Trụ sở Liên cơ sở ngành HN: Công trình nghìn tỉ cứ mưa là dột
Chỉ sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, công trình trị giá cả ngàn tỉ đồng đã và đang trở nên sập xệ, dột nát.
Gỉ sét, xuống cấp là cái kết được báo trước
Nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, những cơn mưa trong tuần vừa qua đã khiến nhiều phòng làm việc của một số Sở, ngành tại toà nhà trụ sở Liên cơ Hà Nội đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội bị dột nặng.
Từ các khe kính, nước bị hắt chảy vào trong nhà ngoài ra tại một số điểm, sàn nhà ngập lõm bõm vì nước mưa rơi xuống từ trần nhà.
Thông tin phản ánh cũng cho biết, nhiều hạng mục bằng kim loại đã dần trở nên gỉ sét, nặng tới mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường... rất nhiều lo ngại về công trình quan trọng nhưng đang không đảm bảo chất lượng này.
Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công là công trình trọng điểm của UBND TP Hà Nội, xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước để bố trí trụ sở làm việc của 8 sở ngành thuộc UBND TP Hà Nội. Quy mô dự án gồm 03 khối nhà. Tổng mức đầu tư là hơn 1.022 tỉ đồng.
Tuy nhiên đây không phải lần đầu nghi ngại về chất lượng công trình tại tòa nhà này được nhắc tới, phải kể đến thời điểm 2018, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tài loạt bài viết về hàng loạt vấn đề còn tồn tại.
Nhưng bằng sự thờ ơ của mình, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội (Ban QLDA) khi đó đã có văn bản phản hồi, song lại “đổ vấy” trách nhiệm cho chủ đầu tư cũ là... Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội.
Dù cho thời điểm đó, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến dấu hiệu vi phạm về sự lãng phí, chất lượng công trình thuộc dự án Khu liên cơ Võ Chí Công. Bởi đây là dự án trọng điểm của TP Hà Nội, xây dựng bằng Ngân sách Nhà nước, là nơi làm việc của hàng ngàn CBCNV và cũng là lưu trữ tài liệu quan trọng của 08 sở/ ngành thuộc TP Hà Nội.
Trải qua 2 thời CĐT bao gồm Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội, đến tháng 02/2017, dự án chính thức bàn giao lại cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội (Ban QLDA). Khi bàn giao thì đã cơ bản xong phần thô của tòa nhà 27 và 16 tầng, dự án vẫn phải mang một kết cục đáng buồn.
Từng bị Cục Giám định yêu cầu bổ sung tiêu chuẩn
Theo tìm hiểu, tháng 6/2016, Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng – Bộ Xây dựng (Cục Giám định) đã có văn bản số 368/GĐ-GĐ2 về “Kết quả kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng công trình”, trong đó có ghi: Chưa có thuyết minh tính toán kết cấu nhiều hạng mục trong đó có hệ vách kính bao quanh suốt dọc thân công trình. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, rà soát, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn áp dụng cho công trình.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đã có khuyến cáo và yêu cầu của Cục Giám định về việc phê duyệt bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho công trình song chủ đầu tư cũ (Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội) chưa tổ chức phê duyệt hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn bổ sung áp dụng cho công trình.
Chủ đầu tư mới là Ban QLDA cũng không tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phê duyệt bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho công trình mà vẫn cho tổ chức thi công lắp đặt hệ vách kính mặt ngoài: Vậy đây có phải sai chồng sai?
Vấn đề tại thời điểm đó là nếu CĐT dừng ngay việc thi công lắp đặt, điều chỉnh lại theo quy chuẩn thì tổn thất sẽ không đáng kể nhưng không hiểu sao Ban QLDA không làm. Dẫn đến việc công trình đã lắp đặt 90% khối lượng hệ vách kính mặt ngoài, sẽ là tổn thất vô cùng lớn nếu phải phá đi làm lại theo quy chuẩn 05:2008/BXD.
Tại văn bản phản hồi số 534/BQLDA-DD&CN-VP ngày 06/06/2018 của Ban QLDA cho rằng: “Ban đã và đang yêu cầu đơn vị Tư vấn thiết kế đưa ra những giải pháp để đảm bảo an toàn theo Quy chuẩn 05:2008/BXD trình các cơ quan chuyên môn thẩm duyệt, đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng”.
Thế nhưng hiện trạng công trình ngày 28/8/2020 đã cho thấy, vấn đề mà toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã từng cảnh báo từ sớm, nay đã đúng. Chỉ sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, công trình cả ngàn tỉ đồng đã và đang trở nên xập xệ, dột nát, nước chảy bì bõm.
Hơn 1000 cán bộ, nhân viên của 8 sở - ban – ngành Hà Nội chưa kịp vui niềm vui trụ sở mới, giờ nháo nhác vì không có chỗ làm việc, phải di tản trở về trụ sở cũ mỗi khi trời mưa, chưa kể các hồ sơ, giấy tờ có thể sẽ bị nước hủy hoại trách nhiệm này ai có thể gánh vác?