Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 02/08/2022 17:09 (GMT+7)

Quyền Bộ trưởng Y tế: 'Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu'

Sáng 2/8, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vắc xin và phòng, chống dịch.

Tại hội nghị, bà Đào Hồng Lan - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế nhận định ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và các vấn đến khác như đô thị hóa, di dân… là nguyên nhân của sự xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới hay sự tiến hóa, biến chủng của các virus gây bệnh dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát gia tăng, xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường.

Quyền Bộ trưởng cho biết, hiện nay dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch”.

Quyền Bộ trưởng Y tế: ' Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu' - Ảnh 1.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc, có 9,9 triệu người khỏi bệnh (92%) và hơn 43 nghìn ca tử vong (0,4%). Từ cuối tháng 3/2022, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước.

Về sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 trường hợp tử vong tại. So với cùng kỳ 2021 (42.587/14) số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích luỹ tăng cao là: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Các bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ 2021 nhưng đang có xu hướng gia tăng. Bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi. “Hiện chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác”, TS Lương Tâm cho biết.

Quyền Bộ trưởng Y tế: ' Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu' - Ảnh 1.
Bà Đào Hồng Lan trong một lần đi thăm hỏi bệnh nhân/ ảnh T.M.

Ông Lương Tâm cũng nhấn mạnh các khó khăn, thách thức của nghành. Theo đó, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hóa và di dân là điều kiện thuận lợi để dịch bùng phát làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch; sự xuất hiện, tiến hóa của các biến chủng mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.

“Bên cạnh đó, một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, đồng bộ”, TS Lương Tâm chia sẻ.

Cũng theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi như yêu cầu; có tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt được như mong muốn.

Ngoài ra, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; một số quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống dịch, nhất là với dịch Covid-19. “Có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong việc mua sắm, đầu thầu phòng, chống dịch; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch”, TS Lương Tâm thông tin.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 trường hợp tử vong. “So với cùng kỳ 2021 (42.587/14) số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên", TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh và ước tính có khoảng 100-400 triệu ca mắc mỗi năm; trong 50 năm qua, số mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần và tăng gấp đôi sau 10 năm.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên toàn quốc; cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết; triển khai giám sát, điều tra dịch và tổ chức xử lý kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực nguy cơ; chuẩn bị tốt việc thu dung điều trị; đảm bảo thuốc, cơ số phòng chống dịch; thực hiện phân loại, phân tuyến điều trị tránh quá tải và hạn chế tử vong; tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác điều trị.

Cùng chuyên mục

Không quân điều trực thăng bay Mi-171 bay cứu trợ đồng bào vùng lũ
Vào 9 giờ 30 phút sáng 12/9, trực thăng Mi-171 số hiệu 03 thực hiện chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn Trực thăng 916 thuộc Sư đoàn quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào vùng lũ ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Tin mới

Chọn phiên bản nào trong dòng iPhone 16?
Apple đã chính thức ra mắt dòng iPhone 16 với nhiều nâng cấp đáng chú ý về camera và màn hình, khiến không ít người phân vân giữa các lựa chọn. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn quyết định phiên bản phù hợp nhất.
Các trường hợp được sử dụng phí bảo trì chung cư
Kinh phí bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì, thay thế các hạng mục, trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư theo kế hoạch bảo trì được Hội nghị nhà chung cư thông qua. Ban quản trị nhà chung cư không được sử dụng kinh phí bảo trì này vào mục đích quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác.