Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 19/11/2020 07:34 (GMT+7)

Sai sót SGK Tiếng Việt lớp 1: Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm, cần phải thu hồi ngay

Nguyên Đại biểu Quốc hội, PGS. TS. Bùi Thị An khẳng định: “Bộ Giáo dục & Đào tạo chắc chắn phải chịu trách nhiệm về sai sót của bộ sách giáo khoa Cánh Diều”. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục cũng cho rằng: “Bộ sách giáo khoa Cánh Diều phải được thu hồi chứ không thể sửa chữa được”.

Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm TP. HCM vừa công bố tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều để xin ý kiến góp ý.

Ảnh minh họa.

Tài liệu này đã được đăng tải trên trang lưu trữ phiên bản điện tử các cuốn trong bộ sách Cánh Diều lớp 1. Theo đó, tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính, bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp, hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Cụ thể, trong tài liệu điều chỉnh đưa ra 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị cho là không phù hợp, được Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu chỉnh sửa bổ sung cùng nhiều điều chỉnh liên quan đến từ ngữ trong các bài học.

Ví dụ, với bài tập đọc “Cua, cò và đàn cá” (1) và (2), nhóm biên soạn sách đã thêm 2 bài đọc khác để bổ sung là “Kết bạn” và “Hồ sen”; bài “Quạ và chó” được bổ sung thêm bài “Phố Thợ Nhuộm”… Với những ngữ liệu bổ sung này, giáo viên có thể thay thế để giảng dạy cho phù hợp.

Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp được loại bỏ, thay thế. Ví dụ, từ “cuỗm” được thay bằng từ “tha” trong câu “Có kẻ đã cuỗm gà nhép”, các từ “thở hí hóp”, “bê be be”… được loại bỏ.

Chính vì vậy, ngay khi bộ sách Cánh Diều được ra mắt, không ít các ý kiến trái chiều từ các chuyên gia giáo dục cũng như từ các bậc phụ huynh học sinh được đưa ra.

Cần phải thu hồi

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Bộ sách giáo khoa Cánh Diều phải được thu hồi chứ không thể sửa chữa được”.

Lý giải việc này, bà Hương nhận định, sách cho người lớn nếu có sai sót về mặt chính tả, câu chữ có thể sửa chữa nhưng với sách giáo khoa cho trẻ em, đặc biệt là các em học sinh lớp 1 và lứa tuổi tiểu học nếu đã không phù hợp thì phải được thu hồi chứ không thể sửa chữa.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Bà Hương có đề cập đến câu chuyện “Hai chú ngựa” trong bộ sách giao khoa Tiếng việt Cánh Diều và cho rằng đây là một câu chuyện phi logic, phản giáo dục nhưng khi được hỏi tác giả lại trả lời vô trách nhiệm rằng câu chuyện này có hai phần, muốn hiểu được nội dung và ẩn ý đằng sau câu chuyện bắt buộc các em học sinh phải đọc cả hai phần.

Chuyên gia Vũ Thu Hương cho hay, trẻ độ tuổi từ 0 – 6 tuổi trẻ chưa có khả năng logic, không thể tổng hợp thông tin và cũng không thể hiểu được ẩn í của câu chuyện, thậm chí từ 7 – 11 tuổi trẻ mới phát triển khả năng tư duy, logic.

Chính vì vậy, việc đưa những câu chuyện không rõ ràng, sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa,… vào chương trình học của các bé lớp 1 là không phù hợp. “Chính tác giả của bộ sách này cũng không hề hiểu trẻ em”, bà Hương nói.

Khi phát hiện ra sai sót, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã dành gần một tháng cho việc sửa chữa. Tuy nhiên theo bà Hương điều này là không có tác dụng trên thực tế, bộ sách này phải được thu hồi ngay khi phát hiện ra lỗi sai. Việc không thu hồi mà mất thời gian sửa chữa đã gây khó khăn cho việc giảng dạy của giáo viên và việc học của học sinh.

Bà Hương đánh giá việc xảy ra những sai sót đáng tiếc kể trên bắt nguồn từ những lỗ hổng trong quy trình thẩm định sách giáo khoa cũng như quy trình thử nghiệm trên thực tế. Vị chuyên gia giáo dục này đề cập đến việc trước khi phát hành, Hội đồng thẩm định phát hiện ra sai sót trong nội dung của bộ sách này và yêu cầu tác giả sửa chữa nhưng tác giả không đồng ý.

Nhưng vì sao bộ sách giáo khoa này vẫn được phát hành? Thêm vào đó, khi vấn đề xã hội hóa giáo dục được đặt ra thì quy trình thử nghiệm trước khi áp dụng cũng còn rất nhiều vấn đề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm

Nguyên Đại biểu Quốc hội, PGS. TS. Bùi Thị An khẳng định, Bộ Giáo dục & Đào tạo chắc chắn phải chịu trách nhiệm về sai sót của bộ sách giáo khoa Cánh Diều trước Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi thị An.

“Dù vấn đề đặt ra bây giờ là sửa chữa lại hay thu hồi bộ sách giáo khoa này thì Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ phải đảm bảo chất lượng cuối cùng và phải đưa ra đưa ra được những phương án khắc phục hậu quả để đảm bảo được chất lượng giáo dục”, bà An nói.

Mới đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa tổ chức họp trực tuyến với 63 Sở Giáo dục & Đào tạo về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.

Với vấn đề liên quan đến bộ sách Cánh Diều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo các tác giả, nhà xuất bản xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và hiện đang xin ý kiến để hoàn thiện ngữ liệu thay thế. Ông Nhạ yêu cầu phải rà soát các sách giáo khoa không chỉ bộ sách giáo khoa Cánh Diều trên cơ sở ý kiến của giáo viên trong quá trình dạy học và từ các nhà xuất bản. Việc rà soát phải thường xuyên, liên tục, thực hiện một cách nghiêm túc, không đợi xã hội có ý kiến mới rà soát.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ sát sao từ khâu đầu đến khâu cuối. Đồng thời sẽ chỉ đạo, cùng các giáo dục và đào tạo để các trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực nghiệm chương trình sách giáo khoa.

Theo một chia sẻ từ giáo viên lớp 1 ở TP. HCM cho rằng, có rất nhiều nội dung không phù hợp mà dư luận đã phản ánh trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua nhưng chưa được chỉnh sửa.
Cô giáo này cho biết phụ huynh trong lớp đã vô cùng bức xúc với bài số 25, trang 49, SGK Tiếng Việt 1, tập 1.
Một Hiệu trưởng Trường Tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đã đọc kỹ ngữ liệu trong tài liệu bổ sung, chỉnh sửa của sách Tiếng Việt 1 nhóm Cánh Diều vừa công bố. So với ngữ liệu trong các sách Tiếng Việt cách đây 30 – 40 năm thì ngữ liệu này không hay, không có cảm xúc, khó đọng lại với trẻ.

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Cảnh giác các cuộc gọi kích hoạt 'hộ' định danh điện tử mức độ 2
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân khi làm thủ tục đăng ký, cập nhật định danh điện tử mức độ 2 thì phải đến trực tiếp trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2, không phải cập nhật qua số điện thoại lạ được gọi tới.