Không khí Hà Nội ở mức báo động trong ngày sương mù dày đặc
Sau 2 ngày chất lượng không khí ở mức tốt, luôn phổ biến ở ngưỡng “xanh”, sáng nay (6/2), chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thành phố Hà Nội lại chuyển sang màu ô nhiễm “cam” và “đỏ”.
Sáng 6/2, tại Thủ đô Hà Nội sương mù kèm bui mịn trắng xóa khắp trời, che kín các tòa nhà cao tầng. Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội vào lúc 7h sáng 6/2 cho thấy chỉ số AQI ở phần lớn các điểm đo đã tăng lên ở ngưỡng “kém.” Cụ thể, khu vực Hàng Đậu (AQI 125); Phạm Văn Đồng (126); Chi cục Bảo vệ môi trường (112); Thành Công (118)…
Tới thời điểm 12h, hầu hết các điểm đo vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng “kém” với chỉ số AQI cao nhất lên tới 137 ở khu vực Phạm Văn Đồng.
Thậm chí, Theo hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) vào lúc 7h sáng nay, chất lượng không khí ở Hà Nội hiện thị ngưỡng “màu đỏ” ở hầu hết các điểm đo với chỉ số AQI phổ biến từ 151-198.
Sau 2 ngày không xuất hiện trong top thành phố ô nhiễm, đến thời điểm 10h sáng nay, Hà Nội ở vị trí thứ 8 trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Airvisual quan trắc theo thời gian thực.
Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, chất lượng không khí ở mức “xấu” xuất hiện tại hầu hết các điểm đo. Chỉ số AQI cao nhất mà ứng dụng PAM Air ghi nhận được lên tới 188 tại khu vực Nhân Chính (Thanh Xuân).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thời điểm đầu năm tháng 2, tháng 3 chất lượng không khí thường kém hơn các thời điểm khác trong năm.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu mức độ ô nhiễm, người dân hạn chế dùng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, tăng cường trồng cây xanh, không hút thuốc lá, không đốt rác, đốt rơm rạ, đốt than tổ ong. Người lớn và cả trẻ em nên khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm.
Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/khong-khi-ha-noi-o-muc-bao-dong-trong-ngay-suong-mu-day-dac-13612.html