Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ bão cát cực đoan
Các trận bão cát và bụi đang xuất hiện với tuần suất dày hơn một cách đáng ngại ở một số nơi trên thế giới, trong đó ít nhất 25% số cơn bão là do con người gây ra. Đây là cảnh báo do Công ước Liên Hợp Quốc năm 1994 về chống sa mạc hóa (UNCCD) đưa ra.
Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw mô tả cảnh tượng những đám mây đen chứa đầy cát và bụi nhấn chìm mọi thứ trên đường đi và biến ngày thành đêm là một trong những cảnh tượng đáng sợ nhất của thiên nhiên. Hiện tượng này đã càn quét và tàn phá mọi nơi từ Bắc Á, Trung Á đến châu Phi cận Sahara.
Ông Thiaw nhận định bão cát và bụi là thách thức lớn cản trở sự phát triển bền vững. Hoạt động của con người là tác nhân khiến các trận bão cát ngày càng trầm trọng, do vậy tần suất và cường độ của hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể thuyên giảm nhờ hành động của con người.
Theo các chuyên gia của UNCCD, bão cát và bụi là một hiện tượng tự nhiên phổ biến và xảy ra theo mùa ở một số vùng, song vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do sự yếu kém trong quản lý đất và nước, tình trạng hạn hán và biến đổi khí hậu.
Ông Feras Ziadat, Chủ tịch Liên minh chống bão cát và bụi của LHQ, nhấn mạnh bão cát và bụi ngày diễn ra với tần suất dày hơn và cường độ nghiêm trọng hơn, gây ra tác động xuyên biên giới, ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu, sức khỏe, nông nghiệp, sinh kế và cuộc sống của người dân.
Theo ông Ziadat, tại các khu vực nguồn, bão cát và bụi phá hoại mùa màng, ảnh hưởng đến vật nuôi và cuốn đi tầng đất bề mặt, đặc biệt, nếu kết hợp với tình trạng ô nhiễm công nghiệp ở các địa phương, có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe con người như các bệnh về đường hô hấp. Thông tin liên lạc, sản xuất điện, giao thông vận tải và chuỗi cung ứng cũng có thể bị gián đoạn do tầm nhìn hạn chế.