Quận 12, TP.HCM: Cần ngưng việc THA vì bản án dân sự có dấu hiệu vi phạm tố tụng?
Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2016/DS-ST ngày 29/01/2016 của TAND Quận 12 có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng nhưng cơ quan THADS Quận 12 vẫn theo đó thi hành khiến gần 30 hộ gia đình đứng trước cảnh "màn trời chiếu đất".
Ngày 29/01/2016, tại Tòa án nhân dân Quận 12, TP. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 236/2011/TLDS ngày 07/7/2011 về việc “Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Dẫu, sinh năm 1934, ngụ tại 254/9A, KP2, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và bị đơn là bà Lê Thị Tư, sinh năm 1932, ngụ tại 101/4, tổ 3B, Khu phố 1, phường Hiệp Thành, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là 29 hộ dân ngụ cư ở tổ 3B, Khu phố 1, phường Hiệp Thành, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
Đơn kêu cứu khẩn cấp của 29 hộ dân gửi tới báo. |
Bản án số 53/2016/DS-ST ngày 29/01/2016 về việc "tranh chấp tài sản chung" của TAND Quận 12. |
Bản án có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng?
Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, ngoài Hội đồng xét xử, chỉ có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Quận 12 và một cá nhân đại diện ủy quyền của nguyên đơn tham gia phiên tòa. Còn lại tất cả các đương sự khác đều vắng mặt (!?).
Nội dung mà Tòa án sơ thẩm căn cứ, dựa vào lời ông Dẫu trình bày: Cha ông là Trần Văn Ba (chết năm 1946) và mẹ là Trịnh Thị Cao (chết năm 1988), có diện tích đất là 2.357,5 m2 tại phường Hiệp Thành, Quận 12. Trong đó, có 900 m2 đất thổ mộ gia tộc. Đất này chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Dẫu cho rằng, bà Cao chỉ đăng ký trong Sổ đăng ký ruộng đất.
Sau khi bà Cao chết, ông Dẫu và bà Tư có lập văn bản ngày 07/9/1997, thỏa thuận diện tích đất 2.357,5 m2 là tài sản chung, giao cho bà Tư quản lý. Diện tích đất mà ông Dẫu trình bày, chỉ thể hiện tại bản đồ hiện trạng vị trí do Trung tâm đo đạc bản đồ - Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh lập ngày 14/02/2014, theo hợp đồng 42385/ĐĐBĐ-VPQ12. Và, diện tích đất 2.357,5 m2 thuộc thửa 183, 216 tờ 9 (!?) tại phường Hiệp Thành, Quận 12 đã được ông Dẫu, bà Tư thỏa thuận là tài sản chung theo văn bản lập ngày 07/9/1997. Đây là cơ sở Tòa án nhân dân Quận 12 cho rằng, việc ông Dẫu yêu cầu chia 1/2 diện tích đất này là hoàn toàn phù hợp pháp luật, cần chấp nhận.
Mảnh đất mà Tòa án nhân dân Quận 12 nhận định để quyết định chia 1/2 cho ông Dẫu, theo Tòa án “hoàn toàn phù hợp pháp luật” đang nằm trong quy hoạch của Quận 12, TP. Hồ Chí Minh là: “Đất sử dụng vào mục đích công cộng thuộc nhóm đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng”; Pháp luật quy định rất rõ về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên khi không có giấy tờ chứng minh, phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã là điều kiện tiên quyết và bắt buộc phải thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Lẽ nào, Tòa án nhân dân Quận 12 không biết để “nhắm mắt, đưa chân” hay vì nguyên do nào khác, rất cần được làm rõ.
Vậy, căn cứ nào để Tòa án nhân dân Quận 12 ra Quyết định của bản án số 53/2016/DS-ST ngày 29/01/2016? Đó là Hội đồng xét xử căn cứ vào:
(1) Bộ luật Dân sự năm 2005: Áp dụng Điều 174 (Bất động sản và động sản), Điều 214 (Sở hữu chung), Điều 215 (Xác lập quyền sở hữu chung), Điều 224 (Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung), Điều 305 (Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự). Từ bao giờ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, chỉ cần phán quyết của Tòa án thì cá nhân nào đó sẽ được xác lập quyền sở hữu đất đai?
(2) Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011: Áp dụng Điều 131 (không có điều khoản luật), Điều 179 (không có điều khoản luật), Điều 185 (không có điều khoản luật), Điều 195 (Quyết định đưa vụ án ra xét xử), Điều 199 (Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự), Điều 245 (không có điều khoản luật). Áp dụng điều khoản luật mà 4/6 điều khoản áp dụng trong bản án là không có thật. Chúng tôi không thể lý giải được. Câu hỏi được đặt ra, nguyên tắc “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đã được thực thi theo đúng quy định pháp luật?
Chưa dừng lại ở đó, Tòa án nhân dân Quận 12 còn viện dẫn Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 để làm căn cứ xét xử. Nghiên cứu Thông tư liên tịch này, nhận thấy Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản. Mà tài sản đó là các khoản tiền, vàng và hiện vật. Vụ án này, xét xử “Tranh chấp tài sản chung” mà đối tượng chính là quyền sử dụng đất, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Nhưng hình như đất đai được quy ra tiền, vàng, hiện vật để dễ xử lý và Tòa án tiện giao quyền cho cá nhân được sở hữu đất đai chăng?
Ngoài ra, trong quá trình xét xử vụ án nêu trên, không tìm thấy tài liệu Thẩm phán đã tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt dư luận xã hội cũng như khi ra quyết định về vụ án, Thẩm phán phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét các vấn đề của vụ án một cách độc lập, khách quan, không bị ảnh hưởng, bị ràng buộc bởi các quan điểm, ý kiến bên ngoài của vụ án. Hội đồng xét xử phải xem xét, thẩm tra, đánh giá chứng cứ và các tình tiết khác của vụ án một cách thận trọng, khoa học, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa. Quyết định của Tòa án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ có thật và đúng quy định của pháp luật đã được thẩm tra tại phiên tòa.
Cẩn trọng khi quyết định thi hành bản án
Ngày 05/3/2019, UBND Quận 12 có văn bản số 325/TB-VP về việc Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Quận 12 tại buổi tiếp bà Trần Ngọc Lan (đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn Dẫu – Theo nguồn tin chúng tôi nắm được, ông Dẫu đã qua đời. Như vậy, văn bản ủy quyền đã không còn hiệu lực pháp luật). Theo đó, Chủ tịch UBND Quận 12 đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự Quận 12 thực hiện việc cưỡng chế thu hồi và bàn giao phần tài sản cho bà Trần Ngọc Lan theo bản án.
Nghịch lý thay, 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ngụ tại Tổ 3B, KP1, phường Hiệp Thành, Quận 12 có nguy cơ lâm vô cảnh màn trời, chiếu đất từ bản án có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Tòa án nhân dân Quận 12. Người dân đội đơn kêu cứu để nhờ vào sự can thiệp của lãnh đạo chính quyền Quận 12 nhưng trong vô vọng. Sáng ngày 06/12/2019, người dân đến buổi tiếp công dân của lãnh đạo UBND Quận 12 theo lịch, nhưng tiếp chúng tôi chỉ là chuyên viên Ban tiếp công dân, chưa kịp nghe hết lời trình bày, vị này cho rằng tòa án và cơ quan thi hành án không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND nên không thể giúp đỡ cho người dân (!?). Dù trước đó, 29 hộ dân nghèo này đã hai lần nộp đơn vào tháng 07/2019 và tháng 12/2019 vẫn không được xem xét.
Ngày 18/11/2019, Chi cục Thi hành án dân sự Quận 12 ban hành “Quyết định về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất” số 13/QĐ-CCTHADS về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành bản án số 53/2016/DS-ST ngày 29/01/2016 của Tòa án nhân dân Quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Thời gian tổ chức cưỡng chế vào ngày 19/12/2019 khiến người dân vô cùng hoang mang và bức xúc vì họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
“Chúng tôi là những người dân, vay mượn tiền để mua đất, các hộ gia đình đã ở đã quá lâu, đóng thuế đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho nhà nước, đã được chính quyền cấp số nhà, hộ khẩu tại đây. Việc bản án số 53/2016/DS-ST mà toà án Quận 12 xét xử là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân chúng tôi. Nếu theo bản án sơ thẩm quyền lợi chúng tôi bị xâm phạm tại sao tất car các hộ dân chúng tôi đều vắng mặt tại toà sơ thẩm? Tại sao quyền lợi của chúng tôi mà chúng tôi lại không kháng cáo? Chúng tôi đã bị rơi vào cái bẫy đã được sắp sẵn” – một hộ dân bức xúc chia sẻ.
Việc giải quyết những hệ quả, vướng mắc trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án hoặc của Viện kiểm sát dẫn đến thay đổi nội dung các bản án đã có hiệu lực đang được cưỡng chế thi hành hoặc đã cưỡng chế thi hành xong sẽ rất khó khăn, phức tạp như trong trường hợp này.
Vì vậy chúng tôi chuyển tải toàn bộ thông tin này đến Tòa án nhân dân Cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan điều tra – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sớm vào cuộc xem xét làm rõ những nội dung trên, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.