Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 609/QĐ-TTg, ngày 25/4/2014.
Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có tám khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và chín khu đầu tư mới. Dưới đây là đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020 trong quy hoạch.
Xử lý CTR được phân theo vùng
Vùng I - Khu vực phía Bắc: Bao gồm khu vực nội đô lịch sử, các quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì), các huyện (Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn), diện tích khoảng 1.150 km2.
Vùng II - Khu vực phía Nam: Bao gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện (Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức), diện tích khoảng 990,0 km2.
Vùng III - Khu vực phía Tây: Bao gồm một phần quận Hà Đông, các huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ), nội và ngoại thị xã Sơn Tây, diện tích khoảng 1.204,6 km2.
Xác định 17 khu xử lý
08 khu hiện có nâng cấp, mở rộng gồm: (1) Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn tại xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn; (2) Khu xử lý chất, thải rắn Việt Hùng tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh; (3) Khu xử lý chất thải rắn Kiêu Kỵ tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm; (4) Khu xử lý chất thải rắn Cầu Diễn tại quận Nam Từ Liêm; (5) Khu xử lý chất thải rắn Vân Đình tại xã Vân Đình và xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa; (6) Khu xử lý chất thải rắn Đông Lỗ tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa; (7) Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn tại thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì; (8) Khu xử lý chất thải rắn Núi Thoong tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ.
09 khu đầu tư mới gồm: (1) Khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; (2) Khu xử lý chất thải rắn Châu Can tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên; (3) Khu xử lý chất thải rắn Cao Dương tại Xã Cao Dương, huyện Thanh Oai; (4) Khu xử lý chất thải rắn Hợp Thanh tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức; (5) Khu xử lý chất thải rắn Mỹ Thành tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức; (6) Khu xử lý chất thải rắn Đan Phượng tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng; (7) Khu xử lý chất thải rắn Lại Thượng tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất; (8) Khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké tại xã Đồng Ké, huyện Chương Mỹ; (9) Khu xử lý chất thải rắn Tây Đằng tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Xây dựng 05 trạm trung chuyển CTR
05 trạm trung chuyển tại 3 vùng phục vụ trung chuyển khoảng 6.700 - 10.200 tấn/ngày, theo đó: Vùng I có 02 trạm trung chuyển (Thanh Lâm, huyện Mê Linh; Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm); Vùng II có 01 trạm trung chuyển Tả Thanh Oai, huyện Thanh trì; Vùng III có 02 trạm trung chuyển (Quốc Oai, huyện Quốc Oai; Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ).
Vùng I - Khu vực phía Bắc: Mở rộng khu xử lý Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn; Xây dựng trạm trung chuyển Tây Mỗ, huyện Từ Liêm; Xây dựng bãi đổ chất thải rắn xây dựng Tiến Thắng, huyện Mê Linh; Xây dựng bãi đổ chất thải rắn xây dựng Dục Tú, huyện Đông Anh.Các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020
Vùng II - Khu vực phía Nam: Xây dựng khu xử lý Châu Can, huyện Phú Xuyên; Xây dựng bãi đổ chất thải rắn xây dựng Chương Dương, huyện Thường Tín; Xây dựng bãi đổ chất thải rắn xây dựng Duyên Hà, huyện Thanh Trì; Xây dựng bãi chôn lấp bùn thải thoát nước tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín.
Vùng III - Khu vực phía Tây: Mở rộng khu xử lý Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Xây dựng khu xử lý Đồng Ké, huyện Chương Mỹ; Xây dựng bãi đổ chất thải rắn xây dựng Vân Côn, huyện Hoài Đức; Xây dựng bãi đổ chất thải rắn xây dựng An Thượng, huyện Hoài Đức; Xây dựng bãi đỗ chất thải rắn xây dựng Trung Châu, huyện Đan Phượng.
Công nghệ xử lý CTR
Công nghệ xử lý chất thải rắn được lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần chất thải rắn.
Công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Ưu tiên các công nghệ trong nước, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Công nghệ áp dụng đối với chất thải rắn thông thường: Công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh....
Công nghệ áp dụng đối với chất thải rắn nguy hại: Công nghệ đốt, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh...
Quy hoạch các bãi đổ chất thải rắn xây dựng và bãi chôn lấp bùn thải thoát nước. Theo đó, quy hoạch 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng với diện tích năm 2020 là 39 ha, năm 2030 là 108 ha và 03 bãi chôn lấp bùn thải thoát nước với diện tích năm 2020 là 8 ha, năm 2030 là 23 ha.
Kinh phí và nguồn vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn cho toàn bộ Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó kinh phí xây dựng đến năm 2020 khoảng 3.500 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách nhà nước; Vốn vay ODA, vốn tài trợ nước ngoài; Vốn tín dụng đầu tư; Vay vốn thương mại trong nước; Vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Các nguồn vốn hợp pháp khác.