Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 12/03/2020 09:06 (GMT+7)

WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu

Ngày 11/3 (tối 11/3 theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

Truyền thông quốc tế dẫn phát biểu trong buổi họp báo tại Geneva của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ WHO đã chính thức coi sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 hiện nay là "đại dịch toàn cầu".

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới.

Tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus nêu rõ: "Đây là đại dịch đầu tiên do virus Corona gây ra. Việc coi sự bùng phát hiện nay của bệnh COVID-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì WHO đang làm và điều các quốc gia cần phải hành động".

Ông nói: "Trong vòng 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần. Trong những ngày tới và những tuần tới, chúng tôi dự đoán số ca mắc bệnh mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa... Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước mức độ lây lan và sự nghiêm trọng đáng báo động này, cũng như tình trạng thiếu hành động một cách đáng báo động. Chúng tôi đã rung hồi chuông cảnh tỉnh".

Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus đánh giá "một số quốc gia đang chật vật (đối phó với dịch bệnh) vì thiếu khả năng. Một số nước đang khó khăn vì thiếu nguồn lực và một số nước thì chật vật do thiếu quyết tâm". Ông khuyến cáo các nước cần đưa ra cả những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa dịch bệnh, song ngăn ngừa cần phải là "trụ cột chính".

Trước đó, người đứng đầu WHO Ghebreyesus hôm 9/3 cho rằng hiện virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở quá nhiều nước và mối đe dọa dịch bệnh đã trở nên "rất hiển hiện", song ông bày tỏ tin tưởng "đây sẽ là dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử có thể kiểm soát được".

WHO cuối cùng đã tuyên bố bệnh COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau khi dịch bệnh lây lan nhanh tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019, tính tới tối 11/3 (theo giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tới nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 4.389 người, khiến 122.289 người mắc bệnh, song cũng có trên 67.000 người được điều trị thành công và khỏi bệnh.

Bệnh nhân xếp hàng chờ đăng ký lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 11/3, thế giới tiếp tục chứng kiến những trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Honduras và Cote d'Ivoire. Các quốc gia như Indonesia, Bỉ và Panama cũng xác nhận những ca tử vong đầu tiên.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 11/3 công bố báo cáo mới nhất cho thấy ngày 10/3 quốc gia này ghi nhận 22 ca tử vong mới trên cả nước, tăng 5 ca so với ngày trước đó trong khi số ca nhiễm mới trên toàn Trung Quốc đại lục trong ngày 10/3 là 24 người, tăng so với 19 ca ghi nhận ngày 9/3. Như vậy, tính đến cuối ngày 10/3, số ca tử vong do COVID-19 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn Trung Quốc đại lục đã tăng lên con số lần lượt là 3.158 ca và 80.778 trường hợp. 

Là một quốc gia khác tại châu Á đang chứng kiến dịch bệnh lây lan mạnh, sáng 11/3, Hàn Quốc công bố báo cáo mới nhất cho thấy tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 7.755 ca, tăng thêm 242 ca so với báo cáo chiều 10/3. Số ca tử vong tăng thêm 6 ca lên tổng số 60 ca. Cùng ngày, đài NHK của Nhật Bản đưa tin nước này đã ghi nhận thêm 59 ca mắc bệnh COVID-19 và đây là ngày có số ca nhiễm mới tăng nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Nhật Bản hiện ghi nhận 1.278 trường hợp nhiễm virus, trong đó có 696 ca trên du thuyền Diamond Princess và 19 người tử vong do dịch COVID-19, trong đó có 7 người từ du thuyền Diamond Princess.

Tại châu Âu, quốc gia đang chịu tác động mạnh nhất là Italy đến cuối ngày 10/3 đã ghi nhận thêm 977 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 10.149 trường hợp. Số ca tử vong do dịch bệnh được ghi nhận trong ngày là 168 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại Italy lên 631 trường hợp.

Dịch cũng có dấu hiệu diễn biến nhanh hơn tại Trung Đông và châu Phi khi ngày 11/3, Iran báo cáo thêm 63 ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi quốc gia này công bố ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh. Tổng số ca nhiễm tại quốc gia này hiện là 9.000 người và 354 người tử vong.

Mỹ cũng là quốc gia chứng kiến dịch COVID-19 lây lan nhanh. Ngày 11/3, nước này đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong và 22 trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2. Tới nay, Mỹ đã có tổng cộng 1.016 ca nhiễm bệnh và 31 người tử vong.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...