Nghề luật sư - Nghề cao quý nhưng nhiều khó khăn, thử thách
Nghề luật sư – nghề có liên quan rất chặt chẽ đối với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bao trùm lên tất cả là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nhưng ở Việt Nam, vì sao việc hành nghề luật sư hiện còn gặp rất nhiều khó khăn? Dư luận đang mong có sự giải đáp trọn vẹn.
Ngộ nhận, định kiến của không ít người đối với nghề luật sư
Theo thống kê, ở Mỹ khoảng 200 dân có một luật sư (200/1), Nhật Bản: 400/1, Singarpore: 1.000/1; Thái Lan: 1.526/1, Việt Nam 16.500/1. Nhìn tỷ lệ này, một số người cho rằng dân Mỹ là những người thích kiện tụng. Rất ít người tin tưởng vào biểu tượng “bảo vệ công lý” khi thấy chánh án tòa án tối cao và chủ tịch hiệp hội luật sư toàn quốc một số nước cùng đứng cạnh nguyên thủ quốc gia trong các dịp quốc lễ hoặc khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia khác đến thăm.
Ở Việt Nam, những định kiến, ngộ nhận về nghề luật sư không chỉ giới hạn về mặt quan điểm. Nó còn thể hiện ra bằng nhiều thái độ, hành động không đúng mực giữa viên chức điều tra, xét xử với luật sư trong giải quyết các vụ án.
Có người cho rằng hoạt động hành nghề của luật sư là cách vẽ đường cho hươu chạy, xui bị can, bị cáo đối phó và gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử. Có người khuyên đương sự không nên nhờ luật sư vì thêm tốn tiền. Luật sư chỉ là những người tham gia tố tụng. Người tiến hành tố tụng mới có quyền ra quyết định hoặc phán quyết. Pháp luật tố tụng hiện hành đã mở rộng quyền của các luật sư trong tiến hành tố tụng.
Nhưng hiện tượng luật sư bị gây khó khăn trong tiếp xúc với bị can, bị cáo vẫn còn xảy ra. Việc khắc phục các hiện tượng cố tình gây cản trở luật sư hành nghề đã được bàn đến nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến như mong đợi.
Trong giao tiếp, không ít người chọn lối sống khép kín vì cho rằng “sinh sự thì sự sinh”. Phần đông người dân tìm đến luật sư chỉ khi gặp rắc rối với pháp luật. Các cuộc điều tra xã hội học cho thấy số người tin vào kết quả của luật sư bảo vệ được công lý cho thân chủ khá thấp.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Không ít viên chức thiếu thực tâm trong việc ủng hộ hoạt động hành nghề của luật sư vì lo ngại hoạt động của luật sư sẽ gây khó khăn cho công việc lãnh đạo, quản lý của họ.
Chung lại, ngộ nhận, định kiến về nghề luật sư không chỉ xảy ra giữa luật sư với viên chức điều tra, xét xử. Trong nhân dân, trong viên chức các ngành lập pháp, hành pháp, trong Đảng hiện vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm và cách xử sự chưa phù hợp với vị trí, vai trò của luật sư như đã được quy định trong Hiến pháp.
Ở Việt Nam, nghề luật sư ra đời dưới thời đô hộ của thực dân Pháp. Ngày 26/11/1876, Toàn quyền Pháp ban hành Nghị định về việc biện hộ tại tòa án cho người Pháp hoặc người Việt mang quốc tịch Pháp.
Ngày 30/01/1911, nhà cầm quyền Pháp đã mở rộng nghề luật sư cho cả người Việt mang quốc tịch Việt. Đa số những người tốt nghiệp trường luật đều tham gia bộ máy chính quyền của thực dân Pháp. Chế định luật sư bào chữa dưới thời Pháp thuộc không có mấy ảnh hưởng đối với người Việt Nam.
Sau năm 1930, một số ít luật sư người Việt do Pháp đào tạo không nhận làm viên chức cho Pháp mà mở văn phòng luật sư riêng. Một số ít như các ông: Phan Văn Trường, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo được nhân dân nể phục về hoạt động bảo vệ công lý cho những chiến sĩ cách mạng đấu tranh chống thực dân, phong kiến.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Chỉ hai tháng sau, vào ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức các Đoàn luật sư trong cả nước. Tiếp đến, chức năng, nhiệm vụ của luật sư đã được Hiến định tại Điều 67 của Hiến pháp năm 1946: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư”.
Một phần do chiến tranh kéo dài nên điều Hiến định này chưa được cụ thể hóa bằng những đạo luật cụ thể. Chiến tranh ác liệt không cho phép tiến hành các phiên tòa với đầy đủ các thủ tục như trong thời bình mà phải dùng tòa án đặc biệt, thủ tục đặc biệt, thường là khi xét xử các tội phản quốc và cả trong thời kỳ cải cách ruộng đất 1954-1955.
Ngày 25/7/2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 10 ban hành Pháp lệnh Luật sư số 37/2001/PL. Trải qua 56 năm, kể từ khi có Hiến Pháp 1946, Việt Nam mới có pháp lệnh về tổ chức và cách thức hành nghề luật sư.
Sự muộn màng này xảy ra do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính là do ngộ nhận, định kiến về nghề luật sư. Ngộ nhận, định kiến với nghề luật sư một phần đáng kể còn do cội nguồn văn hóa của người Việt. Người Việt thường coi trọng tình nặng hơn lý. “Đem nhau ra tận cửa quan, bên ngoài là lý, bên trong là tình” hoặc “vô phúc đáo tụng đình” là những câu châm ngôn mà người già thường căn dặn con cháu khi có tranh chấp. Khi đứng trước pháp đình, người dân chỉ cầu mong “đèn trời soi xét”. Họ không chút hy vọng có ai đó đứng ra bênh vực nỗi oan cho họ.
Việt Nam đã trải qua chế độ phong kiến dài lâu, tiếp đến là chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Việc đấu tranh để giành công lý dưới hai chế độ phong kiến, thực dân được ví như mò kim đáy biển. Vở chèo “Oan thị Kính” cho đến nay vẫn có sức hút với số đông khán giả vì nó phản ánh đúng tâm trạng bi ai, vô vọng của người dân khi bị sa chân vào vòng oan trái.
Các nhà nghiên cứu có mở cuộc điều tra xã hội học với các em bé rằng sau này lớn lên em sẽ thích làm nghề gì. Nhiều em trả lời thích làm bác sĩ, có em thích làm nghề ngân hàng, có em thích nghề dạy học, có em thích trở thành cầu thủ nổi tiếng, có em thích làm nghề hướng dẫn viên du lịch, có em thích làm diễn viên múa ba-lê…
Có hàng trăm nghề nghiệp các em nêu ra. Họa hoằn lắm mới có em chọn nghề luật sư! Tại sao vậy? Bởi vì công bằng, công lý là những khái niệm chưa thể hình thành trong đầu óc non nớt của trẻ nhỏ.
Lý do chính khiến cho các học sinh, sinh viên ngại chọn nghề luật vì thời gian học tập dài, lại phải qua nhiều vòng thi cử rất khắt khe. Hơn nữa, với các sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học tự nhiên, họ có thể áp dụng ngay những điều đã học vào công việc. Sau thời gian ngắn họ đã trở nên thành thạo trong công việc chuyên môn. Đối với sinh viên nghề luật thì phải năm, mười năm sau mới có thể tích lũy được kinh nghiệm cho công việc.
Để trở thành luật sư, ở nhiều nước, học viên phải trải qua thời gian học tập lâu dài và các kỳ thi rất gian truân. Những người nói ngọng, nói lắp, dị tật, dị hình cũng không được nhận vào học. Các học viên phải trải qua 4 hoặc 5 năm học ở trường luật.
Nội dung học tập là khối kiến thức rộng lớn, bao gồm hai phần chính: phần lý luận về nhà nước và pháp luật gồm lịch sử về nhà nước và pháp quyền trên thế giới và của nước sở tại, các học thuyết pháp lý như học thuyết về chứng cứ, về liên quan nhân quả, về giả định vô tội, về lô gích học…; phần học về các luật cụ thể như luật hình sự, hình sự tố tụng, dân sự, dân sự tố tụng, luật đất đai, luật tài chính, luật thương mại…
Sinh viên chọn hành nghề theo luật nào thì đi sâu nghiên cứu thêm về luật ấy. Những người đã có bằng cử nhân luật muốn trở thành luật sư phải học tập thêm 3 năm và thực tập về hành nghề luật sư tại các công ty luật.
Phương pháp dạy và học ở trường luật của Mỹ rất khác so với phương pháp của các trường ở Pháp và ở Anh. Theo khuyến nghị của Nghiệp đoàn các trường luật Hoa Kỳ (Association of American Law school được thành lập năm 1900 gọi tắt là AALS) cho rằng các sinh viên cần phải trải qua một khóa đào tạo bậc đại học trước khi bước chân vào trường luật.
Kiến thức được đào tạo tại bậc đại học là kiến thức cơ bản và là nền tảng để học viên có thể học tốt và thực hành tốt đối với chuyên ngành luật. Khuyến nghị này đã được chấp nhận và trở thành điều kiện bắt buộc đối với việc theo học chuyên ngành luật tại Hoa Kỳ từ năm 1950.
Hàng năm, các trường luật ở Hoa Kỳ nhận rất nhiều hồ sơ của những người đã tốt nghiệp đại học, thậm chí có người đã là tiến sĩ của một ngành học nào đó. Hội đồng xét tuyển của trường luật sẽ căn cứ vào điểm số trung bình toàn khóa học, điểm số của từng môn học, xem xét thư giới thiệu (nếu có), đọc bài viết giới thiệu bản thân…, sau đó người muốn học luật có thể phải tham gia một kỳ thi tuyển đầu vào, cũng có thể không phải thi.
Thời gian học hành nghề luật sư thường là 3 năm tập trung với khối lượng bài vở cực kỳ nhiều. Sinh viên phải đọc luật, án lệ và viết các bài bình luận… Ngoài ra, sinh viên nghề luật sư năm thứ nhất phải học kỹ năng viết để có thể viết bài cho một tạp chí pháp luật đúng cách.
Khối lượng bài vở lớn nhưng các hoạt động ngoại khóa của các trường đào tạo luật sư ở Mỹ vẫn chiếm một mức độ ưu tiên không nhỏ. Họ phải tích cực tham gia phiên tòa diễn tập, hoặc làm biên tập viên cho tạp chí pháp luật của sinh viên, tư vấn luật miễn phí cho cộng đồng…
Một số trường, như Trường luật Harvard bắt buộc sinh viên phải làm 40 giờ tư vấn miễn phí cho cộng đồng như là một điều kiện để tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng để hành nghề luật sư.
Tuy nhiên, được cấp bằng luật sư không phải mặc nhiên là có thể hành nghề được. Những người được cấp bằng luật sư còn phải trải qua một kỳ thi để được tiếp nhận vào luật sư đoàn. Tất cả các bang đều quy định tất cả luật sư tiềm năng (cho dù có bằng luật sư hay không như yêu cầu của một số bang ở Mỹ) đều phải thi đậu vào một luật sư đoàn nào đó thì mới được hành nghề luật sư.
Ở Mỹ, theo quy định của luật, phí luật sư không dưới 30% và không cao hơn 50% lợi ích thu được. Một giờ tư vấn pháp luật không dưới 500 USD. Người Mỹ ít băn khoăn về điều này vì cho rằng nếu không có dịch vụ pháp lý thì họ không có khoản thu nhập hoặc phải đền bù cho đối phương trong vụ kiện. Ngược lại, luật sư cũng phải đền bù thiệt hại cho khách hàng vì lỗi lầm do luật sư gây ra.
Khi đã dấn thân vào nghề, không phải luật sư nào cũng có thể đeo đuổi sự nghiệp đến suốt đời. Có người mới vào nghề chưa được 5 năm đã phải bỏ nghề vì không chịu nổi sức ép của công việc.
Có luật sư nói, đầu óc họ luôn căng thẳng vì các tình tiết đa dạng của cuộc sống. Họ buộc phải ngồi nhiều giờ trong văn phòng để đào bới, tra cứu, tìm tòi công phu mọi ngóc ngách của luật, văn bản dưới luật, luật quốc tế, các án lệ, phong tục, tập quán… để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lập luận biện hộ của mình.
Áp lực của công việc khiến họ không còn thì giờ để đi du lịch, đi nghỉ thư giản, để chăm sóc cuộc sống gia đình, thậm chí có trường hợp dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân. Theo một khảo sát của Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA), chỉ hơn 50% số luật sư hài lòng với nghề nghiệp. Trong số các luật sư có 6 đến 9 năm kinh nghiệm, chỉ có 4/10 luật sư cho biết họ hài lòng với sự nghiệp của mình; với những luật sư hành nghề từ 10 năm trở lên, tỷ lệ này là 6/10.
Những con số trên cho thấy luật sư chỉ hài lòng với nghề nghiệp khi đã có tuổi. Vì vậy, việc bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp đỡ giải quyết các vướng mắc trong hành nghề, trong cuộc sống trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Hhệp hội đoàn luật sư các cấp.
Trong hiệp hội đoàn luật sư các cấp đều có bộ phận theo dõi sát hoàn cảnh, điều kiện hành nghề của các luật sư để có những giúp đỡ kịp thời cho các luật sư có vấn đề.
Trường Đại học Pháp lý đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào ngày 10/11/1979 với ba nhiệm vụ: trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý.
Đến ngày 25/02/2004, Học viện Tư pháp được thành lập để đào tạo các chức danh pháp lý bao gồm: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên, đấu giá viên và thừa phát lại. Như vậy, việc đào tạo luật sư chuyên nghiệp bắt đầu từ khi có Học viện Tư pháp.
Trước đó, những người bào chữa trước tòa cho bị cáo được gọi là bào chữa viên nhân dân. Kể từ 25/7/2001, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 37/2001/PL về luật sư, Quốc hội thông qua Luật Luật sư năm 2006 và năm 2012, chức danh luật sư mới được sử dụng phổ biến.
Nhu cầu về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam tăng dần sau khi có chủ trương chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Để có đủ luật sư hành nghề, Bộ Tư pháp đã có chủ trương cho phép các thẩm phán, kiểm sát viên cao cấp sau khi nghỉ hưu, các giáo viên trường đại học luật, các giáo sư, tiến sĩ luật, khi muốn chuyển đổi sang hành nghề luật sư thì không phải qua thi cử, sát hạch.
Tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam đã được củng cố và dần đi vào nề nếp kể từ sau khi Liên đoàn Luật sư được thành lập vào ngày 12/5/2009. Đến nay, 63 tỉnh, thành đều có đoàn luật sư. Liên đoàn đã ban hành Điều lệ và Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Tổ chức và cơ sở pháp lý hành nghề của luật sư Việt Nam tuy còn nhiều điều cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng nói chung đã đi dần vào nề nếp. Trong những năm qua, hoạt động hành nghề của luật sư đã có nhiều thành tích đáng khích lệ:
– Góp phần bảo đảm cho tất cả các vụ án đều có luật sư bào chữa cho bị cáo như đã quy định trong Hiến pháp. Góp phần minh oan cho một số bị án bị oan sai, thậm chí có vụ bị kết án oan hàng chục năm, nay được minh oan. Các quyền lợi hợp pháp của người bị oan được khôi phục. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc khôi phục lòng tin của người dân vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý;
– Tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật của Nhà nước;
– Mở rộng được mối quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức pháp lý, tổ chức luật sư quốc tế và các nước;
– Tham gia đấu tranh bảo vệ công lý trong các vụ tranh chấp quốc tế (trong vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông).
Tuy vậy, hoạt động của luật sư Việt Nam còn bộc lộ các điểm yếu:
– Hoạt động nhiều ở lĩnh vực tranh tụng. Hoạt động tư vấn, còn gọi là dịch vụ pháp lý ngoài tòa chưa nhiều. Nhiều luật sư, văn phòng luật không có hoặc ít khách hàng, dẫn đến không có thu nhập phải chuyển nghề hay giải thể.
– Rất thiếu các luật sư có đủ trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để viết bài đăng trên các tạp chí luật quốc tế giúp cho học giả và nhân dân các nước hiểu rõ hơn về nền văn hóa pháp lý của Việt Nam, đồng thời vạch trần các luận điệu xuyên tạc của những thế lực thù địch với Việt Nam về tính nhân đạo, chính nghĩa trong luật pháp Việt Nam.
– Một số luật sư hiểu sai và có những hành động, phát ngôn không đúng về “tư pháp độc lập” nên đã làm cho một số người trong giới lãnh đạo, quản lý e dè đối với hoạt động hành nghề của luật sư.
Dư luận xã hội tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng về nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong vùng, đặc biệt là so với một số nước có khởi điểm bằng hoặc thấp hơn Việt Nam cách đây ba, bốn thập niên.
Tụt hậu về nghề luật sư cũng là một trong những biểu hiện của sự tụt hậu của Việt Nam. Đưa chất lượng của đội ngũ luật sư Việt Nam ngang tầm với các nước trong vùng, với thế giới, là nhu cầu mang tính cấp bách và lâu dài.
Như đã phân tích ở trên, để có một luật sư giỏi phải kinh qua không ít hơn 10 năm. Nếu để tụt hậu lâu thì sẽ bị tụt hậu xa. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thông báo là Chính phủ đã chọn và cử vài chục người sang học tập, tu nghiệp ở các trường đại học luật nổi tiếng trên thế giới. Đó là một tin mừng đối với giới luật.
Song, để nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư và hiệu quả của hành nghề luật sư đòi hỏi phải có kế hoạch lâu dài, mang tính toàn diện. Trước mắt, nên chăng cần tiến hành một số công việc cần kíp sau đây:
1) Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm sớm loại bỏ những ngộ nhận, định kiến đối với nghề luật sư đang tồn tại trong nhân dân, trong đảng viên, viên chức nhà nước và cả trong giới luật;
2) Từ bỏ dần việc đào tạo luật sư một cách chắp vá như hiện nay. Gia tăng việc tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng luật sư. Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn bè trong việc xây trường, mở lớp, cử giáo viên đến giảng dạy về nghề luật sư cho Việt Nam. Tạo điều kiện cho luật sư Việt Nam được theo học luật bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh) tại Việt Nam mà không phải đi du học ở nước ngoài;
3) Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục về luật sư. Một thực tế hiện nay đang xảy ra là khi tiếp cận hồ sơ, khi tranh tụng trước tòa, một số luật sư rất lúng túng trong việc vận dụng các học thuyết pháp lý về giả định vô tội, về mối liên quan nhân quả trong xác định tội và lỗi, về tranh tụng, về bốn cặp phạm trù trong lô gích học, về chứng cứ, về việc kế thừa và vận dụng các thành tựu văn hóa pháp lý của các nước để làm cơ cở pháp lý cho lập luận biện hộ cho khách hàng.
Nguyên nhân là trong khi ngồi tại ghế nhà trường, họ không được học hoặc học một cách đại khái, qua loa về lịch sử nhà nước, pháp quyền, về các học thuyết pháp lý được hình thành từ thời La Mã và được tiếp tục kế thừa và phát triển cho đến ngày nay;
4) Cố gắng nghiên cứu tăng chất lượng nội dung phát biểu của các luật sư tại diễn đàn Quốc hội và cơ quan quyền lực địa phương, đặc biệt là những ý kiến về xây dựng luật, ý kiến giải quyết những vấn đề nóng bỏng phát sinh trong xã hội.
Đặc biệt hữu ích khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đoàn luật sư các tỉnh thông qua hoạt động cụ thể của luật sư làm những báo cáo, kiến nghị khắc phục những sai sót trong đấu tranh phòng chống tiêu cực trong xã hội và các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong công tác quản lý của các cấp chính quyền;
5) Xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư các tỉnh, thành phố thành ngôi nhà chung của các luật sư. Xây dựng các nơi này thành các trung tâm đoàn kết, các nơi dễ tiếp cận để các luật sư đến trao đổi tâm tình khi gặp khó khăn rắc rối và nhận được những lời khuyên chân tình, những cách giúp đỡ cụ thể, kịp thời của đoàn.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố nên có bộ phận chuyên theo dõi sát hoạt động hành nghề các luật sư, kịp thời nêu gương và biểu dương các luật sư lập được những thành tích tốt.
Sự ra đời, tồn tại và phát triển của nghề luật sư là đòi hỏi khách quan của xã hội văn minh khi con người ý thức ngày càng đầy đủ nhân quyền, còn gọi là quyền làm người và quyền công dân.
Nói đến dân chủ, bình đẳng mà còn thành kiến, cản trở luật sư hành nghề thì đó là dân chủ hình thức, là cách mị dân, mang tính dân túy. Về phía luật sư cũng cần phải nhận rõ rằng thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, biện pháp chấn chỉnh tổ chức và ban hành nhiều văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý hành nghề của luật sư.
Điểm còn lại là tổ chức luật sư các cấp và mọi luật sư phải ra sức phấn đấu để nhanh chóng nâng cao trình độ chuyên môn và chấp hành nghiêm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư đã được ban hành áp dụng thống nhất trong cả nước.
Nghề luật sư là nghề cao quý, được xã hội trọng vọng, được Nhà nước quan tâm. Song để thông thạo nghề nghiệp, luật sư phải tìm cách trang bị cho mình một khối lượng kiến thức cổ kim, đông tây đồ sộ và phải kiên nhẫn để vượt qua mọi thử thách ngáng trở. Nghề luật sư là nghề cao quý nhưng lắm gian nan thử thách. Nếu không vượt qua được chính bản thân mình thì không thể thành công.
https://lsvn.vn/nghe-luat-su-nghe-cao-quy-nhung-nhieu-kho-khan-thu-thach.html