Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 11/09/2019 04:47 (GMT+7)

Hà Nội: Vụ án cố ý gây thương tích tại sao 10 năm TAND quận Hai Bà Trưng chưa xét xử?

Báo nhận được đơn thư của ông Phạm Tiến Dũng phản ánh về việc ông bị các đối tượng cố ý gây thương tích với tổn hại sức khỏe 16% từ năm 2010, tuy nhiên, đến nay đã qua 10 năm mà TAND quận Hai Bà Trưng vẫn chưa đưa ra xét xử.

Theo kết luận điều tra số 133/CSĐT-ĐTTH, ngày 11/06/2019, của cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Hai Bà Trưng, vào chiều tối ngày 21/8/2010, ông Phạm Tiến Dũng (Sinh năm 1936, tại số 109 Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) gỡ dây đồng treo hộp công tơ bằng nhựa của nhà số 111 Phố Huế đang được treo trên tường nhà ông Dũng.

Đến khoảng 6h30 phút ngày 22/8/2010, do có mâu thuẫn trong việc treo hộp công tơ tại số nhà 109 phố Huế, bị can Lưu Minh Khôi (Sinh năm 1980, trú tại 111 phố Huế) đã đấm vào mặt ông Phạm Tiến Dũng khiến ông Dũng bị chảy máu ở mặt, mũi, miệng và gục xuống. Tiếp đó, bị can Lưu Tùng Lâm (Sinh năm 1982, em trai ông Khôi) đã dùng một thanh kim loại to, dài đánh vào tay ông Dũng khiến tay ông bầm tím, sưng nề. Lúc này, đối tượng Khôi còn dùng bình xịt xịt thẳng vào vợ chồng ông Dũng.

Ông Dũng với hành trình 10 năm theo kiện đòi công lý mà vụ việc của ông vẫn chưa được giải quyết.

Sau khi trình báo công an phường Ngô Thì Nhậm, ông Dũng được cấp giấy đi khám thương tại bệnh viện Thanh Nhàn. Tại bệnh viện Thanh Nhàn, sau khi tiếp nhận, ông Dũng lại được bệnh viện cho về, hẹn ông ngày hôm sau đến khám, sau đó bệnh viện lại tiếp tục cho ông về. Sáng ngày 23/8/2010, nhận thấy ông Dũng có hiện tượng sốt cao nên gia đình đã đưa ông Dũng đi cấp cứu tại bệnh viện Hữu Nghị, ngày 25/8/2010 thì ông được chụp Xquang.

Kết quả khám thương tại bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy ông Dũng bị bầm tím 1/3 giữa mặt ngoài cẳng tay phải, đường kính 0,6cm. Giấy chứng thương của bệnh viện Hữu Nghị cho kết quả ông Dũng bị gãy rạn 1/3 trên xương quay tay phải. Đến ngày 15/11/2010, Trung tâm pháp y Hà Nội đã đưa ra kết luận ông Dũng bị tổn hại sức khỏe 16% tạm thời, tính theo phương pháp lùi. Với những điều trên, VKSND quận Hai Bà Trưng đã quyết định khởi tố bị can Lưu Minh Khôi và bị can Lưu Tùng Lâm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 (điểm a,d) Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Hai Bà Trưng, quá trình điều tra xác minh không thu hồi được vật chứng gây thương tích và bình xịt mà bị can Lưu Tùng Lâm và Lưu Minh Khôi sử dụng. Ngày 31/3/2011, cơ quan CSĐT công an quận Hai Bà Trưng Hà Nội đã kết luận điều tra vụ án chuyển hồ sơ sang VKSND quận Hai Bà Trưng đề nghị truy tố hai bị can Lưu Tùng Lâm và Lưu Minh Khôi về tội cố ý gây thương tích tại Khoản 2, điều 104 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, sau khi nhận hồ sơ đề nghị truy tố, VKSND quận Hai Bà Trưng ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ thương tích của ông Dũng. Đến nay đã qua 10 năm và 4 lần mở phiên tòa xét xử nhưng sự việc vẫn chưa kết thúc để trả lại công bằng cho ông Dũng. Phiên tòa đầu tiên vào ngày 30/12/2011, các bị cáo không đến nên tòa phải hoãn. Phiên tòa thứ 2 mở ngày 18/01/2012, bị cáo Lưu Minh Khôi là Đảng viên chưa có giấy tạm đình chỉ sinh hoạt mà tòa vẫn đưa ra xét xử nên buộc phải hoãn. Lần thứ 3, phiên tòa được mở vào ngày 11/10/2012, phía bị cáo yêu cầu giám định lại thương tật của ông Dũng nên cũng bị hoãn. Theo đó, hồ sơ được trả lại cho công an quận Hai Bà Trưng để điều tra bổ sung.

Ngày 9/10/2014, do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can. Đến ngày 24/5/2019, cơ quan CSĐT công an quận Hai Bà Trưng ra quyết định phục hồi điều tra với bị can Lưu Minh Khôi và Lưu Tùng Lâm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2, điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 22/8/2019, TAND quận Hai Bà Trưng quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, một lần nữa phiên tòa bị hoãn do bị cáo Lưu Minh Khôi không có mặt.

Trong đơn thư của mình, ông Dũng đã rất bức xúc và chỉ ra những điểm tiêu cực ở một số cơ quan thực thi pháp luật khiến cho vụ án đã qua 10 năm vẫn chưa được xét xử. Theo quan điểm của ông Dũng, đối với bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện chỉ khám cấp cứu qua loa và kết luận xương không tổn thương. Vì mâu thuẫn với kết quả chụp của bệnh viện Thanh Nhàn, nên phim Xquang của bệnh viện Hữu Nghị chụp ngày 25/08/2010 đã bị thủ tiêu và tạo ra một số phim giả ngày 5/8/2010 và phim không ghi ngày.

Theo biên bản bàn giao phim của bệnh viện Hữu Nghị và cơ quan CSĐT quận Hai Bà Trưng, một phim chụp ngày 5/8/2010 (có trước 18 ngày khi ông Dũng vào viện) và 1 phim không có ngày, do đó, ông Dũng cho rằng 2 phim đó không phải của mình. Đối với hội đồng chuyên môn Bộ Y tế do Cục quản lý khám chữa bệnh chủ trì, kết luận chỉ căn cứ vào một phim chụp ngày 5/8/2010 ( theo ông Dũng là phim giả) để đưa ra kết luận.

Hiện nay, vụ án đã kéo dài 10 năm, mặc dù đã có cả tá công văn của Văn phòng BCH Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương, Biên bản tiếp dân của Bộ trưởng Bộ Y tế,… thế nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này đã khiến cho ông Dũng không ít lần phải mệt mỏi.

Trao đổi với ông Dũng, ông chia sẻ: “10 năm tôi miệt mài theo kiện, sức khỏe cũng giảm sút vì tuổi đã cao. 10 năm theo đuổi công lý, đã có hơn 600 tờ hóa đơn chuyển phát nhanh đi các nơi, các cuống hóa đơn chuyển phát nhanh đã nặng hơn 1kg, thế nhưng sự việc dường như dậm chân tại chỗ. Ngay cả quyết định xét xử gần nhất ngày 22/8/2019 cũng đã bị hoãn. Các cơ quan chức năng làm việc như vậy liệu tôi có đủ sức để chờ đợi một bản án công tâm?”.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những tổn thương về thể chất, sức khỏe, tinh thần của ông Dũng trong hàng chục năm qua? Liệu rằng sự chờ đợi một ngày được trả lại công bằng có được đền đáp xứng đáng bằng một bản án hợp tình hợp lý cho những kẻ phạm tội? Dư luận vẫn từng ngày chờ đợi cán cân công lý vào ngày 19/9/2019 theo lịch hẹn một lần nữa của Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Cùng chuyên mục

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: VKS đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan
Ngày 15/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia
Các ông chủ người Trung Quốc thuê những toà nhà trong khu đô thị thu nhỏ giữa rừng ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan làm căn cứ. Dưới trướng có nhiều người Việt quản lý, tiến hành tuyển lao động phổ thông đưa sang Campuchia, lừa gia nhập đường dây lừa đảo công nghệ cao mà thị trường hướng đến là cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada….

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...