Quảng Nam: Xây dựng trang trại hay chỉ là 'tận thu' đất đi bán?
Chủ đầu dự án trang trại chăn nuôi heo tại xã Quế Hiệp đã cố tình chây ì triển khai dự án, liên tục xin gia hạn khiến người dân băn khoăn, dự án làm trang trại hay chỉ tận thu đất rồi chở đi bán?!
Thay vì phải khởi công vào tháng 1/2018 và dự kiến tháng 5/2018 đưa vào hoạt động theo quyết định ban đầu của UBND tỉnh Quảng Nam. Nhưng chủ đầu dự án trang trại chăn nuôi heo tập trung tại thôn Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã cố tình chay ì, triển khai dự án, liên tục xin gia hạn khiến người dân địa phương băn khoăn, dự án làm trang trại hay chỉ tận thu đất rồi chở đi bán.
Như phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh trước đó, dự án trang trại chăn nuôi heo tập trung của Công ty TNHH Vận tải & Thương mại Trọng Thắng (Công ty Trọng Thắng) được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép với quy mô 7,6ha tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn. Dự kiến trang trại chăn nuôi heo tập trung sẽ đi vào hoạt động từ tháng 5/2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động mà vẫn còn trong quá trình khai thác đất đi bán.
Tại Quyết định chủ trương đầu tư số 2136/QD-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tháng 1/2018, Công ty Trọng Thắng phải tiến hành khởi công triển khai dự án và đến tháng 5/2018 đưa vào hoạt động dự án trang trại chăn nuôi heo tập trung tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn.
Tuy nhiên, Công ty Trọng Thắng liên tục xin gia hạn dự án với lý do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, Công ty Trọng Thắng đã xin gia hạn lần 1 trong thời gian 1 năm, dự kiến đến tháng 5/2019 hoàn thành (giãn 12 tháng so với Quyết định chủ trương đầu tư đã cấp).
Chấp thuận việc xin gia hạn này, Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam (Trung tâm HCC & XTĐT) yêu cầu công ty phải đưa dự án vào hoạt động từ tháng 5/2019, trong trường hợp đến tháng 1/2019 dự án vẫn không triển khai xây dựng thì đề nghị UBND tỉnh thu hồi dự án.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay là cuối tháng 3/2020, dự án vẫn ngổn ngang ở giai đoạn “tận thu” đất để làm mặt bằng. Trong khi đó, theo chủ trương thì dự án chỉ được gia hạn 1 lần và thời gian không quá 06 tháng.
Điều đáng nói tại dự án này là trong khi sắp đến thời gian phải đưa dự án vào hoạt động thì ngày 9/4/2019, UBND tỉnh Quảng Nam lại có công văn cho phép Công ty TNHHH MTV Thương mại Dịch vụ Trực Em (Công ty Trực Em) lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp công trình.
Ngày 10/12/2019, UBND tỉnh Quảng Nam lại ra quyết định số 4012/QĐ-UBND cho phép Công ty Trực Em khai thác khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình tại khu vực xây dựng công trình Trang trại chăn nuôi heo tập trung tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn.
Từ khi được cấp phép khai thác tận thu đất tại dự án này, Công ty Trực Em đã tiến hành cho khai thác rầm rộ, liên tục từ 3h sáng tới 22h đêm, khiến cuộc sống của người dân xã Quế Hiệp, Quế Xuân 2 (huyện Quê Sơn) bị đảo lộn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, tại khu vực khai thác tận thu đất, Công ty Trực Em cũng không tiến hành lắp camera giám sát, trạm cân theo quy định.
Trao đổi với ông Nguyễn Bi, Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Sơn cho rằng, việc các xe chở đất phải hoạt động hết công suất là để kịp tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Do điều kiện khó khăn về địa hình cùng các điều kiện điện đài nên địa phương ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp không lắp camera giám sát khối lượng! Lượng đất dư thừa ra từ quá trình này thì mới xin tận thu, đưa ra ngoài để san lấp hoặc đổ thải theo đúng chủ trương của tỉnh chứ không phải làm theo kiểu khai thác đất xong lòi mặt bằng ra để làm trang trại.
“Mình ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp khó khăn về mặt điện đài chớ mình vẫn yêu cầu người ta phải có camera. Còn về phía trách nhiệm của doanh nghiệp phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Mà thực ra, trên địa bàn toàn tỉnh ni, trong đó có Quế Sơn một số đơn vị tận thu người ta không thể làm kịp được. Việc lắp camera chỉ là một biện pháp giám sát khối lượng mà thôi”, ông Nguyễn Bi nói.
Chính quyền Quảng Nam đã “ưu ái” cho doanh nghiệp tận thu đất bỏ qua các quy định như thế nào, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.