Ninh Thuận: Dân “tố” chính quyền khuất tất trong thu hồi đất
Chính quyền UBND tỉnh Ninh Thuận áp dụng văn bản đã hết hiệu lực pháp luật để thu hồi đất và bồi thường khiến nhiều người dân bức xúc.
Thời gian qua, nhiều hộ dân có đất nằm trong dự án Đường N9, thuộc khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú, phường Phủ Hà, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, liên tục làm đơn “tố” chính quyền cố tình sử dụng văn bản đã hết hiệu lực pháp luật để thu hồi đất, áp chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư sai quy định. Hơn nữa, việc thu đất để giao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phân lô bán nền, bồi thường rẻ mạt, không theo giá thị trường dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Người dân bức xúcvì vănbản hết hiệu lực
Theo quy hoạch, dự án Đường N9 có chiều dài tuyến 687 m nối quốc lộ 1A với đường Thống Nhất thuộc địa bàn phường Phủ Hà, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng – Chuyển giao) do UBND tỉnh Ninh Thuận ủy quyền Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, và đã được khởi công từ tháng 3/2017.
Tuy nhiên, liên quan đến dự án, từ năm 2015, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 25/05/2015, phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Đường N9.
Theo nhiều người dân có nhà đất nằm trong dự án phản ánh, quyết định số 222 có nhiều nội dung “bất thường”. Cụ thể, trong phần Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư của quyết định, về chủ trương, chính quyền áp dụng Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ và Quyết định số 2380/2010/QĐ-BND ngày 21/12/2010 của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Trung - một người có đất bị thu hồi tại dự án cho biết, đó là những văn bản quy phạm pháp luật, quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo Luật Đất đai 2003 đã hết hiệu lực pháp luật. Thời điểm ra quyết định thu hồi đất đã được thay thế bằng Luật Đất đai 2013, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01/07/2014.
Cùng quan điểm với ông Trung, nhiều hộ dân có đất bị thu hồi đất theo QĐ này, bức xúc: “Việc thu hồi đất của người dân chúng tôi để làm Đường N9, chính quyền căn cứ vào Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản hiện hành, chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng nội dung bên trong, phần phương án bồi thường - quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi thì chính quyền lại áp dụng văn bản đã hết hiệu lực pháp luật?”.
Ngày 02/08/2019, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trao đổi với cơ quan ban ngành những vấn đề mà các hộ dân khiếu nại tố cáo là không có cơ sở và khẳng định, cơ quan chức năng thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi ban hành QĐ 222!
Một luật sư tham gia vụ việc trên cho biết: “Việc UBND tỉnh Ninh Thuận áp dụng những văn bản hành chính (Quyết định 2030/2010/QĐ-UBND) và văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định 69/2009/NĐ-CP), theo Luật Đất đai 2003 đã hết hiệu lực pháp luật (từ ngày 01/07/2014) để ký ban hành QĐ 222 (ngày 25/05/2015) là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Thu hồi đất phân lô, đền bù rẻ mạt
Thông báo 465/TB-VPUB ngày 31/05/2015 của tỉnh này cũng thể hiện rõ: “Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất từ 300 m2 đất nông nghiệp trở lên để thực hiện dự án, thì ngoài việc đền bù theo quy định pháp luật, còn được Nhà nước giao một lô đất ở chuyển đổi nghề theo giá dự án”. Quy định này đã áp dụng trong nhiều dự án làm đường theo hình thức BT trên địa bàn TP Phan Rang, nhằm tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở ổn định với công việc mới sau khi thoát ly nông nghiệp trong vùng dự án. Thế nhưng, tại dự án Đường N9, chính sách này lại không được thực hiện?
Không chỉ vậy, điều đáng nói là, ngoài việc thu hồi đất làm đường như QĐ 222, chính quyền tỉnh Ninh Thuận còn thu thêm đất của những hộ dân ở đây sâu vào 20 m dọc hai bên Đường N9 và giao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để phân lô, bán nền. “Họ phân lô, bán nền mà đền bù bằng giá thu hồi đất để làm đường là điều không thể chấp nhận được. Việc này đã đẩy nhiều hộ dân bị thu hồi hết đất, không còn nơi ăn chốn ở. Cầm số tiền đền bù đất rẻ mạt, chúng tôi không biết đi đâu về đâu!”, ông Nguyễn Trung bức xúc nói.
Thực tế, dự án Đường N9 là dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, lợi ích quốc gia công cộng theo điểm b, khoản 3, điều 62 Luật Đất đai 2013. Việc thu thêm 20 m sau khi làm đường để giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền là dự án phát triển kinh tế được Nhà nước phê duyệt và dùng quỹ đất này để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án Đường N9 theo hình thức BT Xây dựng – Chuyển giao. Đây là dự án Kinh tế độc lập, được quy định tại Điều 4, Quyết định 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/06/2015, không thuộc diện đất Nhà nước thu hồi theo điểm b, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013.
Việc chính quyền tỉnh Ninh Thuận tiến hành thu thêm 20 m ven hai bên đường N9, giao nhà đầu tư phân lô bán nền là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý đất đai, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi.
Có thể thấy, việc ban hành, áp dụng những văn không đúng quy định pháp luật của chính quyền tỉnh Ninh Thuận như trên đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hậu quả pháp lý khi triển khai thực hiện những văn bản này trên thực tế đã vô hình tước đoạt quyền, lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh Ninh Thuận không giải quyết khiếu nại, tố cáo đã làm mất lòng tin của nhân dân. Người dân có quyền nghi ngờ về mục đích ban hành cũng như việc áp đặt thực hiện những văn bản hành chính sai pháp luật trên của chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận. Chính điều này đã khiến tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo xung quanh dự án Đường N9 vẫn chưa có hồi kết.