Đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường thì bị xử phạt như thế nào?
Tục đốt vàng mã tồn tại từ lâu và cũng bị phản đối với một bộ phận người dân. Từ lâu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị các Phật tử và bà con loại bỏ tục đốt vàng mã. Bên cạnh những người vẫn duy trì tục lệ này, nhiều người đã ủng hộ việc loại bỏ.
Người dân quan niệm rằng “Trần sao âm vậy” nên đốt tiền giấy, vàng mã (nhà lầu, xe hơi, điện thoại, vàng bạc…) cho thân nhân đã khuất nhằm chu cấp cho ông bà tổ tiên dùng cho “thế giới bên kia”.
Việc dùng tiền thật, có giá trị kinh tế để mua những đồng tiền giấy, vàng mã rồi theo ngọn lửa thành tàn tro không có ý nghĩa gì mà còn dẫn đến sự lãng phí, gây hại nhiều đến môi trường và sức khỏe của con người.
Đầu tiên phải nói đến việc sản xuất những đồng tiền giấy, vàng mã là tổn hại đến tài nguyên rừng. Giấy được làm từ gỗ, muốn có gỗ phải chặt cây, những khu rừng bạt ngàn đang dần bị chặt phá đến cạn kiệt, phá hủy bầu không khí trong lành, tăng hậu quả của thiên tai, bão lũ,…
Thứ hai, là việc đốt vàng mã thải ra môi trường những làn khói nghi ngút, trực tiếp tác động đến bầu không khí và cũng có nhiều sự việc đáng tiếc liên quan đến hỏa hoạn từ việc đốt vàng mã gây ra.
Tiếp theo, đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường nước khi người dân vẫn có suy nghĩ đốt vàng mã xong phải đổ xuống sông, ao, hồ… Cùng niềm tin cho sự mát mẻ, siêu thoát và người mất sẽ được nhận dễ dàng hơn. Nhưng thật ra hành động này chỉ là hủ tục, mê tín dị đoan.
Bên cạnh đó còn làm xấu cảnh quan môi trường, khi những đường phố sạch đẹp bỗng nhiên bay tứ tung những tờ tiền giấy, vàng mã, những đám tro bụi.
Vậy đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường thì bị xử phạt như thế nào?
1, Mức xử phạt thắp hương, đốt vàng mã không đúng quy định
Việc thắp hương, đốt vàng mã trong các lễ hội truyền thống, ngày lễ,… đã trở thành thói quen lâu đời của người Việt. Hiện nay, pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm đốt vàng mã tại nơi ở riêng nhưng lại có quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi đốt tiền không đúng quy định khi tham dự lễ hội. Tại Điều 14 Nghị định 28/2021/NĐ-CP của chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo đã đưa ra mức phạt với các vi phạm quy định về tổ chức lễ hội. Theo đó, đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.
Ngoài ra, việc thắp hương, đốt vàng mã không đúng quy định cũng sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và các quy định khác liên quan đến an toàn, môi trường, trật tự đô thị. Cụ thể, tại Điều 9 của Luật Phòng cháy chữa cháy, việc thắp hương, đốt vàng mã tại các khu vực cấm hoặc không đúng quy định về an toàn phòng cháy sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Không chỉ vậy, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì hành vi thắp hương, đốt vàng mã không đúng quy định cũng có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời, hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, như gây cháy, thiệt hại về tài sản, môi trường hay gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người.
Không chỉ vậy, trường hợp đốt vàng mã gây hậu quả nghiêm trọng như cháy nhà, cháy rừng hay tài sản khác có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, quy định tại Điều 180 Bộ luật hình sự 2015, cấu thành tội phạm của tội này được quy định như sau:
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Cấu thành tội phạm của tội này được quy định là cấu thành tội phạm vật chất. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan gồm dấu hiệu hành vị, dấu hiệu hậu quả và dấu hiệu quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
+ Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ) những quy tắc sinh hoạt xã hội thông thường liên quan đến việc bảo vệ tài sản. Đó là những quy tắc sinh hoạt xã hội ai cũng có thể biết và có nghĩa vụ tuân thủ nhằm tránh gây ra những thiệt hại về tài sản.
+ Hậu quả mà hành vi vi phạm nói trên gây ra được quy định là thiệt hại về tài sản trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.
+ Thuộc mặt khách quan của tội này còn có dấu hiệu quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm quy tắc an toàn và hậu quả thiệt hại cho tài sản. Khi đã xác định có hành vi vi phạm và có thiệt hại cho tài sản đòi hỏi phải xác định giữa hành vi vi phạm và thiệt hại này có quan hệ nhân quả với nhau. Người có hành vi vi phạm quy tắc an toàn chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những thiệt hại cho tài sản do chính hành vi vi phạm của mình gây ra.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
+ Lỗi do người phạm tội được quy định là lỗi vô ý. Đây là dấu hiệu phân biệt tội phạm này với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Người phạm tội có thể vô ý vì quá tự tin (Biết có hành vi vi phạm, thấy trước hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản có thể xảy ra nhưng tin hậu quả đó không xảy ra) hoặc vô ý vì cẩu thả, tức là do cẩu thả không thấy trước hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhưng có thể và phải thấy trước hậu quả đó.
– Hình phạt khi vi phạm tội này: Tại điều luật này, quy định 02 khung hình phạt chính:
+ Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
+ Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm được quy định cho trường hợp phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên. Như vậy, theo quy định trên thì những người nào có hành vi đốt vàng mã không đúng quy định mà vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 180 Bộ luật hình sự 2015.
Tại Hà Nội, HĐND Thành phố Hà Nội cũng vừa cho thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa tại kỳ họp thứ 10, phiên họp ngày 8/12. Nghị quyết này quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (Nghị định 38), được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ. Đối với hành vi thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, Nghị quyết này quy định mức xử phạt như sau: "Nghị quyết quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định."
2, Hậu quả của việc thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định
Tuy Pháp luật Việt Nam không cấm việc thắp hương, đốt vàng mã nhưng việc thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định sẽ gây ra nhiều hậu quả cho môi trường. Theo tính toán từ số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê điều tra cho thấy người Việt Nam chi cho việc thắp hương, vàng mã, đồ cúng nhiều hơn so với chi tiêu hàng ngày. Tính đơn giản, nếu mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra 10 nghìn đồng để mua vàng mã thì nhân với 1 triệu hộ gia đình con số đã lên đến tới 10 tỷ đồng, trong khi số hộ gia đình ở Việt Nam lại lên tới khoảng gần 30 triệu hộ. Qua đây ta có thể thấy người dân càng ngày càng có xu hướng lạm dụng vàng mã một cách thái quá, mặc dù đã có những khuyến cáo về việc hạn chế sử dụng do lãng phí tiền của và ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Việc thắp hương, đốt vàng mã không đúng quy định có thể gây ra nhiều hậu quả, bao gồm:
- Gây ô nhiễm môi trường: Khi đốt vàng mã hoặc thắp hương không đúng cách, nó có thể tạo ra khói độc hại và mùi hôi khó chịu, gây ô nhiễm không khí và môi trường.
- Gây cháy nổ: Việc sử dụng lửa để đốt vàng mã và thắp hương có thể gây ra nguy cơ cháy nổ, đặc biệt khi các vật dụng như giấy, nến hay vải sáp bị rơi vào lửa.
- Gây nguy hiểm cho sức khỏe: Khói từ việc đốt vàng mã và thắp hương không đúng cách có thể gây khó chịu và gây kích thích cho mắt, mũi và họng. Nó cũng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và các bệnh về đường hô hấp.
- Gây phiền hà cho người khác: Việc đốt vàng mã và thắp hương không đúng cách có thể làm phiền người xung quanh, đặc biệt là nơi có khu dân cư hay trường học - nơi có nhiều trẻ em.
- Vi phạm pháp luật: Đốt vàng mã và thắp hương không đúng nơi quy định, không đúng cách có thể vi phạm các quy định pháp luật về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường và quản lý nguồn tài nguyên.
3, Cách hạn chế tình trạng thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định
Việc hạn chế tình trạng thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định là một vấn đề quan trọng để bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và giữ gìn hình ảnh đẹp của đất nước. Dưới đây là một số cách để hạn chế tình trạng này:
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định đến môi trường, sức khỏe và an ninh trật tự.
- Thực hiện các biện pháp pháp lý như áp dụng các quy định về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự để xử lý các trường hợp vi phạm.
- Xây dựng các nghĩa trang hiện đại và đầy đủ tiện nghi để thay thế cho việc thắp hương, đốt vàng mã tại các khu vực công cộng, đất trống hoặc nơi không phù hợp.
- Tổ chức các hoạt động tôn giáo, lễ hội tại các địa điểm phù hợp, được phép để hạn chế việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo trong nơi công cộng hay nơi không được quy định.
- Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động thực hiện không đúng nơi quy định, vi phạm pháp luật.
- Khuyến khích sử dụng các phương tiện khác như tạo hình, vẽ tranh, tài liệu giới thiệu tôn giáo thay cho việc thực hiện các nghi lễ thắp hương, đốt vàng mã.
- Tăng cường hợp tác giữa các cấp chính quyền, cộng đồng và các tổ chức tôn giáo để tìm ra các giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất trong việc hạn chế tình trạng thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định.