Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 21/10/2019 08:09 (GMT+7)

Hà Nội: Thanh tra xây dựng huyện Thường Tín ‘bao che’ cho công trình xây sai phép?

Nhiều người dân tại Khu dịch vụ Cầu Dừa, xã Văn Bình, huyện Thường Tín cho biết, hiện trên địa bàn xã Văn Bình tồn tại công trình xây dựng sai phép nhưng không bị xử lý.

Theo đó, trên địa bàn khu dịch vụ Cầu Dừa, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội xuất hiện công trình xây dựng với chiều cao “khủng”, có dấu hiệu vi phạm TTXD (trật tự xây dựng) nghiêm trọng.

Công trình được xây dựng với chiều cao và quy mô “khủng”.

Cụ thể, công trình nói trên nằm đối diện Siêu thị điện máy Long Bình, huyện Thường Tín. Công trình đã xây xong phần thô với quy mô 7 tầng + 1 tum, bên ngoài bên ngoài công trình chưa được sơn trát lại. Không những thế trong quá trình thi công công trình không được che chắn cẩn thận gây mất an toàn cho các hộ dân xung quanh. Đặc biệt công nhân thi công công trình không có đồ bảo hộ khi làm việc trên phần cao nhất của công trình, điều này vô cùng nguy hiểm.

Hiện tại công trình đã xây xong phần thô với quy mô 7 tầng + 1 tum.

Theo chia sẻ của một hộ dân sống lân cận công trình cho biết: Huyện Thường Tín đang trong quá trình đô thị hóa để đạt chỉ tiêu lên quận trong thời gian tới, đường xá mở rộng nên nhiều nhà cũng được dịp xây sử lại. Nhưng khu vực này thường chỉ được phép xây dựng nhà khoảng 4 tầng + 1 tum, muốn lên cao thêm thì phải đi làm rất nhiều thủ tục xin cấp phép, để lên được 5 tầng đã khó ấy vậy mà không hiểu tại sao ủy ban xã lại để cho công trình này được xây cao lên cao hơn 8 tầng như vậy?

Những năm trở lại đây xã Văn Bình cùng nhiều xã khác trên địa bàn huyện Thường Tín đang trên đà phát triển và trong quá trình thực hiện đô thị hóa phấn đấu mục tiêu lên quận của huyện Hoài Đức thời gian sắp tới. Nhiều xã là điểm nóng cho tình trạng vi phạm TTXD diễn ra.

Liên quan đến những phản ánh trên, PV đã có buổi làm việc với cán bộ huyện Thường Tín. Tại buổi làm việc với ông Dương Đình Tiêu, đại diện Thanh tra xây dựng  huyện Thường Tín cho biết: Ở khu vực ấy trước đây từ năm 2017 về trước phải xin phép còn bây giờ thì không phải xin phép, thế nên cũng có công trình ở chân cầu vượt, xây dựng khách sạn 7,8 tầng nhưng không có cái nào quy định là bao tầng cả. Quy hoạch của vùng nông thôn này chỉ quy định không vượt quá 45m khoảng không của quân sự thì phải hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng, còn lại trong khu dân cư này thì xây 6,7,8 tầng thì không có nghị định nào quy định cả. Các công trình này được miễn phép chỉ có khu vực thị trấn thì mới phải cấp phép.

Nhưng khi PV hỏi theo quyết định số 2295/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chung thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín; Địa điểm: Thị trấn Thường Tín, các xã: Văn Bình, Văn Phú, Hà Hồi – huyện Thường Tín – thành phố Hà Nội quy định: Các khu vực dân cư tập trung trên các trục đường lớn đều xây dựng với chiều cao tối đa 5 tầng. Các khu vực nhà hành chính, cơ quan chiều cao tối đa 7 tầng…  thì cán bộ lại thừa nhận công trình này có thừa tầng và phần tum.

Quyết định số 2295/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chung thị trấn Thường Tín.

PV tiếp tục hỏi về việc đã tiến hành kiểm tra và xử phạt đối với công trình sai phạm này hay chưa và xin được tiếp cận với các biên bản xử lý, xử phạt gần đây thì ông Tiêu thoái thác với lý do cán bộ giữ hồ sơ hiện đang đi vắng không ở cơ quan nên chưa cung cấp được. Còn ông thì chưa nắm được vấn đề này do kiểm tra và xử phạt là do xã Văn Bình quản lý. Và ngỏ ý PV có thể xuống xã hoặc gặp chủ đầu tư để tự lấy văn bản kiểm tra.

Việc bất nhất trong câu trả lời trước và sau của vị cán bộ này khiến dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra nghi vấn về tính chân thực của các thông tin mà vị cán bộ này cung cấp.

Trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã được quy định rõ nhưng tình trạng buông lỏng quản lý vẫn còn tồn tại. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần có những chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm thì mới hạn chế được tình trạng trên, tránh xu hướng lan rộng.

Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Thường Tín, Sở Xây dựng Hà Nội, sớm có biện pháp xử lý nghiêm những công trình vi phạm nêu trên. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép tại xã Văn Bình.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký văn bản gửi 8 sở của TP, Công an TP, Thanh tra TP, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị, trách nhiệm của UBND và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về những vi phạm phát sinh mới và kết quả xử lý công trình còn tồn đọng. Đối với các xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm mới hoặc không xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng theo yêu cầu của UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Cùng chuyên mục

Đề xuất quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng bằng mã QR
Ngày 02/5 vừa qua, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức công khai lấy ý kiến của người dân và các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Trong đó, có đề xuất về việc in mã QR trong GCNQSDĐ. Sau khi lấy ý kiến, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư và đưa vào triển khai thực hiện từ 01/01/2025.
Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024
Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 01/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã hoàn thành dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Tin mới

Đề xuất bổ sung phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại
Theo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Công an nhân dân, trong đó có nghề, công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.