Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 17/04/2020 13:49 (GMT+7)

Nhà nước thu hồi đất và hỗ trợ tái định cư như thế nào?

Gia đình tôi có 1 mảnh đất mặt phố Đại La, Hà Nội hiện đang nằm trong diện phải thu hồi để mở rộng đường. Tuy nhiên, nếu theo chỉ giới thì vẫn còn lại khoảng gần 10m2 (mặt ngang 4m, sâu 2,2m). Nếu Nhà nước thu hồi toàn bộ, mà gia đình muốn giữ lại thì có được không? Căn cứ nào để giữ? Nếu Nhà nước thu hồi toàn bộ thì có cần nêu rõ trong quyết định thu hồi là nhằm mục đích gì không, vì chỉ giới không đến? Hiện Ban quản lý dự án đang không cho gia đình tôi mua căn hộ tái định cư với lý do gia đình vẫn còn 1 mảnh đất khác khoảng 16m2, có Sổ đỏ cùng trên địa bàn quận. Như vậy có hợp lý không? Bạn đọc V. T. (Hà Nội).

Vấn đề này, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội xin trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất. Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất.

Ảnh minh họa.

Nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại khoản 7 Điều 170 Luật Đất đai. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

Tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định về việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong đó bao gồm dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải để thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất; hoặc dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải để thực hiện các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất.

Như vậy, đối với trường hợp nhà nước quyết định thu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông thì sẽ thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 67 Luật Đất đai về chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:

1. Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

2. Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.

3. Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

4. Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.

Trường hợp thực hiện thu hồi đất sẽ dựa trên căn cứ diện tích đất thu hồi theo thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn về thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo quy định tại Luật Đất đai, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất dựa trên nguyên tắc: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ. Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật. Trong đó, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

Tại Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở theo đó đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau: Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư.

Như vậy, điều kiện được hỗ trợ bồi thường đất bằng nhà ở tái định cư phải đáp ứng yêu cầu: người sử dụng đất đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở và hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi.

Gia đình người thân bạn hiện tại vẫn còn một mảnh đất khác trong cùng địa bàn quận diện tích 16m2 nên việc không bố trí tái định cư là có cơ sở. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về hạn mức giao đất ở tái định cư; giao đất làm nhà ở nông thôn tại điểm dân cư nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội thì diện tích đất tối thiểu để được cấp GCNQSDĐ tại các phường là 30m2. Do vậy, mảnh đất trên của gia đình bạn có thể sẽ chưa đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ do đó bạn có thể làm đơn đề nghị hỗ trợ tái định cư trong đó nêu rõ lý do yêu cầu hỗ trợ gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét.

Cùng chuyên mục

Đề xuất quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng bằng mã QR
Ngày 02/5 vừa qua, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức công khai lấy ý kiến của người dân và các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Trong đó, có đề xuất về việc in mã QR trong GCNQSDĐ. Sau khi lấy ý kiến, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư và đưa vào triển khai thực hiện từ 01/01/2025.
Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024
Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 01/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã hoàn thành dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Tin mới