Trách nhiệm của Công ty Năm Thanh đến đâu sau vụ cháy chợ Đề Thám, TP. Thái Bình?
Vụ cháy tại chợ Đề Thám (TP. Thái Bình) vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho các hộ kinh doanh tại đây. Vậy trách nhiệm của Công ty Năm Thanh - BQL chợ Đề Thám ra sao khi đã ký hợp đồng với các tiểu thương nhưng không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định?
Như đã thông tin, vào lúc 21h 14/1, một ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở khu vực chợ Đề Thám (phường Đề Thám, TP. Thái Bình) rồi nhanh chóng bao trùm toàn bộ khu chợ. Phát hiện cháy, người dân liền hô hoán, tìm cách dập lửa và điện báo cho cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh Thái Bình lập tức điều 3 xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ đến hiện trường triển khai công tác chữa cháy.
Sau khoảng 20 phút, ngọn lửa đã được khống chế. Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô, đến khoảng 22h cùng ngày, tại khu vực bán vàng mã đám cháy bỗng nhiên bùng phát trở lại. Lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp tục điều 4 xe cứu hỏa, 3 máy bơm nước đến hiện trường. Đến gần 0h ngày 15/1, ngọn lửa cơ bản đã được khống chế. Theo báo cáo ban đầu rất may không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản ước tính rất lớn.
Tối 15/1, đại diện Ban quản lý chợ Đề Thám (thành phố Thái Bình) thông tin về nguyên nhân ban đầu vụ cháy do ngọn lửa bắt đầu tại kiốt số 14 của bà Lại Thị Huê kinh doanh mặt hàng nướng, quay một số loại gia cầm, thủy sản. Ngọn lửa sau đó bùng phát cháy lan sang các gian hàng bên cạnh. Cơ quan chức năng đã thống kê được có 40 kiốt kinh doanh trong chợ bị cháy. Do các tiểu thương tập trung nhập lượng lớn hàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý nên thiệt hại về kinh tế đối với các hộ kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, trách nhiệm của BQL chợ, cụ thể là Công ty TNHH Năm Thanh ra sao sau thiệt hại mà “bà Hỏa” gây ra mới là vấn đề gây bức xúc cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Được biết, chợ Đề Thám đi vào hoạt động từ năm 2010, do Công ty TNHH Năm Thanh làm chủ đầu tư. Hiện chợ có 5 khu kinh doanh với khoảng hơn 200 ki ốt, phục vụ các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng hằng ngày của người dân thành phố.
Trao đổi với PV, ông Phạm Thế Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Năm Thanh cho biết: “Công ty chúng tôi chưa mua bất cứ loại hình bảo hiểm nào về cơ sở vật chất cũng như tiểu thương trong chợ. Bởi lý do ban đầu chúng tôi dự kiến chỉ tạm thu số tiền 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng) trong thời gian 10 năm. Nhưng sau khi lập bổ sung dự án mở rộng quy mô chợ hơn, đến quy trình thẩm tra và quyết toán công trình để trình UBND thành phố phê duyệt dự án thì giá thành đội lên rất nhiều. Khi bà con vào buôn bán thì họ tự ý sang nhượng cho nhau với giá thành gấp 3,4 lần mà không thông qua Ban quản lý chợ.
Khi UBND tỉnh và thành phố duyệt quyết toán rồi chúng tôi tiến hành thu tiếp thì bà con phản đối nên chúng tôi quyết định không thu nữa, mà những người thật sự quyết tâm có nhu cầu gắn bó kinh doanh lâu dài tại chợ thì thu bổ sung thêm một phần kinh phí để ký hợp đồng.
Về công tác PCCC, chúng tôi luôn đảm bảo đầy đủ các giấy phép cũng như trang thiết bị phục vụ chữa cháy tại chỗ, anh em cũng thường xuyên nhắc nhở, nhưng do vụ cháy này chủ yếu là dãy hàng mã lan ra các thùng xốp bà con xếp chồng nên lửa bắt rất nhanh. Chúng tôi đã cố gắng khắc phục nhanh nhất có thể để bà con ổn định buôn bán trước dịp Tết Canh Tý đang đến gần, công ty cũng kịp thời động viên, động viên bà con đồng thời chuẩn bị lên phương án báo cáo các sở ban ngành, đề nghị hỗ trợ, còn bảo hiểm thì do khó khăn trong công tác ký hợp đồng nên chúng tôi chưa mua một loại bảo hiểm nào”.
Trước việc ký hợp đồng mang tính chất “tượng trưng” như trên và không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định thì Công ty TNHH Năm Thanh thực hiện kê khai ra sao đối với cơ quan thuế để nộp thuế và các khoản thu khác? Việc công ty không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định tại Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ sẽ bị xử lý ra sao? Báo sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng liên quan và thông tin tới bạn đọc trong các số tiếp theo.