Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 19/05/2022 11:19 (GMT+7)

Thực tiễn giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài

Những năm gần đây, những mối quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài không còn là hiện tượng ít gặp ở nước ta. Vì vậy việc giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng cấp bách hơn, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích cho công dân.

Pháp luật Việt Nam, cụ thể là khoản 14, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Theo quy định tại Điều 127, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Về thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 28 và Điều 29, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình hay yêu cầu về hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Khoản 3, Điều 35, Bộ luật này quy định, những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện.

Theo đó, những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc TAND cấp tỉnh. Trừ trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4, Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu việc ly hôn diễn ra giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND cấp huyện.

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn quy định tại khoản 3, Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nhưng khi giải quyết, Tòa án vẫn vận dụng quy định tại Phần I, Mục 4, Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP-TANDTC và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP-TANDTC hướng dẫn về khoản 3, Điều 33, Bộ luật Tố tụng dân sự 2011 để xác định đương sự ở nước ngoài.

Pháp luật áp dụng với các trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài là có quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc các quy định của pháp luật Việt Nam có quy định khác với quy định của điều ước quốc tế về cùng một vấn đề.

Theo các hiệp định, vấn đề ly hôn giữa công dân các nước ký kết được xác định theo nguyên tắc:

- Nếu hai vợ chồng có cùng quốc tịch thì luật áp dụng để giải quyết ly hôn là luật quốc tịch của cả hai vợ chồng.

- Nếu hai vợ chồng khác quốc tịch thì cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nào nhận đơn xin ly hôn sẽ giải quyết theo pháp luật của nước đó (khoản 2, Điều 25, Hiệp định với Liên bang Nga; khoản 1, 2, Điều 25, Hiệp định với Cu ba; Điều 33, Hiệp định với Hungari; khoản 1, 2, Hiệp định với Bungari).

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể:

Một là, để giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thì hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên hiện nay, việc ủy thác tư pháp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong hoạt động ủy thác tư pháp trong một số công việc như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định.

Nhiều vụ không thể thụ lý giải quyết do công dân Việt Nam xin ly hôn chỉ cung cấp cho Tòa án bản đăng ký kết hôn có địa chỉ của bên kia, ngoài ra thì không có một thông tin nào khác của bị đơn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều cuộc hôn nhân chỉ mang tính hình thức và vẫn bị kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của các bên. Bên cạnh đó, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với các tài liệu mà Tòa án Việt Nam yêu cầu thông thường mất rất nhiều thời gian, do vậy cũng đã gây khó khăn cho việc xét xử.

Hai là, về việc xác định thẩm quyền của Tòa án, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 469, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Bên cạnh đó, điểm b, khoản 1, Điều 470, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, trong đó có vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có một văn bản nào quy định cụ thể thời gian để xác định “lâu dài” là bao lâu.

Ba là, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Trường hợp không có điều ước quốc tế, áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam trên thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc Tòa án Việt Nam xác định thuộc thẩm quyền và đưa ra phán quyết, nhưng do các quốc gia khác cho rằng thẩm quyền giải quyết cũng thuộc thẩm quyền của nước họ, điều này dẫn đến xung đột pháp luật giữa Việt Nam và các nước đó.

Bên cạnh đó, trình độ thẩm phán cũng còn nhiều hạn chế. Kiến thức chuyên môn của một số thẩm phán về tư pháp quốc tế chưa được sâu, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ thẩm phán còn rất hạn chế, từ đó gây khó khăn trong việc tiếp cận với pháp luật nước ngoài cũng như khi tiến hành tố tụng trong những vụ án có công dân nước ngoài.

Để khắc phục những khó khăn trên, theo chúng tôi, trước tiên cần hoàn thiện các quy định pháp luật về ly hôn có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp người chồng khởi kiện xin ly hôn với người vợ mang thai hoặc con dưới 12 tháng tuổi khi họ chứng minh được đứa trẻ không phải là con của họ (như kết luận giám định ADN, giấy tờ chứng minh người chồng ở nước ngoài liên tục nhiều năm còn người vợ ở trong nước), để thể hiện đứa con do người vợ mang thai hoặc con dưới 12 tháng tuổi đó không phải là con của họ và được Tòa án xác định theo khoản 2, Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ hai, về việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài là quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả ủy thác tư pháp đối với đương sự ở nước ngoài. Nên chăng quy định theo hướng trong trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả ủy thác tư pháp đối với đương sự ở nước ngoài thì Tòa án không phải ủy thác tư pháp để tống đạt quyết định tạm đình chỉ đó cho đương sự ở nước ngoài đó nữa; trường hợp này sau khi nhận được kết quả ủy thác tư pháp hay hết thời hạn ủy thác tư pháp thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định chung.

Thứ ba, cần bổ sung quy định đối với trường hợp người bị khởi kiện ở nước ngoài không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú ở nước ngoài, làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện. Cơ quan Tòa án thường xuyên gặp trường hợp này nhưng vẫn phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung, điều này dẫn đến nhiều khó khăn vì việc ủy thác tư pháp hoàn toàn không có kết quả. Trong trường hợp này, cần phải quy định rõ thủ tục thông báo, niêm yết, xác minh tại địa phương và các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi cho người bị khởi kiện ở nước ngoài, quyền được ly hôn của người khởi kiện.

Thứ tư, cần sớm sửa đổi quy định của pháp luật, theo hướng tăng thẩm quyền xét xử mới cho Tòa án cấp huyện trong giải quyết một số vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Việc tăng thẩm quyền là phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan tố tụng cấp tỉnh, để cơ quan tố tụng cấp tỉnh làm tốt hơn chức năng xét xử phúc thẩm các vụ án, để giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích cho đương sự.

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật về ly hôn có yếu tố nước ngoài, Việt Nam cần tham gia ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp liên quan đến ly hôn có yếu tố nước ngoài. Hoàn thiện việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có công dân kết hôn số lượng nhiều với công dân Việt Nam, để làm cơ sở cho việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài một cách có hiệu quả. Nhưng trên hết, không một biện pháp pháp lý nào có ý nghĩa hơn việc tuyên truyền về hậu quả của hôn nhân có yếu tố nước ngoài khi không có sự tự nguyện thực sự và hệ lụy của việc ly hôn đối với đất nước, xã hội, gia đình và bản thân người tham gia quan hệ.

Cùng chuyên mục

Quyền giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai
Công dân tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát, phản ánh và yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Việc thực hiện quyền giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai được quy định tại Điều 231 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025).
Hóa đơn xăng dầu có bắt buộc ghi biển số xe không?
Thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện các thông tin liên quan đến việc hóa đơn xăng dầu phải ghi biển số xe. Vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì hóa đơn xăng dầu có bắt buộc phải ghi biển số xe không?
Thận trọng với “bẫy” lừa đảo qua hình thức góp vốn, đầu tư
Gần đây, Tạp chí Người cao tuổi nhận được nhiều đơn thư của người cao tuổi phản ánh về việc thực hiện “Hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư” với các cá nhân và tổ chức, nhưng không trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, đầu tư nên có nguy cơ rủi ro cao, không thu hồi được tiền đầu tư. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng hình thức góp vốn kinh doanh đầu tư này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Đưa hình ảnh học sinh lên mạng xã hội: Vô tư nhưng cũng cần thận trọng
Theo Luật sư, việc đăng tải hình ảnh giữa giáo viên và các em học sinh là một hình ảnh đẹp và có thể là kỷ niệm giữa thầy cô đối với các em. Tuy nhiên, cũng cần phải cảnh giác trước các trường hợp tội phạm công nghệ cao lợi dụng hình ảnh của thầy cô và các em nhằm mục đích xấu, dẫn đến hệ lụy vô cùng khó lường, điển hình là các vụ việc với thủ đoạn lừa đảo tinh vi bằng công nghệ cao đã được lực lượng chức năng cảnh báo gần đây.
Phạt tiền và khóa bánh xe tại các khu đô thị: Đúng hay sai?
Thời gian gần đây, mâu thuẫn, xung đột giữa lực lượng bảo vệ Khu chung cư/Khu đô thị mới với cư dân, lái xe taxi và khách đến về việc dừng đỗ xe không còn là chuyện hiếm, thậm chí đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều Khu chung cư/Khu đô thị mới hiện nay bởi còn những quan điểm khác nhau về thẩm quyền của lực lượng bảo vệ cũng như quyền dừng đỗ xe của những người lái xe trong các Khu chung cư/Khu đô thị này.

Tin mới

Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng vào ngày 22/4
Ngày 19/4/2024, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã có Công văn 425/QLDTNH2 thông báo đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC với tổng khối lượng dự kiến sẽ đấu thầu là 16.800 lượng, thời gian bắt đầu từ 10 giờ sáng ngày 22/4/2024.
Nam Em có hành động khó hiểu khi livestream bán hàng
Nam Em là cái tên được nhắc đến khá nhiều thời gian qua, nguyên nhân xuất phát từ những ồn ào vạ miệng của cô nàng. Mới đây, quay trở lại mạng xã hội livestream bán hàng, Nam Em lại có hành động khó hiểu khiến nhiều người phải bàn tán.