Từng mắc trầm cảm nặng, nữ họa sĩ tái sinh nhờ vẽ 'loài hoa của trời'
Từng mắc trầm cảm và bị ảnh hưởng bởi những tác dụng phụ của thuốc đã khiến nữ họa sĩ từ một người vốn xông xáo, đầy nghị lực phải gục ngã. Để rồi, khi được người thân, bạn bè động viên và với ý chí phải sống để vẽ thật nhiều sen - loài “hoa của trời”, nữ họa sĩ ấy ngày qua ngày đã tìm lại chính mình.
Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức bén duyên nghệ thuật từ rất sớm. Chị sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật, có truyền thống làm nghề thợ mộc, chị là con gái thứ năm của nhà văn Nguy.ễn Sơn Đỗng - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Xứ Đoài mây trắng.
Nữ họa sĩ đã từng xuất hiện rạng rỡ trên trang bìa tạp chí Forbes. Ấy vậy mà, khi trải qua hai lần phẫu thuật vì bệnh hiểm nghèo đã biến chị từ một người năng động, thành công trở thành một con người sợ hãi mọi thứ và chỉ muốn quyên sinh. Bệnh trầm cảm và những tác dụng phụ của thuốc đã khiến một người vốn xông xáo, đầy nghị lực như chị phải gục ngã.
Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ, sự động viên của những người thân thiết, đặc biệt ý chí phải sống để vẽ thật nhiều sen - loài “hoa của trời” đã giúp chị trở lại là chính mình. Sự tái sinh lần này đã gắn chị với sứ mệnh mới: Cho đi là hạnh phúc.
Vốn là người có duyên với Phật giáo, nữ hoạ sỹ Kim Đức đã dành nhiều tâm huyết như một lời tri ân với cuộc đời trong triển lãm khai mạc vào ngày 25/3 vừa qua tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Triển lãm giới thiệu 75 tác phẩm về Sen là minh chứng cho tinh thần và ý chí kiên cường của hoạ sỹ.
Trước đó, họa sĩ Kim Đức đã tự mày mò, nghiên cứu đọc rất nhiều tài liệu về sen, trong cuốn sách cổ, trong tài liệu nước ngoài…. Chị dành hàng giờ lúc bình minh, lúc giữa trưa, thậm chí cả mưa gió quan sát và ngắm sen… Sen là hoa của trời, là biểu tượng của tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam.
Với Phật giáo, Sen là biểu tượng tâm linh tối thượng, thể hiện Phật tính vốn có trong mỗi con người. Với năng khiếu vốn có và sự miệt mài học tập nâng cao chuyên môn, học từ kinh nghiệm của các hoạ sỹ gạo cội hay quan sát, phân tích từ các tác phẩm nổi tiếng cả trong nước và quốc tế đã giúp chị tự tin, thoải mái trong từng nét vẽ.
Dù hạn chế về sức khoẻ nhưng nhiều lúc tình yêu sen đã giúp chị vẽ liên tục liên tục 9 tiếng chỉ nghỉ 15 phút ăn trưa để cho ra đời các bức tranh giàu cảm xúc với những gam màu đặc biệt từ sự quan sát tinh tế. Không chỉ đạt giá trị thẩm mỹ, các tác phẩm đểu được nuôi dưỡng bằng đam mê, khát khao của người hoạ sỹ chân chính.
Với cách bố trí hợp lý cùng trang trí tiểu cảnh sống động, hoạ sỹ Kim Đức dành hết tâm huyết, tri ân những người yêu mến nghệ thuật với mong muốn mang tới sự an lạc, xua tan mọi muộn phiền, giúp con người phát huy tính hướng thiện, lan toả tình yêu thiên nhiên, môi trường…
Từ một bệnh nhân trầm cảm được “cứu vớt tâm hồn” nhờ vẽ sen, thông qua triển lãm, nữ hoạ sỹ cũng hy vọng có thêm nhiều nghiên cứu về sen, cổ vũ các hoạ sỹ trên thế giới tiếp tục vẽ những bức tranh Sen. Đồng thời, hoạ sỹ Kim Đức mong muốn đưa thông điệp đến mọi người là hãy yêu thương, quan tâm đến mình và những người xung quanh. Bệnh trầm cảm khó phát hiện nhưng lại nghiêm trọng nên hãy cảnh giác và đến gặp các bác sỹ để được hỗ trợ tốt nhất.
Không chỉ say mê sáng tác, họa sỹ Kim Đức đã vẽ và sưu tầm hàng trăm bức tranh sơn dầu của các hoạ sỹ, thành lập Quỹ tranh “Butta sweet life” tặng cho các bệnh viện như: bệnh viện K (cơ sở 2), bệnh viện Xanh Pôn, bệnh viện đa khoa Mỹ Đức, Bệnh viện Đức Giang và Bênh viện Châm cứu Trung ương, phát động trồng hàng triệu cây xanh khắp các vùng miền, gây quỹ ủng hộ trồng rừng…