Xúc động lá thư nữ nhân viên y tế gửi con trai: 'Gác lại niềm vui của mình sang một bên con nhé'
'Có nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ con mẹ khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc con ạ. Gác lại niềm vui của mình sang một bên để đổi lại sức khỏe của hàng triệu gia đình con nhé…'
Tạm gác chuyện gia đình cùng đồng nghiệp ngày đêm xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm COVID-19
Đó là lời nhắn giản dị nhưng lại thấm đẫm yêu thương và trách nhiệm trong lá thư mà chị Phan Thị Hương gửi gắm đến các con của mình qua trong những ngày tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại TTYT TP. Chí Linh, Hải Dương.
Chị Phan Thị Hương là kỹ thuật viên của Khoa Xét nghiệm, TTYT Chí Linh. Trong những ngày vừa qua, chị cùng 3 đồng nghiệp của Khoa tham gia vào công tác làm xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại trung tâm.
Vào lúc 12h ngày 28/1, sau ca làm việc sáng tại TTYT Chí Linh, chị trở về nhà ăn cơm với gia đình. Chỉ 1h đồng hồ sau, chị nhận được thông tin mình sẽ không được trở về nhà vì TTYT Chí Linh đã có bệnh nhân COVID-19.
Đến tận bây giờ, chị vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó: “Khi nhận được thông tin sẽ phải ở lại bệnh viện để thực hiện cách ly, chúng tôi cùng những nhân viên y tế khác trong TT đều khá hoang mang. Vì thông báo gấp nên chúng tôi không kịp chuẩn bị quần áo, trang phục và các vật dụng cá nhân”.
Tuy nhiên, sau khi được các chuyên gia của Bộ Y tế hướng dẫn cách tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, chị cùng các đồng nghiệp đã bình tâm và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến cần nhiều sự can đảm, kiên trì.
Khoa Xét nghiệm của TTYT Chí Linh thời gian qua được chia làm 2 kíp. Một kíp tham gia vào việc lấy mẫu cho người dân tại cộng đồng, kíp còn lại thực hiện các xét nghiệm cho các bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện, trong đó có chị Hương. Những ngày qua, họ chưa bao giờ được tiếp nhận nhiều kiến thức và kỹ năng đến vậy.
Chị Hương tâm sự: “Ngày thường, chúng tôi vốn chỉ thực hiện các xét nghiệm cơ bản. Nhưng trong quá trình làm xét nghiệm để tiến hành điều trị cho bệnh nhân COVID-19 gần như chúng tôi phải áp dụng hàng loạt các kỹ thuật mới trên máy móc mới. Chỉ trong đúng một ngày, cả 3 thành viên đã phải hoàn thiện quy trình chuẩn xét nghiệm”.
"Em ơi, em nhớ rằng lúc nào cũng có một người luôn chờ đợi và hy vọng em trở về là anh nhé"
Xét nghiệm vốn là công việc thầm lặng, ít được nhìn thấy nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19. Có mặt tại TTYT Chí Linh những ngày này mới thấy được sự vất vả của các KTV như chị Hương. Những ngày đầu khi tiếp nhận với công việc, bệnh nhân điều trị đông nên các chị gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
Chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe chị Hương tâm sự: “Mặc bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, nóng bức này, nụ cười, mồ hôi và nước mắt cứ thế đan xen. Anh chị em chúng tôi cảm giác như đang sống trong thời chiến vậy. Mọi công việc đều phải diễn ra khẩn trương, chính xác với sự tập trung cao độ”.
Để có thể nhớ chuẩn các quy trình vận hành máy, chị Hương cùng các đồng nghiệp tập xử lý rồi xem các video hướng dẫn do các chuyên gia gửi. Nhiều lúc các chị trở về phòng thì trời đã rạng sáng.
Nữ KTV tâm sự: “Có hôm khi cả kíp đang thực hiện kỹ thuật xét nghiệm biến chứng đông máu thì máy trục trặc. Nhìn lên đồng hồ đã điểm 1h30 sáng. Tôi loay hoay sửa rồi nhìn sang đồng nghiệp, qua lớp kính bảo hộ thấy mắt đã lim dim vì buồn ngủ và mệt mỏi.
Tự nhiên, tôi thấy thương quá đành yêu cầu hai chị về ngủ trước để tôi tiếp tục sửa. Nhưng cả ba cứ giằng co mãi thì các chị mới chịu về. Sửa xong thì đồng hồ đã điểm 4h30 sáng”.
Trên đường trở về phòng, mở tin nhắn ra, chị Hương nhận được một tin nhắn từ chồng: “Em ơi, em nhớ rằng lúc nào cũng có một người luôn chờ đợi và hy vọng em trở về là anh nhé!”. “Bao nhiêu mệt mỏi cứ thế tan biến trong cái giây phút hạnh phút thiêng liêng đó”, chị Hương nghẹn ngào.
30 Tết, trong những căn phòng sáng đèn của bệnh viện, ai cũng có những nỗi niềm riêng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương không ngừng được những giọt nước mắt, sự cảm thông với những người “đồng chí” chung một chiến hào: “Trong từng góc nhỏ của bệnh viện có chị nhớ chồng con ngồi khóc thút thít, có người mệt quá tranh thủ nghỉ ngơi.
Có nhiều nam bác sĩ cứ nhìn ra những khoảng xa xôi để tỏ ra rắn rỏi cho quên nỗi nhớ nhà. Hồi trước khi thấy các bác sĩ ở Trung Quốc gồng mình trong cuộc chiến mình đã thấy xót xa. Bây giờ, nhìn thấy những hình ảnh đó ngay trước mắt là không thể cầm lòng nổi ”.
Đã gần 1 tháng xa nhà, biết con sắp sửa phải bắt đầu việc học online, chị đã gửi một bức thư viết tay để động viên. Bức thư có đoạn: “…Có nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ con mẹ khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc con ạ. Gác lại niềm vui của mình sang một bên để đổi lại sức khỏe của hàng triệu gia đình con nhé…”.