Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 20/03/2020 03:47 (GMT+7)

Hưng Yên: Nhiều 'bất thường' trong giải phóng mặt bằng dự án Trường Đại học Thủy Lợi - Phố Hiến

Dường như mọi người dân đều biết, đều bức xúc và bàn tán không thôi về những “dấu hiệu” thiếu minh bạch trong việc lập danh sách đền bù và hỗ trợ các gia đình có đất thu hồi để thực hiện dự án xây dựng Trường Đại học Thủy Lợi cơ sở Phố Hiến.

Trường Đại học Thủy Lợi cơ sở Phố Hiến tọa lạc trên 1 diện tích rộng lớn gồm nhiều tòa nhà cao tầng rất bề thế, nằm sát trục đường QL 38B chạy qua địa bàn xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm 2005, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi thời đó là GS.TS Đào Xuân Học đã khởi động xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủy Lợi giai đoạn 2006 - 2020 với sự hỗ trợ kinh phí từ dự án DANIDA, sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế. Trên cơ sở đó, ngày 17/7/2012, Bộ NN&PTNT chính thức phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư mở rộng Trường ĐH Thủy lợi về Khu ĐH Phố Hiến tỉnh Hưng Yên. Trong đó, đầu tư giai đoạn 1 với điện tích 56,35 ha. Tổng mức đầu tư là 1.421,54 tỉ đồng. Nguồn vốn bao gồm: Vốn vay ADB là 1.238,4 tỉ đồng (59,5 triệu USD); vốn trong nước là 183 tỷ đồng. 

Phương án hỗ trơ sinh kế có tên bà Nguyễn Thị Thanh Hương ở vị trí số 129.

Gần 10 năm lập quy hoạch và trình duyệt dự án xây dựng Trường Đại học Thủy Lợi cơ sở Phố Hiến, thêm nhiều năm nữa để huy động cả nghìn tỉ đồng cho công tác thực hiện Dự án, nhưng suốt từ những năm bắt đầu công tác giải phòng mặt bằng (GPMB) 2013 - 2014 đến nay, từ các diện tích đất đền bù đã mọc lên những dãy nhà tầng bề thế, song làn sóng dư luận tại xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có lúc nào lắng xuống.

Để làm rõ những nghi ngờ, công dân thôn An Xá cũng đã nhiều lần ý kiến trong các cuộc họp cử tri, có đơn tố cáo gửi đi nhiều cơ quan ban ngành tại tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là tới UBND huyện Tiên Lữ, nhưng chưa lần nào được trả lời triệt để, rõ ràng…

Ngay sau khi tiếp nhận đơn thư của nhân dân thôn An Xá, PV đã đến UBND huyện Tiên Lữ để đặt lịch làm việc. Nhiều ngày trôi qua, cũng nhiều lần đề nghị được cung cấp thông tin để trả lời dư luận, nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Tiên Lữ đến nay vẫn “bặt vô âm tín”?

Có tên trong danh sách nhận đền bù, hỗ trợ GPMB, nhưng lại khẳng định “không có đất và cũng… không nhận tiền”?

Đầu năm 2013-2014, xã An Viên nằm trong diện tích thu hồi đất để GPMB cho dự án xây dựng Trường Đại học Thủy Lợi cơ sở Phố Hiến. Để thực hiện công tác thu hồi đất, GPMB cũng như hỗ trợ sinh kế cho những gia đình bị mất diện tích canh tác, UBND tỉnh Hưng Yên giao trách nhiệm chính cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu Đại học Phố Hiến triển khai thực hiện. Từ đây, trong quy trình đền bù GPMB, ở bước kiểm kê đất đai, tài sản trên đất được thực hiện bởi UBND cấp xã phối hợp với bộ phận thực hiện nhiệm vụ bồi thường GPMB. Đồng thời, người sử dụng đất cũng phải có trách nhiệm phối hợp để các cơ quan chức năng hoàn thành công việc hiệu quả và chính xác nhất.

Thế nhưng, trong công cuộc GPMB “ì xèo” của Dự án xây dựng Trường Đại học Thủy Lợi cơ sở Phố Hiến tại xã An Viên, dư luận bỗng đâu lại “lòi ra” những chuyện lạ đời như: (1) một miếng đất thừa trước đây xã vẫn cho người dân cấy khoán, nay khi thu hồi lại mang tên bà Nguyễn Thị Thanh Hương (1969) hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã An Viên; (2) hay như chuyện cụ Nguyễn Thị Lợi, dù đã mất cách đây gần 40 năm (khoảng những năm 1978), nhưng vẫn có “ký nhận” trong danh sách đền bù tiền thu hồi đất và hỗ trợ sinh kế…???

(1) Theo đơn thư tố cáo của người dân cũng như một số tài liệu PV thu thập được, câu chuyện số một được kể bên trên là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Hương (1969) hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã An Viên. Trong “Phương án chi tiết hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng tham gia mô hình lúa, cá và gà tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ”, hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hương được ghi nhận tại số thứ tự thứ 129, được hưởng số tiền hỗ trợ sinh kế là 20.445.500; trong danh sách kiểm đếm, tổng diện tích đất nông nghiệp mang tên hộ Nguyễn Thị Thanh Hương là 1.044m2 tại cánh đồng Bờ Dậy, diện tích bị thu hồi là 612m2 (1,7 sào), số tiền đền bù gần 200 triệu đồng…

Tuy nhiên, thật kỳ lạ, khi tiếp xúc với PV tại UBND xã An Viên, bà Hương dù đã được nghe dư luận về việc này nhiều lần, nhưng vẫn tỏ thái độ ngạc nhiên. Bà Hương khẳng định: “…do không có khẩu 03 nên chỉ có duy nhất mảnh đất ruộng tại đội 5 - khu ruộng Sau Chùa, chung với bố mẹ đẻ là ông bà Quỳnh Tâm. Tôi không có ruộng tại đội 5 - khu Bờ Dậy và cũng chưa từng ký nhận tiền vào bất kể một văn bản nào liên quan đến thửa ruộng này. Việc tại sao lại có tên trong danh sách hỗ trợ, đền bù tôi không nắm được. Mong các cơ quan chức năng làm rõ…”?

(2) Không dừng lại tại sự việc của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, dư luận xã An Viên vẫn tiếp tục bàn tán câu chuyện của bà Nguyễn Thị Lợi. Việc Bà Lợi đã mất cách đây gần 40 năm- khoảng những năm 1978 thì địa phương ai cũng biết, nhưng việc “bà Lợi” vẫn có “ký nhận” trong danh sách đền bù tiền thu hồi đất và hỗ trợ sinh kế… thì không ai hiểu được? Tổng diện tích đất nông nghiệp bà Lợi có là 2.700m2, diện tích đất thu hồi là 270m2, tương đương số tiền đền bù gần 100 triệu đồng và số tiền hỗ trợ sinh kế là 16.957.000đ.

Như vậy, với những dấu hiệu bất thường trong quá trình hỗ trợ đền bù GPMB tại xã An Viên, huyện Tiên Lữ, dư luận địa phương đã nhiều năm không ngừng sục sôi và đã nhiều lần mong các đơn vị liên quan “Công khai diện tích đất thu hồi, danh sách đền bù và hỗ trợ sinh kế” để nhân dân địa phương phối hợp, thể hiện trách nhiệm giám sát và ổn định dư luận địa phương nhưng chưa được lắng nghe, đáp ứng.

Ai đã lập danh sách đền bù, hỗ trợ kiểu “hồn Trương Ba, da Hàng thịt”…?

Thời điểm những năm 2013-2014 thực hiện công tác thu hồi đất và GPMB, ông Phạm Sinh Mừng - Chủ tịch UBND xã An Viên hiện nay chỉ là Phó Chủ tịch và phụ trách mảng công tác khác. Do vậy, người nắm được nhiều thông tin nhất trong công tác GPMB thời điểm đó là, ông…. Phạm Văn Phúc - cán bộ địa chính xã An Viên.

Làm việc với PV, ông Phúc cho biết, hiện xã không còn lưu các hồ sơ liên quan đến việc đền bù và GPMB, mọi tài liệu nằm ở UBND huyện Tiên Lữ và Ban Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu Đại học Phố Hiến. Tuy nhiên, khi được hỏi các đơn vị liên quan căn cứ vào đâu để lập danh sách đền bù GPMB và hỗ trợ sinh kế, ông Phúc cho biết đó là danh sách do cán bộ trưởng các thôn rà soát và trình lên. Xét thời điểm đó, trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Hương (thuộc thôn An Xá) và cụ Nguyễn Thị Lợi (thuộc thôn Nội Nhãi) đều do Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Bình tham mưu lập danh sách.

Thêm một chi tiết khiến PV cảm thấy vô cùng kỳ lạ, đó là: Khi tiếp xúc với Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Bình, địa chính Phạm Văn Phúc hay ông Hòa - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lữ, PV đều nêu rất rõ việc: “Muốn xác minh thông tin liên quan đến trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Hương (1969) và thửa ruộng tại đội 5 - cánh đồng Bờ Dậy”… Nhưng không hiểu sao, tất cả các bên đều né tránh trả lời trường hợp bà Hương này và một mực cho rằng: Trường hợp PV đang hỏi đến là trường hợp bà Nguyễn Thanh Hương và chồng là ông Nguyễn Văn Du (cùng có tên trong “Phương án chi tiết hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng tham gia mô hình lúa, cá và gà tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ”, nhưng ở vị trí số 60) - đây là trường hợp được thừa hưởng đất từ một người họ hàng đã mất. Lại nói về vấn đề lập danh sách đền bù cho hộ bà Hương, ông Du, do diện tích bài viết giới hạn nên PV chưa thể đề cập sâu đến những dấu hiệu thiếu chặt chẽ trong việc cho - nhận đất 03 của trường hợp này, nhưng PV sẽ tiếp tục làm rõ trong kỳ sau…

Tuy mọi đầu mối tố cáo và mọi phát ngôn của các cán bộ thôn, xã đều khẳng định người rà soát, lập danh sách cơ sở tại thôn An xá và tham mưu cho UBND xã An Viên là Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Bình, nhưng ông Bình lại không thừa nhận. Theo lý giải của ông Bình, thì ông này chỉ nhận lập phần danh sách thôn An Xá, còn phần danh sách có chứa trường hợp bà Nguyễn Thị Lợi là do ông Phạm Văn Hương - Phó thôn lập.

Sau khi dồn 02 thôn An Xá và Nội Nhãi làm một vào hồi tháng 04/2019, ông Hương đã nghỉ chức Phó thôn còn ông Bình vẫn tiếp tục làm Trưởng thôn An Xá. Dù liên tiếp có nhiều “lùm xùm” trong cách thức làm việc, nhưng ông Bình vẫn giữ vững chức Trưởng thôn An Xá từ năm 2004 đến nay.

Theo đơn thư tố cáo của người dân, trong khoảng 15 năm làm trưởng thôn, ông Ngyễn Ngọc Bình có nhiều dấu hiệu làm sai nguyên tắc và thậm chí có nhiều dấu hiệu “mập mờ” trong kê khai quyết toán hóa đơn, chứng từ liên quan đến nhiều công trình, dự án, mua sắm công tại thôn An Xá. Để dư luận hiệu rõ cũng như các cơ quan ban ngành liên quan có thông tin làm rõ những nghi vấn này, PV sẽ tiếp tục nêu trong kỳ sau.

Năm 2020, xã An Viên được huyện Tiên Lữ chọn là nơi “làm điểm” bầu Đại hội Đảng bộ cấp xã. Những tưởng sự lựa chọn này sẽ làm gương cho các xã khác nhìn vào, được nhân dân địa phương hào hứng, ủng hộ, nhưng thực tế trong dư luận địa phương vẫn còn đang “băn khoăn” nhiều vấn đề, nhất là việc 02 thôn lớn nhất xã An Viên là An Xá và Nội Nhãi vừa được dồn làm một, nhưng không hiểu sao xã An Viên không tổ chức Đại hội chi bộ thôn, giữ nguyên hàng ngũ cán bộ thôn đã cũ?

Để Hưng Yên tiếp tục phát huy lợi thế vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giữ vững an ninh trật tự, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kính đề nghị UBND tỉnh Hương Yên, UBND huyện Tiên lữ cùng các Sở, ban ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc làm rõ, ổn định dư luận địa phương, tránh trường hợp đơn thư kéo dài, gây mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền, phát sinh dư luận xấu.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới