Quốc Oai (Hà Nội): Xây dựng sai phép tràn lan tại xã Sài Sơn
Hàng chục khu nhà xưởng, nhà ở xây dựng ‘vô phép’ trên đất nông nghiệp tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) được người dân phản ánh nhưng chính quyền không xử lý.
Những nhà xưởng xây trên đất nông nghiệp
Theo nội dung người dân xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) phản ánh về các hộ dân Đào Văn Tuấn; Đào Văn Cường; Nguyễn Danh Huấn… tự ý xây dựng nhà ở riêng lẻ, nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 trên đất nông nghiệp tại địa phương nhưng chính quyền không xử lý khiến người dân bức xúc.
Để có thông tin đa chiều và khách quan, phóng viên đã xuống ghi nhận thực tế tại thôn Phúc Đức-xã Sài Sơn.
Tại đấy, chúng tôi được người dân chỉ mặt một loạt nhà xưởng sản xuất gỗ, xưởng tập kết và tái chế nhựa công nghiệp, quán bia, nhà hàng… mọc trên đất nông nghiệp, không treo biển, đề tên chạy dọc từ đê Tả Hữu xuống khu Đầm qua cây xăng thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn.
Tại đây, người dân địa phương cho biết: “Tất cả đất tai khu Đầm-thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn đã được chính quyền địa phương chuyển đổi một phẩn công năng từ đất hai vụ lúa sang đất trồng cây lâu năm.
Cũng chính vì được chuyển đổi dễ dàng như vậy mà nhiều hộ dân nơi đây lại tiếp tục chuyển đổi một bước nữa từ đất trồng cây lâu năm thành nhà xưởng rồi tiếp tục xây dựng nhà ở riêng lẻ, biến khu đất đó thành đất thổ cư trá hình”.
Chị N.T.L (xin giấu tên) cho biết: “Việc xây dựng nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp diễn ra thường xuyên nhiều năm nay như hộ ông Đào Văn Tuấn; Nguyễn Danh Huấn tại chân đê thôn Phúc Đức. Các hộ trên xây dựng xưởng thu gom phế liệu nhựa, xưởng gỗ rộng hàng nghìn m2 trên đất nông nghiệp, đất đê điều nhưng chính quyền không hề xử lý.
Đặc biệt, quá trình hoạt động tái chế nhựa, sản xuất đồ gỗ không đảm bảo môi trường khiến nước thải, bụi, mùi phát tán khắp vùng gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương”.
Đồng quan điểm trên, ông K.V.N chia sẻ: “Không chỉ xây dựng trái phép ngoài đê để làm xưởng, các anh khu dân cư thôn Phúc Đức sẽ thấy người dân phản ánh việc ông Đỗ Văn Tuấn và ông Đỗ Văn Cường tự ý chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp để làm nơi sản xuất, tập kết nhựa và phế thải công nghiệp gây ô nhiếm môi trường ra sao. Sự việc được chúng tôi phản ánh, kiến nghị trực tiếp với chủ tịch xã nhiều lần nhưng không có câu trả lời cụ thể”.
“Điều khó hiểu ở chỗ, tại Khu Đầm, thôn Phúc Đức , cạnh chân đê Tả Hưu, gia đình ông Nguyễn Danh Huấn người huyện Thạch Thất lại thuê được đất công của xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai rồi xây dựng ‘biệt phủ" nghỉ dưỡng. Từ đó, nhiều hộ dân lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của địa phương nhanh chóng xây dựng quán ăn, nhà hàng, xưởng gỗ, bãi tập kết VLXD… một cách công khai”, ông N cho biết thêm.
Ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn: "Sai phạm không lớn lắm”
Mới đây, phóng viên có buổi làm việc với ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn về việc người dân phản ánh nhiều hộ dân chiếm đất, xây dựng nhà xưởng, nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp nhưng không xử lý.
Ông Đỗ Văn Tâm cho biết: “Có 3 xưởng sản xuất gỗ, nhựa… của hai anh em nhà ông Đỗ Văn Tuấn; Đỗ Văn Cường xây dựng trên đất nông nghiệp là đúng. Chúng tôi thừa nhận là có nhận được phản ánh của người dân địa phương, tuy nhiên các hộ dân và nhà xưởng được xây dựng từ năm 2018 trên đất 50 năm do huyện cho thuê. Hộ ông Nguyễn Danh Huấn xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất thuê thầu, đất công của xã, sai phạm không lớn lắm”.
Khi phóng viên đặt tiếp câu hỏi sau khi UBND xã Sài Sơn nắm bắt được tình hình sai phạm đã xử lý ra sao? ông Tâm chia sẻ: “Chúng tôi khẳng định, không còn tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nữa. Mỗi khi phát hiện sai phạm chúng tôi đều cử cán bộ đi phá dỡ nên không còn tình trạng xây dựng trái phép nhiều năm nay. Vấn để quản lý sử dụng đất đai được huyện chỉ đại khắt khe theo chỉ thị 15 của Thành Phố Hà Nội nên không phát sinh sai phạm”.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về xưởng sản xuất gỗ, tập kết nhựa của ông Đỗ Văn Cường và Đỗ Văn Tuấn xây dựng hàng nghìn m2 trong thời gian ngắn, cạnh khu dân cư sao không xử lý thì ông Tâm im lặng.
Tại sao sai phạm rõ ràng như vậy mà UBND xã Sài Sơn không xử lý? Phải chăng có người bảo kê cho nạn xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp tại địa phương?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.