Vụ xả súng giết 05 người: Đồng bọn Tuấn ‘khỉ’ bị đề nghị mức án cao nhất 13-15 năm tù
Sáng 16/12, tại phiên xét xử, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP. HCM đã đề nghị mức án đối với 19 bị cáo liên quan vụ Tuấn “khỉ” xả súng giết 05 người vào mùng 05 Tết Canh Tý vừa qua. Trong đó, bị cáo có hành vi trợ thủ cho Tuấn “khỉ” bị đề nghị mức án từ 13-15 năm tù.
Mở đầu phiên tòa, đại diện Viện KSND TP. HCM phát biểu quan điểm vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo trong vụ án Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn “khỉ”) bắn tử vong 05 người.
Do mâu thuẫn trong việc đánh bạc, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 29/01, Lê Quốc Tuấn (SN 1987), dùng súng AK bắn chết anh V.N.H., anh L.T.L., anh L.T.T., anh H.N.M.T. và khiến 2 nạn nhân bị thương là anh T.V.T., anh N.N.Q.
Sau khi gây án, Tuấn “khỉ” lấy chiếc xe SH của anh L. và số tiền 802 triệu đồng của anh T. tại sới bạc rồi rời khỏi hiện trường đi đến nhà Phạm Thanh Tâm (Tý “Bà Dòm”) và đưa 01 túi xách bên có chứa 802 triệu đồng.
Viện Kiểm sát xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận, vụ án xuất phát từ tệ nạn cờ bạc.
Bị cáo Phạm Thanh Tâm là người trực tiếp sang Campuchia mua 01 khẩu súng AK, 01 khẩu súng K54, 01 khẩu súng K59 cùng 01 túi đạn và nhặt 02 quả lựu đạn mang về Việt Nam cất giấu. Đồng thời, Tâm là người giúp Tuấn cất giấu số tiền mà Tuấn đã cướp được. Do đó, hành vi của bị cáo Tâm đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ vũ khí quân dụng và chứa chấp tài sản người khác phạm tội mà có”.
Bị cáo Trần Quốc Đạt biết tàng trữ vũ khí quân dụng là trái pháp luật nhưng vẫn cất giấu giúp bị cáo Phạm Thanh Tâm. Sau khi bị cáo Tâm bị bắt giữ thì Đạt đã đem bán súng, đạn nên Đạt phải chịu trách nhiệm về tội “Tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng”.
Đối với các bị can Phạm Tấn Cường, Đặng Anh Tuấn, Lê Quốc Minh, Trần Anh Thi, mặc dù biết số tiền 802 triệu đồng do Tuấn “khỉ” sử dụng súng AK bắn chết người để cướp nhưng vẫn đồng ý bàn bạc phân công tìm cách đối phó với cơ quan Công an. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Đối với Nguyễn Phước Linh, Nguyễn Dũng Sĩ, Trần Đình Phước Thịnh, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Minh Duy và Nguyễn Chánh Pháp, Trần Quốc Đạt biết rõ khẩu súng K54 và 07 viên đạn là vũ khí quân dụng nhưng vẫn cố ý tiếp tay cho đồng bọn cất giấu và ném phi tang khẩu súng K54 và 07 viên đạn là vi phạm pháp luật. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Đối với các bị can Nguyễn Duy Thanh, Võ Hồng Tâm, Lý Văn Mè và Nguyễn Kim Ngân biết rõ Tuấn “khỉ” dùng súng AK bắn chết người và đang bị truy nã nhưng vẫn tìm cách giúp Tuấn “khỉ” trong thời gian lẩn trốn. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội “Che giấu tội phạm”.
Đối với Đặng Ngọc Trung biết Tuấn “khỉ” dùng súng bắn chết 5 người và cướp tài sản. Trung biết rõ nơi ấn náu của Tuấn “khỉ” nhưng không trình báo công an. Hành vi của Trung đã phạm vào tội “Không tố giác tội phạm”.
Sau khi hay tin Tâm cùng đồng bọn bị bắt giữ, Đạt đã bỏ trốn và bị truy nã. Đạt kịp bán khẩu súng K59 cùng 12 viên đạn cho Nguyễn Văn Vui với giá 26 triệu đồng. Vui do cần mua súng để phòng thân nên khoảng tháng 4/2020 đã mua khẩu súng K59 và 12 viên đạn của Đạt mang về cất giữ. Nguyễn Văn Vui bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”
Đây là vụ án có đồng phạm, bị cáo Phạm Thanh Tâm là người cầm đầu, giúp sức tích cực cho Lê Quốc Tuấn trốn chạy. Các bị cáo còn lại trong vụ án là đồng phạm giúp sức với vai trò hạn chế.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Từ những nhận định trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Tâm mức án 13 – 15 năm tù về tội “Tàng trữ vũ khí quân dụng và chứa chấp tài sản người khác phạm tội mà có”. Các bị cáo còn lại trong nhóm tội “Tàng trữ vũ khí quân dụng và chứa chấp tài sản người khác phạm tội mà có” bị đề nghị mức án từ 01 năm – 08 năm 8 tháng tù.
Nhóm bị cáo tội “Che dấu tội phạm” bị đề nghị mức án từ 02 – 04 năm tù. Riêng bị cáo Đặng Ngọc Trung (SN 2000) bị đề nghị mức án từ 02 – 03 năm tù về tội “Không tố giác tội phạm”.
Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét xử theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Về tội “Không tố giác tội phạm” được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:
Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
đ) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.