Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 26/03/2023 11:56 (GMT+7)

Vị Công tôn nữ cuối cùng làm gối tựa cung đình Huế qua đời ở tuổi 101

Trong ký ức của người ở lại, "mệ" Trí Huệ không giống con vua cháu chúa, mà giống một người phụ nữ cả đời lam lũ, luôn đau đáu với nghề làm gối tựa cung đình xưa và muốn truyền dạy cho thế hệ sau.

'Mệ'' Công Tôn Nữ Trí Huệ cầm trên tay sản phẩm gối tựa cung đình Huế.
'Mệ'' Công Tôn Nữ Trí Huệ cầm trên tay sản phẩm gối tựa cung đình Huế.

Vị Công tôn nữ cuối cùng làm gối tựa cung đình Huế - bà Công Tôn Nữ Trí Huệ đã qua đời tối ngày 24/3 lúc 21 giờ 35 phút, thọ 101 tuổi. Thông tin được gia đình xác nhận.

Anh La Quốc Bảo, một học trò trẻ tuổi nhớ lại lần cuối đến thăm "mệ" Trí Huệ khi bà đang trong cơn bạo bệnh. Hôm đó là 21/3, bà Trí Huệ không còn sức cầm tay Quốc Bảo, mắt nhắm nghiền nhưng vẫn nhận ra người học trò trẻ và cười với anh.

"Nhiều lần, mệ cố gắng nắm tay và thều thào 'Tui cảm ơn, cảm ơn lắm.' Không rõ mệ cảm ơn vì điều gì, nhưng tôi mới là người phải cảm ơn mệ vì đã cho tôi được đồng hành trên chuyến xe về miền ký ức," anh La Quốc Bảo chia sẻ khi nhớ về những khi được bà kể chuyện cung đình xưa cho nghe.

Cuối tháng 11/2022, Quốc Bảo tìm đến "mệ" Trí Huệ để tìm hiểu cho một dự án về nghệ thuật triều Nguyễn. Nghe "mệ" Trí Huệ kể về những ngày ở Đại Nội, Quốc Bảo cảm thấy bà giống một người phụ nữ cả đời lam lũ, chứ không coi mình từng là con vua, cháu chúa.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (1922-2023) sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàng tộc thời nhà Nguyễn, trong đó "Công tôn nữ" là cách gọi cháu nội gái của tước Công. Bà là chắt nội của vua Minh Mạng, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Miên Lâm, người có công phò tá vua Hàm Nghi và Thành Thái. Gia đình bà Trí Huệ xưa kia nổi tiếng với nghề bốc thuốc cứu người.

Năm 17 tuổi, bà vào Đại Nội học may vá thêu thùa giống như các Công tôn nữ khác, qua đó có cơ hội tiếp xúc với gối trái dựa - gối tựa tay phục vụ cho hoàng tộc. Trong thời gian 9 năm ở cung, bà vừa làm trái dựa, vừa may áo cho Đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại).

Năm 1992, gia đình bà Trí Huệ trở lại với công việc ruộng nương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên làm thêm nghề may áo dài. Bấy giờ không ai cần gối tựa nữa nên bà chỉ tận dụng những mảnh vải dư để may gối cho đỡ nhớ nghề.

Vì tôn trọng, nhiều người gọi bà Trí Huệ là "mệ" (cách gọi mẹ theo phương ngữ các vùng từ Thanh Hóa vào Huế). Qua hàng chục năm lịch sử, bà trở thành người hiếm còn biết và giữ được những kỹ thuật làm một chiếc gối tựa cung đình xưa đồng thời còn lưu giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử cung đình đặc sắc.

Con gái của bà - cô Bùi Thị Ngọc Điểm - từng chia sẻ mẹ mình đã có nửa đời người gắn với chiếc gối cung đình. Vì vậy, "mệ" luôn mong ước dạy nghề làm gối trái dựa cho nhiều người, dù miễn phí cũng dạy, bởi sợ khi bản thân qua đời sẽ không còn ai làm việc này.

Để thực hiện di nguyện ấy, gia đình cũng cho biết sẽ sẵn sàng giúp đỡ để gìn giữ và phát huy nghề cho bất cứ ai trên khắp cả nước. Đã có nhiều bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành tìm đến bà Công Tôn Nữ Trí Huệ và thực hiện nhiều dự án nối dài di sản văn hóa liên quan.

Cùng chuyên mục

Đề nghị truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3
Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...