Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 15/09/2019 01:34 (GMT+7)

Đồng Nai: Nhiều khuất tất cần làm rõ xung quanh vụ án 'Tình - Sương'?

Luật sư cho rằng, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa được TAND tỉnh Đồng Nai xét xử còn nhiều điểm cần phải được làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo và những người liên quan.

Vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử vụ án với bị cáo là Nguyễn Văn Tình (SN 1964, trú tại phường Thảo Điền, Quận 2, TP HCM) và vợ là bà Nguyễn Thị Chí Sương (cùng ngụ địa chỉ trên) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất phức tạp và liên quan đến quyền lợi của đông đảo người dân, đặc biệt là sinh mệnh của những người lãnh đạo một công ty, chủ đầu tư một dự án lớn. Tuy nhiên, vụ án lại được tách ra làm 2 vụ khác nhau, khi xử vụ thứ hai thì tài sản đảm bảo thi hành án cho hơn 200 bị hại đã không còn, do đã bán đấu giá để thi hành án cho vụ án thứ nhất. Nhận định về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, nhiều luật sư cho rằng có nhiều nội dung khuất tất.

Bị cáo Tình và vợ tại phiên tòa.

Theo hồ sơ vụ việc, thời điểm ngày 1/5/2010, ông Tình là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh (Đăng ký kinh doanh tại TP HCM, trụ sở phường Thảo Điền, Q.2), công ty có 4 cổ đông góp vốn theo tỷ lệ: Nguyễn Văn Tình (50%), Nguyễn Thị Chí Sương (8%), Đặng Đức Trung (30%), Hoàng Quốc Võ (12%). Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh là chủ đầu tư dự án KDC Tam Phước (xã Tam Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai).

Dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 4027/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 ngày 28/11/2008 với diện tích 157,23 ha. Để thực hiện điều này, Công ty Sài Gòn Cây Cảnh đã ký với Công ty Hoàng Linh và Công ty Nam Tiến Hợp đồng đại lý phân phối độc quyền dự án KDC Tam Phước và Hợp đồng dịch vụ môi giới độc quyền. Sau đó, khách hàng được đơn vị trung gian là Hoàng Linh, Nam Tiến giới thiệu đến ký với Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh bằng Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng. Đây được xem là giao dịch dân sự pháp luật không cấm, và phù hợp với Điều 4, Nghị định số: 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10 của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Cáo trạng số 275/CT-VKS-P3 ngày 28/3/2018 của VKSND tỉnh Đồng Nai thì hợp đồng góp vốn này thực chất là hợp đồng mua bán và vi phạm pháp luật. Tại phần kết luận của cáo trạng VKS nêu, trong thời gian từ tháng 12/2006 đến tháng 1/2011, vợ chồng ông Tình, bà Sương đã lợi dụng pháp nhân Công ty Sài Gòn Cây Cảnh ký 509 hợp đồng góp vốn để bán 514 nền đất dự án KDC Tam Phước cho 216 người, chiếm đoạt 173.005.698.000 đồng. Và cáo trạng còn cho rằng, hành vi của vợ chồng ông Tình, bà Sương là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hợp đồng góp vốn giữa khách hàng và Công ty Sài Gòn Cây Cảnh.

Theo hồ sơ vụ án cho thấy, các hợp đồng được cho là "mua bán” nói trên đều có tên là “Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng”. Tại phiên tòa xét xử, nhiều khách hàng được cho là bị hại đã trưng ra bằng chứng và khẳng định không hề liên quan đến vợ chồng ông Tình, bà Sương.

Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Thịnh và bà Lê Thị Kim (ngụ TP HCM) trưng ra Hợp đồng số 64/HĐGV/2009 ngày 10/8/2009. Hợp đồng này có tên gọi là “Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng Dự án KDC Tam Phước”, được ký giữa cá nhân ông Thịnh, bà Kim với Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh lúc này do bà Nguyễn Thị Chí Sương làm Giám đốc. Trong hợp đồng này thể hiện rất rõ những điều khoản thỏa thuận về giá trị góp.

Trong đó điều 1 của hợp đồng nêu rất rõ: “Bên B (khách hàng) đồng ý góp vốn, bên A (Công ty Sài Gòn Cây Cảnh) đồng ý nhận góp vốn để cùng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án KDC Tam Phước…”. Phần mục đích góp vốn cũng nêu rất rõ: “Góp vốn để đầu tư xây dựng để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án KDC Tam Phước theo quy hoạch để được nhận nền đất sử dụng xây dựng nhà ở ổn định và lâu dài…”.

Tại Tòa, bà Kim khẳng định, bà chỉ ký và góp vốn với chủ đầu tư dự án, chứ không hề thông qua cá nhân vợ chồng ông Tình, bà Sương. Tương tự bà Kim, bà Võ Thị Ngọc Bích (SN 1965, ngụ Quận 12, TP HCM) cũng khẳng định: “Tôi ký 33 hợp đồng góp vốn với công ty (Công ty Sài Gòn Cây Cảnh) để xây dựng dự án, dự án làm xong chúng tôi sẽ nhận nền, chúng tôi đóng góp theo từng đợt. Các hợp đồng có dấu, có Giám đốc, có thủ quỹ mang tên Công ty Sài Gòn Cây Cảnh, chứ không phải cá nhân ông Tình, bà Sương”.

Tại phiên xét xử, luật sư Trần Văn Tạo - Văn phòng Luật sư Trần Văn Tạo (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng: “Tài liệu lưu trong hồ sơ này rất rõ ràng là hợp đồng đầu tư góp vốn có nội dung, có tiến độ. Một bên góp vốn, một bên thu tiền. Bên thu tiền là pháp nhân Công ty Sài Gòn Cây Cảnh. Vậy, ai có quyền sửa đổi nội dung hợp đồng này? Bởi hợp đồng dân sự là hợp đồng hoàn toàn tự nguyện. Họ tự thỏa thuận với nhau và không ai có quyền can thiệp vào nội dung đó”.

Luật sư Tạo cũng nhấn mạnh: “Nếu nói hợp đồng góp vốn thực chất là hợp đồng mua bán nền, thì đề nghị đại diện VKS chứng minh bằng chứng cứ, chứ không thể nói bằng quan điểm”. Tuy nhiên, vị đại diện VKS vẫn bảo vệ quan điểm buộc tội trong cáo trạng chứ không giải thích.

Cũng tại phiên xét xử, một vấn đề mà các luật sư cho rằng, nếu xác định hơn 200 người dân là bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không thể không đưa Công ty Sài Gòn Cây Cảnh vào. Bởi lẽ, theo các luật sư, Công ty Sài Gòn Cây Cảnh là đơn vị liên quan trực tiếp đến việc ký hợp đồng góp vốn và thu tiền khách hàng. Như các căn cứ đã nêu trên, quan hệ dân sự giữa Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh và khách hàng là rõ ràng, bằng hợp đồng cụ thể. Đất người dân hướng tới để được sở hữu trong tương lai là đất của dự án KDC Tam Phước, do Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh là chủ đầu tư. Công ty này ngoài vợ chồng ông Tình, bà Sương chiếm 58% cổ phần thì còn ông Đặng Đức Trung (30%) và ông Hoàng Quốc Võ (12%).

Theo luật sư, ngoài trách nhiệm của vợ chồng ông Tình, bà Sương, đương nhiên phải liên quan đến hai cổ đông còn lại khi quyền lợi khách hàng không được đảm bảo. Đến nay, Công ty Sài Gòn Cây Cảnh vẫn chưa bị giải thể thì trách nhiệm với khách hàng là điều đương nhiên phải thực hiện.

Luật sư Trần Văn Tạo nêu: “Cáo trạng nêu vợ chồng ông Tình, bà Sương ký rất nhiều hợp đồng với rất nhiều bị hại để chiếm đoạt gần 174 tỷ đồng. Xin thưa HĐXX, trải qua các phiên tòa, thẩm vấn công khai không thấy xuất hiện ông Tình, bà Sương ở các hợp đồng này với tư cách cá nhân. Những người bị hại tại phiên tòa này cho biết rằng họ ký hợp đồng với công ty Hoàng Linh, Nam Tiến, sau đó mới ký hợp đồng góp vốn với Sài Gòn Cây Cảnh. Do đó, họ đưa tiền cho Hoàng Linh, Nam Tiến và sau đó Hoàng Linh, Nam Tiến mới đưa về Công ty Sài Gòn Cây Cảnh.

Vậy trong trường hợp này, ông Tình, bà Sương chỉ xuất hiện với tư cách đại diện cho Công ty Sài Gòn Cây Cảnh, nhận tiền để đưa vào quỹ, góp vốn đầu tư dự án, là pháp nhân nhận tiền. Vậy có thể nói quan hệ giao dịch này là quan hệ giữa khách hàng và Công ty Sài Gòn Cây Cảnh."

Luật sư Tạo đi đến nhận định: “Rõ ràng, trong hồ sơ vụ án này, không hề có một dấu hiệu nào chứng minh ông Tình, bà Sương thực hiện hợp đồng với tư cách cá nhân, nhận tiền của khách hàng rồi chiếm đoạt. Nhưng không hiểu vì sao VKS lại nói vợ chồng ông Tình, bà Sương chiếm đoạt gần 174 tỷ đồng. Điều này là không có căn cứ, tôi đề nghị VKS nêu cho rõ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội”.

Ngoài ra, có rất nhiều nội dung khác trong vụ án HĐXX vẫn chưa làm rõ, cùng hàng loạt bức xúc kiến nghị của luật sư. Tuy nhiên, sau nhiều ngày nghị án, sáng ngày 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án: Bị cáo Nguyễn Văn Tình 18 năm tù, tổng hợp hình phạt (với vụ án thứ nhất) là 30 năm tù, thời hạn tù từ 4/11/2010; bị cáo Nguyễn Thị Chí Sương 14 năm tù, tổng hợp hình phạt (với vụ án thứ nhất) là 28 năm tù kể từ ngày 14/2/2011 và tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường gần 174 tỷ đồng cho các bị hại.

Trước bản án được xét xử như trên, dư luận đặt câu hỏi, liệu HĐXX có “làm lơ” pháp nhân công ty để tuyên án cá nhân? và liệu HĐXX đã tuyên đúng người, đúng tội?

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc!

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...