Vén màn ‘bí mật’ nhóm Gobig: ‘Bà trùm’ Nguyễn Thị Nhung quyền lực thế nào?
Không chỉ làm người đại diện theo pháp luật - Tổng giám đốc Công ty Genphar, bà Nguyễn Thị Nhung còn từng làm giám đốc Công ty Medicom và làm cổ đông sáng lập loạt các công ty khác trong nhóm Gobig.
Công ty Medicom từng “dính phốt” vi phạm quảng cáo
Công ty TNHH dược phẩm quốc tế Medicom có địa chỉ tại Tầng 4 Tòa nhà Vimeco Lô E9 đường Phạm Hùng, Trung Hòa, Cầu Giấy Hà Nội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty này được thành lập ngày 08/05/2017, ban đầu do ông Nguyễn Văn Dương làm người đại diện theo pháp luật. Sau đó là bà Nguyễn Thị Nhung làm chủ sở hữu toàn bộ. Tuy nhiên gần đây nhất, ngày 09/06/2021, phía Công ty này đột nhiên lại có sự thay đổi về chủ sở hữu.
Hiện, người đại diện theo pháp luật, đồng thời làm Tổng giám đốc Công ty Medicom là bà Lê Thị Phượng, sinh năm 1998, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Đây cũng là một trong số các Công ty thuộc nhóm Gobig đã không ít lần bị cơ quan chức năng “xướng tên” xử phạt do mắc các vi phạm nghiêm trọng trong quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), Thực phẩm chức năng (TPCN) vượt quá phạm vi quy định.
Cụ thể, năm 2019, Công ty này đã từng bị xử phạt 100 triệu đồng do quảng cáo TPBVSK Đào Thi (hỗ trợ săn chắc vòng 1) và Kvoilmen (hỗ trợ sinh lý) vượt quá công dụng sản phẩm, vi phạm nghiêm trọng luật quảng cáo và an toàn thực phẩm (ATTP). Cục ATTP cũng yêu cầu Công ty này phải tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo vi phạm.
Song, hiện tại rất nhiều các website, các gian hàng điện tử, Đào Thi vẫn được quảng cáo có công dụng “tăng size vòng 1”. Thậm chí còn có website gọi thực phẩm này là “thuốc”.
Ví dụ, tại trang Blogs “Top 10 thuốc tăng vòng 1 hiệu quả nhanh nhất của Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc”, thực phẩm này được ghi là: “Sản phẩm thuốc tăng vòng 1 và nở ngực Đào Thi là một trong những dòng sản phẩm vô cùng nổi tiếng của Công ty dược phẩm Medicom sản xuất, và hiện nay đang được Công ty cổ phần Viheco chịu trách nhiệm phân phối độc quyền...”
Hay tại website “nhathuocvinhloi.vn/dao-thi/” sản phẩm này được ghi rõ là: “Bởi vì thuốc có tác dụng rõ rệt, giá cả hợp lý, nên đã được khách hàng tin tưởng và lựa chọn sử dụng, cho nên trên thị trường cũng tồn tại những tin đồn vô căn cứ, hạ thấp chất lượng của sản phẩm từ các đối thủ cạnh tranh khác hay những người dùng ảo trên mạng. Nhìn từ góc độ khách quan và những nhận xét đánh giá tốt về sản phẩm cho thấy nó đã thực sự hiệu quả trong việc giúp phái đẹp cải thiện nỗi lo vì vòng 1 không được như ý. Thuốc được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến hiện đại và đã được kiểm duyệt nhiều lần nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng nó.”
Các gian hàng điện tử như “Lazada.vn”, “shoppee.vn” cũng vậy. Sản phẩm này được đăng bán với quảng cáo vô tội vạ, “Đào Thi tăng vòng 1 chính hãng”, “Đào Thi – tăng size (kích cỡ - PV) vòng 1 + tặng thước dây”,...
Câu hỏi đặt ra, liệu phía Công ty Medicom có “dính dáng” tới loạt các trang website, các gian hàng điện tử kia hay không? Nếu các quảng cáo trên không phải của Công ty này thì trách nhiệm của đơn vị công bố sản phẩm ở đâu khi mà có quá nhiều gian hàng, website đăng bán “thổi phồng” công dụng như vậy?
Chưa hết, theo bản tiếp nhận công bố sản phẩm Cục ATTP, Bộ Y tế, xác nhận cho sản phẩm này thì Công ty Medicom có địa chỉ đăng ký tại số 52 Nguyễn Khả Trạc, phố Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội chứ không phải Tầng 4 tòa nhà Vimeco lô E4 Phạm Hùng, Cầu Giấy.
Như vậy, nếu khách hàng gặp vấn đề khi sử dụng sản phẩm Đào Thi muốn liên hệ phản hồi, hoặc khi cơ quan chức năng muốn kiếm trả hoạt động của đơn vị này thì sẽ rất khó liên lạc bởi địa chỉ đăng ký một nơi, nhưng hoạt động lại một nẻo.
Cũng như việc sản xuất sản phẩm này theo Giấy tiếp nhận là Công ty Viheco được cấp phép đạt tiêu chuẩn sản xuất. Thế nhưng trên bao bì sản phẩm Đào Thi lại ghi đơn vị sản xuất là Công ty Genphar mà bà Nhung chính là Tổng giám đốc. Vậy việc sản xuất tại nhà máy này đã được Công ty Medicom điều chỉnh, bổ sung công bố và cơ quan chức năng xác nhận hay chưa?
Hé lộ về “bà trùm” quyền lực của nhóm Gobig
Như chúng tôi đăng trong kỳ trước các bài viết với tựa đề “Vén màn “bí mật” nhóm Gobig...”, bên cạnh làm Tống giám đốc Công ty Genphar với 37% cổ phần, bà Nhung còn làm cổ đông hàng loạt các Công ty với số lượng cổ phần rất lớn: 22% tại Công ty Cổ phần công nghệ COD quốc tế, 34% tại Công ty Cổ phần công nghệ GOG Việt Nam, 40% tại Công ty Cổ phần công nghệ cao GOB quốc tế.
Tại Công ty Medicom, bà Nhung từng làm Giám đốc toàn quyền sở hữu 100% số cổ phần.
Mặt khác, hàng loạt các công ty mà bà Nhung đóng vai trò làm cổ đông sáng lập với số cổ phần rất lớn trên, mới đây cũng bị giới chức năng kiểm tra, xử phạt, thậm chí nhiều sản phẩm đã bị thu hồi, rút giấy phép như: Phạt Công ty GOB 150 triệu đồng với 03 hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm TPBVSK GEN X GOLD, Gen S, GEN X PLUS, GEN X SILVER gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm TPBVSK GEN X GOLD; Quảng cáo sản phẩm TPBVSK GEN X GOLD có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Xử phạt Công ty Cổ phần dược phẩm Lofica 162 triệu đồng về 04 hành vi vi phạm: Quảng cáo các sản phẩm TPBVSK Zawa và GMDIET gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm TPBVSK Zawa; Quảng cáo các sản phẩm TPBVSK Zawa và GMDIET có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc TPBVSK Zawa.
Phạt Công ty TNHH thương mại Quốc tế Phamaco 60 triệu đồng về hành vi vi phạm: Quảng cáo sản phẩm TPBVSK YAKUMI gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Thu hồi toàn bộ Giấy tiếp nhận công bố và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm Zawa thuộc Công ty Locifa. Phạt Công ty Genphar (do bà Nhung làm Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật) 70 triệu đồng và thu hồi hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) TPBVSK đã cấp cho Công ty Genphar (31/5/2021) do vi phạm: Sản xuất thực phẩm không phù hợp với thông tin về sản phẩm đã công bố.
Cùng với đó, Cục ATTP Bộ Y tế cũng yêu cầu Công ty Genphar phải thu hồi thực phẩm Ích khớp đan số lô 020320 NSX: 03/03/2020, HSD: 03/03/2023; Thực phẩm Gen S Plus số lô 030520, NSX: 03/06/2020, HSD: 03/06/2023. Tước Giấy tiếp nhận công bố sản phẩm 02 sản phẩm này 11 tháng kể từ ngày 1/6/2021.
Tuy nhiên, chỉ sau 23 ngày Công ty này bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thì ngày 23/06/2021, Chi nhánh của Công ty này tại Hưng Yên lại ra đời và được cấp Giấy chứng nhận tương tự để đi vào hoạt động.
Liệu sau làng loạt các sai phạm nghiêm trọng, nhóm Gobig đã bị cơ quan chức năng xử phạt, thu hồi “giấy phép” đối với cơ sở sản xuất, sản phẩm, thì nhà máy mới ra đời, đi vào hoạt động có chắc chắn được đảm bảo hay không?
Về các cách phân phối sản phẩm của nhóm này ra thị trường như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các kỳ tiếp theo.
Qua tìm hiểu của PV được biết, nhóm Gobig do ông Nguyễn Đình Dương và vợ là bà Nguyễn Thị Nhung làm “ông, bà trùm”, gồm nhiều công ty chuyên sản xuất, kinh doanh buôn bán sản phẩm TPBVSK. Đây là một trong những đối tượng được báo chí điểm danh, xướng tên rất nhiều trong thời gian qua với loạt những vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, quảng cáo và bán sản phẩm cho người tiêu dùng.