Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 24/01/2024 10:56 (GMT+7)

Không được để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến

Quán triệt không được để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý từ 01/7/2024 sẽ tăng lương, cần dự báo sát tình hình, không được chủ quan, để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá kịp thời, hiệu quả.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngày 23/01/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024.

Tại cuộc họp, các ý kiến nhận định, năm nay, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn nội tại.

Để đạt tăng trưởng GDP 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân 4-4,5%, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra 03 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý từ 01/7/2024 sẽ tăng lương. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên, bên cạnh nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu)...

Do đó, cần dự báo sát tình hình thực tế, hết sức cẩn thận, không được chủ quan, để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán; chú trọng bình ổn thị trường giá cả.

Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tính toán, sớm chuẩn bị các phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, quan trọng theo thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu, tránh bị động trong triển khai chính sách, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải... Không được để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bộ Tài chính được giao phối hợp với các bộ, ngành kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn luật giá, không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, điều hành giá.

Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong năm 2023 mặt bằng giá cả biến động tăng vào đầu năm, sau đó theo xu hướng giảm dần và tăng nhẹ trở lại trong quý IV.

CPI bình quân tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2022 trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Lạm phát cơ bản bình quân tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung.

Nguyên nhân do một số mặt hàng như xăng dầu, giá gas giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Trong khi một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính lạm phát cơ bản có xu hướng tăng kéo dài như “nhà ở thuê”, “Ăn uống ngoài gia đình”.

Công tác quản lý điều hành giá thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023, các quý tiếp theo thực hiện linh hoạt theo diễn biến CPI với mức độ và liều lượng phù hợp.

Ghi nhận những kết quả, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế và đề nghị các bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm; quyết liệt, chủ động hơn để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền các giải pháp trong công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024.

Cùng chuyên mục

Khai trừ Đảng đối với ông Phạm Thái Hà
Ban Bí thư nhận thấy, những vi phạm của ông Phạm Thái Hà đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.
Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Tin mới

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.