Tỉnh Kiên Giang chưa thực sự chú trọng trong công tác bảo vệ môi trường
Để xảy ra tình trạng buông lỏng công tác quản lý nhà nước về môi trường tại tỉnh Kiên Giang, TTCP cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung. Bên cạnh đó, Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính.
Theo đó, Tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 636/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ việc dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại tỉnh Kiên Giang mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý còn lỏng lẻo của cơ quan chức năng liên quan tại tỉnh này.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Kiên Giang khi chưa thật sự chú trọng đúng mức trong việc xử lý rác thải, nước thải: “Đặc biệt trên địa bàn huyện Phú Quốc, mặc dù lượng nước thải và rác thải thực tế đều vượt nhiều lần số với dự báo theo Quy hoạch tại Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng UBND tỉnh Kiên Giang chưa có biện pháp xử lý , khắc phục kịp thời”.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức như: Thiếu kiểm tra, giám sát đối với các chủ nguồn thải, đặc biệt là chủ đầu tư các dự án trong việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, buông lỏng trong kiểm tra, kiểm soát về vấn đề khối lượng khoáng sản khai thác thực tế dẫn đến việc kê khai nộp phí môi trường chưa đúng quy định. Điển hình là trường hợp Công ty Siam City Cement Việt Nam với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.
TTCP cũng chỉ ra hai đơn vị quản lý nhà nước thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ phí bảo vệ môi trường dẫn tới một số tổ chức chư kê khai hoặc kê khai thiếu gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước đó là Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục thuế tỉnh Kiên Giang.
Điều đáng nói, khi hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung chưa được hoàn thành thì Ban Quản lý cá Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang và Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế, chủ đầu tư đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thạnh Lộc đã cho phép các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng và đưa các nhà máy sản xuất, chế biến trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc đi vào hoạt động.
Trước việc làm trên, dư luận nhận thấy tỉnh Kiên Giang đang chấp nhận đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Ngoài ra, đối với một số tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng UBND thành phố Rạch Giá lại không ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Phải chăng có điều gì đó khuất tất khiến cơ quan chức năng của UBND thành phố Rạch Giá không ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính? Vấn đề này, Kính đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang và sở ban ngành liên quan cần sớm làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).
Có thể thấy, hàng loạt những sai phạm về đất đai, khoáng sản, môi trường được nêu lên trong kết luận của TTCP đã nhức nhối nhiều năm ở tỉnh Kiên Giang. Vậy, sau kết luận thanh tra, những sai phạm có được xử lý và những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm có bị xử lý nghiêm minh.
Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.