TP.HCM: Chính quyền Q.Bình Thạnh ép dừng thi công bất hợp pháp?
Một công trình xây dựng dân dụng đơn giản đã bị các cơ quan chức năng địa phương “ép” đến ngộp thở chỉ vì một đơn thưa “trời ơi đất hỡi”!
Điệp khúc kiểm tra lập biên bản
Công trình xây dựng nhà ở cấp 4 tại 5/45/3 Nơ Trang Long (P.7, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) được cấp GPXD số 397 ngày 26/3/2020 và khởi công xây dựng ngay sau đó.
Đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng Magic Power với người được ủy quyền là bà Nguyễn Hoài Anh trực tiếp quản lý đơn vị thi công công trình này.
Theo chủ đầu tư công trình là nhà ở 4 tầng + hầm + lửng, trước khi thi công chủ đầu tư đã khảo sát có 3 nhà lận cận: nhà giáp ranh bên phải, nhà bên trái và một nhà nối đuôi. Riêng nhà 5/45/4 Nơ Trang Long có khoảng 2m tôn từ đất lên, và hiện trạng không có móng.
Ngày 28/5/2020, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp UBND phường 7 (Q. Bình Thạnh) kiểm tra lần đầu. Tại buổi làm việc, bên thi công cung cấp tài liệu hình ảnh về hiện trạng nhà đất của nhà cũ và các nhà lân cận.
Ngày 16/6/2020, đơn vị thi công được mời đến nhà cạnh bên (5/45/3 Nơ Trang Long) làm việc. Thành phần ngoài UBND phường 7, Thanh tra Sở Xây dựng trên địa bàn Bình Thạnh, Phòng Quản lý đô thị quận còn có đại diện chủ nhà 5/45/3 NTL. Theo phản ảnh của chủ nhà kế cận, việc thi công công trình đã gây lún nứt cho nhà bà. Tuy nhiên, đại diện thi công chứng minh bằng hình ảnh các vết nứt đã có trước khi đơn vị khởi công xây dựng
Hai ngày sau, ngày 18/6/2020 UBND phường 7 mời 2 bên đến làm việc, thống nhất UBND phường 7 sẽ đứng ra mời một đơn vị thẩm định, chi phí thẩm định do 2 bên góp vào. Phía nhà lún nứt không đồng ý bỏ tiền còn bên thi công cho rằng bên khiếu nại không có đơn nộp cho cơ quan chức năng nên không đủ cơ sở để tạm ứng tiền thẩm định.
Ngày 1/7/2020, các cơ quan chức năng tự động xuống hiện trường xây dựng lập biên bản. 9 giờ 30 sáng ngày 2/7/2020 UBND phường 7 xuất hiện tại công trình, đề nghị ngừng thi công công trình để đảm bảo an toàn cho nhà 5/45/4 NTL. Chiều cùng ngày, chủ đầu tư lại được mời đến nhà 5/45/4 để họp với Thanh tra Sở Xây dựng, Phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở Xây dựng), Phòng Quản lý đô thị và chủ nhà khiếu kiện. Chủ đầu tư không chấp nhận đề nghị ngưng thi công vì cho rằng nguyên nhân gây lún nứt chưa được xác định và người quyết định đình chỉ thi công phải đúng qui định pháp luật
Ngày 6/7/2020, Thanh tra Sở Xây dựng đến công trình lập biên bản vi phạm hành chính, trong đó nêu rõ nếu không đồng ý bên thi công có thể gởi đơn khiếu nại cho ông Hồ Phương,Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh. Ngày 8/7/2020, đơn vị thi công đã gởi đơn khiếu nại cho ông Hồ Phương.
Ngay sau đó, UBND phường 7 một lần nữa mời các bên đến làm việc. Đại diện bên thi công vẫn giữ quan điểm mời đơn vị thẩm định để xác định nguyên nhân gây lún nứt. Để xử lý sự cố trước mắt, đơn vị thi công đang có sẵn vật tư và nhân công chuyên môn có thể giúp khắc phục tình trạng nứt của nhà 5/45/4 NTL. Tuy nhiên, bên khiếu nại đề nghị chỉ nhận bồi thường bằng tiền! Theo tính toán của chủ đầu tư, tổng giá trị sữa chữa khắc phục vào khoảng 35 triệu đồng, cộng với chi phí hỗ trợ di dời ở tạm trong thời gian xử lý tối đa là 100 triệu đồng. Bên khiếu nại không đồng ý mà đòi số tiền gấp 5 lần, tức 500 triệu đồng!
Ngày 15/7/2020, UBND phường 7 tiếp tục mời các bên làm việc nhưng vẫn không thỏa thuận được gì. Buổi chiều cùng ngày, một đội công tác gồm Công an phường 7, Thanh tra xây dựng, Quản lý đô thị... bất ngờ xuống công trình lập biên bản, yêu cầu tạm ngưng thi công và đội thi công phải rời khỏi hiện trường
Ép đến cùng!
Sau khi cưỡng chế ngừng thi công, ngay lập tức Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4818/QĐ-XPVPHC ngày 16/7/2020. Theo đó, phạt tiền 17,5 triệu đồng đơn vị thi công và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường theo qui định. “Người vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận và hoàn thành việc bồi thường thiệt hại...” (Trích QĐ 4818).
Bà Nguyễn Hoài Anh, đại diện đơn vị thi công bức xúc: “ Chúng tôi đã quá mệt mỏi với các kiểu “hành dân” của chính quyền địa phương! Chúng tôi đã có 16 năm kinh nghiệm xây dựng, trường hợp nào cũng đã gặp qua đặc biệt là các trường hợp xử lý lún nứt. Không ngờ được ở một công trình xây dựng nhỏ bé, đơn giản như nhà 5/45/3 chỉ một hầm, một nhà và một lửng lại bị làm khó kinh khủng như thế”. Theo bà Hiền Anh, để đề phòng chuyện kiện thưa vô căn cứ, trước khi thi công bà đã ghi lại toàn bộ hình ảnh nhà cũ và hiện trạng xung quanh. Trong khi thi công, phía chủ đầu tư đã làm các bước xử lý chèn chống xung quanh chống ảnh hưởng. Đồng thời, rất thiện ý hòa nhã, sẵn sàng giúp đỡ các nhà kế cận nếu có những sự cố ảnh hưởng xảy ra.
Trở lại quyết định xử phạt số 4818 của UBND quận Bình Thạnh dó Phó Chủ tịch quận Hồ Phương ký ngày 16/7/2020 là căn cứ vào các biên bản được lập (Biên bản 0004010/BBVPHC do Đội Thanh tra xây dựng lập ngày 6/7/2020, Biên bản 41/BB-XM ngày 10/7/2020) và Phiếu trình số 175/PTr-ĐBTh ngày 10/7/2020 của Đội trưởng Đội Thanh tra địa bàn quận Bình Thạnh (Sở Xây dựng). Về hình thức, đó chính là kết quả của hàng loạt động tác xuống lên lập biên bản và mời họp liên tục của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, dường như các căn cứ biên bản để ra quyết định có vẻ không ổn vì quá vội vàng. Việc xử lý ảnh hưởng lún, nứt của nhà kế cận là của chính quyền sở tại căn cứ vào kết quả khiếu nại của các đương sự. Trong khi kết quả khiếu kiện chưa được đưa ra do chưa có kết quả kiểm định lún nứt sau hay trước khi công trình khởi công xây dựng thì nhà chức trách chưa thể ra quyết định xử phạt, dù là hành chính.
Ở một khía cạnh khác, động cơ của bên khiếu kiện đang dần lộ rõ có dấu hiệu vòi vĩnh, ăn vạ. Hết lần này đến lần khác, bên khiếu kiện tìm cách đổ vấy nguyên nhân lún nứt là do chủ đầu tư, không ngại phóng đại sự thiệt hại lên để làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Bằng chứng là khi chủ đầu tư ngỏ ý sửa chữa khắc phục các vết nứt thì bên khiếu kiện một mực chỉ lấy tiền, mà số tiền đưa ra đến phi lý: 500 triệu đồng cho việc xử lý các vết nứt chưa rõ nguyên nhân!
MT&ĐTVN vẫn tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc...