Việt Trì, Phú Thọ: Phớt lờ chỉ đạo, bến bãi ven sông tồn tại 'bất chấp' pháp luật?
Không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không có quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất, nhưng Cty TNHH Cao Lâm Phú Thọ và Cty CP G.5 Trung Kiên vẫn sử dụng đất bãi ven sông Hồng để làm bến bãi kinh doanh, tập kết cát sỏi… không phép.
Phớt lờ chỉ đạo của tỉnh
Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, năm 2018, do thời tiết trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn biến phức tạp nên thiên tai lũ lụt đã gây tổng giá trị thiệt hại lên tới 679 tỷ đồng. Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai, ngày 26/4/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2019.
Tiếp đó, ngày 9/5/2019, ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ ban hành Văn bản số 597/SNN gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu kiểm tra các bến bãi, cơ sở hoạt động kinh doanh vật liệu, khai thác cát sỏi, các công trình xây dựng và các hoạt động khác trong lòng, bãi sông, ngòi và trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều thuộc địa bàn quản lý. Chỉ đạo và yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan thanh thải hết vật liệu, vật tư trong lòng, bãi sông, ngòi để đảm bảo tiêu thoát lũ. Thời gian thực hiện xong trước ngày 15/6/2019…Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, cống dưới đê, công trình thủy lợi và các công trình phòng, chống thiên tai khác, xác định rõ các khu vực trọng điểm xung yếu cần bảo vệ. Trên cơ sở đó, chỉ đạo tập trung huy động mọi nguồn lực khắc phục, xử lý ngay các công trình có nguy cơ gây mất an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn quản lý...
Tuy nhiên, tại bãi sông phường Bạch Hạch tồn tại 2 bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi “khổng lồ” trên hành lang thoát lũ của Công ty TNHH Cao Lâm Phú Thọ và Công ty CP G.5 Trung Kiên.
Theo quan sát, tại khu vực bến bãi rộng hàng nghìn mét vuông của Công ty TNHH Cao Lâm Phú Thọ tại tổ 8B, phường Bạch Hạc, số lượng cát sỏi được tập kết với số lượng rất lớn, chất cao thành từng “núi” lên đến hàng triệu mét khối, trải dài từ sát mép sông kéo dài vào trong. Thời điểm ghi nhận, tại đây có hàng chục máy móc, phương tiện đang hoạt động hết công suất để phân loại, vận chuyển cát sỏi từ bãi lên xe ô tô và các tàu cát vẫn đang trung chuyển cát từ dưới sông lên bãi.
Các phương tiện, máy móc, hoạt đồng rầm rộ như một “đại công trường”.
“Người dân phường Bạch Hạc chưa lúc nào được ngủ yên do ảnh hưởng từ bến bãi cát của Công ty Cao Lâm. Quanh năm, suốt tháng tàu bè chở cát, máy móc nổ đinh tai nhức óc tra tấn người dân. Tiếng xe tải cỡ lớn ra vào bãi cát gây khói bụi, phá đường giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Khổ nhất là khi có gió từ sông thổi cát thẳng vào khu dân cư khiến chúng tôi tối tăm mặt mũi. Nhà cửa, quần áo, đồ ăn thức uống lúc nào cũng toàn sạn cát. Chưa kể tới việc, bãi cát cao chất cao như núi ngay bãi sông ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ đê, gây nguy cơ sạt lở đê, nhất là khi mùa mưa lũ như hiện nay…”, một người dân phường Bạch Hạc than thở.
Ngay sát bến bãi cát của Công ty TNHH Cao Lâm, bến bãi cát của Công ty CP G.5 Trung Kiên trên bãi sông cũng tấp nập không kém.
Hoạt động không phép nhiều năm
Trao đổi về vấn đề tại sao hai doanh nghiệp nêu trên không chấp hành việc thanh thải hết vật liệu, vật tư trong lòng, bãi sông, ngòi để đảm bảo tiêu thoát lũ thì lãnh đạo UBND phường Bạch Hạc cho rằng, phường không nhận được các văn bản nêu trên của tỉnh và Sở Nông nghiệp (?).
Còn ông Lê Thế Thắng, Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc xác nhận cả hai bến bãi cát của Công ty TNHH Cao Lâm Phú Thọ và Công ty CP G.5 Trung Kiên hoạt động không phép trong nhiều năm qua. Theo ông Thắng thì thậm chí hai doanh nghiệp nêu trên chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được tỉnh Phú Thọ giao đất nhưng vẫn hiên ngang sử dụng bến bãi không phép. Trao đổi về việc kiểm tra, xử lý vi phạm, ông Thắng cho rằng chính quyền phường chỉ là phối hợp, phường phát hiện sai phạm báo cáo cấp trên và đã báo cáo rất nhiều lần. Việc xử lý là thẩm quyền của cơ quan cấp trên.
Lạ lùng hơn, khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh, clip về hoạt động bến bãi của Công ty TNHH Cao Phú Thọ diễn ra rất tấp nập, sôi động mà phóng viên cung cấp, vị Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc vẫn khẳng định “họ hoạt động mức độ nào đó thôi chứ không phải mức độ rầm rộ. Dân xung quanh khu vực người ta vào mua cát để xây dựng, chả nhẽ họ không bán…”.
Khi được hỏi về trách nhiệm của UBND phường Bạch Hạc trong việc để hai bến bãi không phép hoạt động trong thời gian dài và ngang nhiên vi phạm trong mùa mưa lũ thì vị Chủ tịch UBND ơhường Bạch Hạc Lê Thế Thắng lại đùn đẩy: “Để cụ thể hơn, các anh vào thẳng doanh nghiệp làm việc tốt hơn là làm việc với cơ quan quản lý nhà nước”.
Việc doanh nghiệp sử dụng bến bãi cát sỏi không phép trong nhiều năm ngay trung tâm thành phố Việt Trì thể hiện sự yếu kém chính quyền địa phương trong việc xử lý hay là sự dung túng, bao che cho sai phạm?