệm thu được, Lưu Vĩnh Hòa dời đảo Đài Loan để đến với Hà Lan - một đất nước gắn liền với những kỳ tích trong việc xây dựng hệ thống đê biển, quê hương của những chiếc cối xay gió và xứ sở của loài hoa tuy líp. Tại Hà Lan, ông khởi nghiệp bằng nghề môi giới bất động sản và cũng từ nghề này mà cuộc đời ông bước sang trang mới.

Dừng một chút, tôi hỏi ông: "Ông nghĩ thế nào khi tìm đến Hà Lan làm ăn, trong khi các công việc ở Đài Loan đang ổn định?". Sau ít phút, Lưu Vĩnh Hòa bộc bạch: "Mọi quyết định trong cuộc đời tôi thường dựa vào lời khuyên của một người thầy. Người thầy này như kim chỉ nam soi sáng cho cuộc đời tôi".

Tại xứ sở của loài hoa Tuy líp, theo ông Lưu Vĩnh Hòa thì trong thời gian làm việc ở đây đã giúp ông thêm một lần trải nghiệm, giúp ông tích tụ thêm kiến thức và kinh nghiệm mà ông học hỏi được từ các đồng nghiệp ở một quốc gia Châu Âu. Do vậy khi đã "đủ lông, đủ cánh", theo lời khuyên từ người thầy của mình, đến năm 1990, ông quyết định trở về Hồng Kông, sau đó lựa chọn thành phố Thẩm Quyến là nơi để làm ăn, phát triển sự nghiệp.

Theo lời ông thì đây cũng là thời điểm mà mọi việc kinh doanh của ông thuận lợi. Sẵn có kinh nghiệm thu được, doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa dấn thân vào nghề kinh doanh bất động sản. Từ số vốn có được, ông bỏ ra mua đất, cất nhà. Thời đó, Thẩm Quyến là đặc khu kinh tế được hưởng nhiều chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư. Nhiều chính sách mới được mở ra tạo sức hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, theo đó dân nhập cư vào các khu vực này cũng ngày một tăng lên. Theo đó là nhu cầu về chỗ ở, về thuê văn phòng, khách sạn cũng tăng.

Không bỏ lỡ cơ hội, Lưu Vĩnh Hòa tung tiền mua đất rồi cất nhà cho số lao động nhập cư thuê hoặc mua. Cứ thế công việc của ông ngày một nhiều và số tiền thu được cũng ngày một tăng. Và chỉ sau vài năm kinh doanh bất động sản, Lưu Vĩnh Hòa được dư luận ở Hồng Kông và Thẩm Quyến đánh giá là một doanh nhân thành đạt có tiếng. Khi thấy thị trường bất động sản ở 2 thị trường này gần như bão hòa, ông chuyển hướng tìm đến một quốc gia Bắc Mỹ, đó là Canada, rồi chuyển tiếp đến Thái Lan. Tại 2 quốc gia này ông tiếp tục với nghề kinh doanh bất động sản.

Từ những thành công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại một số quốc gia, năm 1993, doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa đã đổ công tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Theo đó, trong những năm từ 1993 đến năm 2000, ông đã có nhiều lần đến Việt Nam. Từ những chuyến đi thị sát ấy, ông cảm nhận: Việt Nam đang là một thị trường mới nổi và chứa đựng nhiềm tiềm năng cho các hoạt động đầu tư nước ngoài. Một nhân tố nữa thu hút sự quan tâm của ông là người Việt Nam thân thiện, tình hình chính trị ổn định, an ninh - trật tự được đảm bảo; Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương luôn rộng cửa và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn. Đó chính là lý do để ông chọn Việt Nam là nơi dừng chân.

Địa danh đầu tiên mà doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa tìm đến là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tiếp đó là thành phố cảng Hải Phòng và sắp tới sẽ là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa bảo rằng: "Đất lành chim đậu". Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của tôi. Làm ăn ở đây, tôi luôn nhận được sự cổ vũ và sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và các ngành chức năng.

Trong hơn 20 năm sống và làm ăn tại Việt Nam, tôi đã có nhiều bạn bè tốt. Ở Việt Nam tôi đã có một gia đình hạnh phúc, cô con gái tôi cũng đang mang quốc tịch Việt Nam. Tôi và các thành viên trong gia đình tôi yêu đất nước này. Chúng tôi sẽ chọn Việt Nam là địa chỉ cuối cùng của cuộc đời để sống và làm việc. Tôi mong con tôi sau này sẽ trở thành một công dân tốt góp phần vào việc xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam".

Trước khi chia tay với chúng tôi, doanh nhân Lưu Vĩnh Hòa nói: "Lúc nào trong trái tim tôi cũng mong mỏi quan hệ "núi liền núi, sông liền sông" giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển để những người như tôi có cơ hội làm ăn ổn định. Tôi mong các khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những khó khăn và vướng mắc tại Tòa nhà Trung tâm thương mại sại số 1 Đại lộ Hòa bình, thành phố Móng Cái sẽ sớm được chính quyền và các ngành chức năng ở thành phố Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ".

Và để có cơ sở giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển, ông cũng kiến nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm bổ sung chức năng kinh doanh, để công ty được mở lại siêu thị và cho phép doanh nghiệp mở cửa hàng miễn thuế. Sự trợ giúp của chính quyền và các ngành chức năng sẽ là lời giải để giúp doanh nghiệp của ông giải tỏa các khó khăn, vướng mắc từ đó để tiếp tục trụ vững và vững bước đi lên trên quê hương đất Việt.

Cùng chuyên mục

Xây dựng Hòa Bình lý giải nguyên nhân lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán
Sự chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán và số liệu báo cáo tài chính do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tự lập giảm 333 tỷ đồng đã được giải trình chi tiết tới Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, theo thông cáo phát đi từ đơn vị này ngày 1/4/2024.
Cát Tường Group: Nợ thuế tăng mạnh, hàng tồn kho phình to
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả Cát Tường Group đạt 1.933 tỉ đồng, tăng thêm 679% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khi Cát tường Group đã phát sinh khoảng 1.436 tỉ đồng nợ vay tài chính, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận.

Tin mới

Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Bắc Bộ nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiều nơi trên 41 độ C
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 28/4, Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội tiếp tục trạng thái ngày nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao nhất phổ biến ở mức 37-39 độ C; đêm không mưa. Trung Bộ và Nam Bộ ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.
Bình Thuận: Khởi tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh và 11 bị can là cựu lãnh đạo các sở, ngành
Căn cứ kết quả điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án KĐT du lịch biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư, mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.