Ninh Bình: Lợi dụng nạo vét lòng hồ, chở khoáng sản tập kết trái phép
Theo ghi nhận của PV, lợi dụng dự án nạo vét lòng hồ trên địa bàn xã Thạch Bình (Nho Quan), một đơn vị thi công đã vận chuyển khoáng sản tập kết trái phép, gây ô nhiễm môi trường.
Vận chuyển đất gây ô nhiễm
Thời gian gần đây, người dân sống dọc đường tỉnh 479 chạy qua địa bàn xã Thạch Bình, Phú Sơn, Lạc Vân (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) có nhiều phản ánh có tình trạng các xe ô tô chở đất chạy từ hướng Thạch Bình (ĐT 479) ra tới xã Lạc Vân (ĐT 447) rơi vãi ra đường khiến tuyến đường ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo chị T. (xã Thạch Bình) cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội, trên địa bàn xã Thạch Bình thường xuyên xuất hiện các xe tải cỡ vừa vận chuyển đất (đất chứa quặng silic và đá thải) chạy suốt ngày.
Khi chạy, đất dính từ bánh xe, rơi ra từ thùng khiến tuyến đường nhỏ hẹp có nhiều bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường và ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông khu vực này.
Có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận nhiều xe ô tô lưu thông qua tuyến đường này. Tựu chung, các xe này đều chở đất, có che bạt nhưng do di chuyển trên tuyến đường dài, qua nhiều đoạn đường xấu lại chở đầy nên thường xuyên xuất hiện tình trạng rơi vãi đất ra đường.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Thạch Bình cho biết, trên địa bàn xã Thạch Bình đang có 3 dự án cải tạo hồ. Trong đó, có dự án cải tạo hồ Đầm Đống (thôn Núi Ngọc) và hồ Vườn Cà (hay hồ Tiền Phong, thôn Tiền Phong) đang được tiếp tục triển khai sau khi giãn cách.
Vị này cũng xác nhận có hoạt động vận tải xe của các đơn vị nạo vét lòng hồ và có tình trạng bụi, trong đó có nhiều xe có logo "Công ty Thành Nam". Tuy vậy, phía đơn vị thi công cũng đã có xe tưới nước dọc tuyến đường để giảm thiểu bụi.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, việc tưới nước trên mặt đường chỉ là giải pháp tình thế và khi nước khô, mặt đường trở nên bụi hơn.
Vận chuyển khoáng sản tập kết trái phép
Theo ghi nhận của PV tại khu vực thi công nạo vét hồ Vườn Cà (hay hồ Tiền Phong , xã Tiền Phong), diện tích 41 nghìn m2, khối lượng nạo vét 47 nghìn 2. Đơn vị thi công bố trí máy xúc và nhiều phương tiện xe ô tô có logo công ty Thành Nam vận chuyển đất thải nạo vét hồ ra khỏi địa phận xã Thạch Bình và gây ra hiện tượng ô nhiễm nói trên.
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã theo chân một xe chở đất mang logo Thành Nam đi từ lòng hồ Vườn Cà. Sau khi chất tải đầy đất màu vàng đỏ do máy xúc vục lên, tài xế BKS 30P. 3518 cho xe lên bờ hồ rồi dùng bạt phủ kín lên thùng. Sau đó, đi theo con đường làng xuống cấp trầm trọng do xe quá tải chạy nhiều, xe ra đường tỉnh 479 và xuôi về phía đường tỉnh 447.
Sau khi chạy qua xã Thạch Bình, xã Lạc Vân, xã Phú Sơn, các xe tải này chạy thẳng vào nhà máy xi măng Phú Sơn bỏ hoang cách điểm nạo vét khoảng 7km. Sau đó, lại di chuyển về nơi nạo vét. PV ghi nhận có nhiều xe tải hoạt động và vận chuyển đất vào khu vực nhà máy xi măng Phú Sơn bỏ hoang.
Trao đổi với PV, ông Phan Quang Cảnh, PCT UBND xã Phú Sơn (Nho Quan) cho biết, khu vực nhà máy Xi măng Phú Sơn mà công ty Thành Nam đổ đất là khu vực nhà máy bỏ hoang của của công ty Xi Măng Phú Sơn chứ không phải bãi đổ thải.
Khu vực này nằm trên địa bàn xã nên thẩm quyền quản lý của xã, tuy nhiên việc công ty Thành Nam này thuê bãi tập kết đất thì do thỏa thuận giữa bảo vệ nhà máy với Thành Nam, xã cũng không cho thuê và thu phí gì ở đó.
Nhà máy xi măng này xây dựng trên diện tích 40ha, mới xây được tường rào bao quanh và một nhà điều hành dở dang thì bỏ hoang hơn chục năm. “Chính quyền địa phương cũng mong muốn tỉnh có hướng xử lý chứ để như vậy cũng không được”, ông Cảnh chia sẻ.
Theo quan sát của PV, trong khuôn nhà máy có hàng chục nghìn khối đất được tập kết, có nhiều máy xúc đang hoạt động đảo đất tại khuôn viên. Đường vào khu vực nhà máy bị cày xới nhiều khiến lớp đất bụi khá dày, bốc lên cuồn cuộn mỗi khi có xe đi vào hoặc có gió thổi tới.
Một số người dân sống gần khu vực này cho biết, việc tập kết đất ở đây diễn ra từ lâu. Các xe tải mang lô gô Thành Nam chuyển đất vào, sau đó đất này được máy xúc đánh tơi, phơi khô rồi sẽ có các xe “howo” đến chuyển đi. Các xe howo này chạy cả ngày lẫn đêm, và hướng đi của chúng hướng về một doanh nghiệp xi măng ở Gia Viễn.
Môi trường và Đô thị Việt Nam Điện tử tiếp tục đưa tin.