Cà Mau tổ chức giám định nguyên nhân sự cố sụp lún đê biển Tây
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng thành lập tổ điều tra sự cố để giám định nguyên nhân sự cố sụp lún đê biển Tây.
Ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thống nhất chủ trương tổ chức giám định nguyên nhân sự cố sụp lún (gói thầu số 89: đê từ Kênh Mới đến Đá Bạc, thuộc Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau) để đánh giá cụ thể nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
Tuyến đê biển Tây đoạn đi qua ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây bị sụp lún với chiều dài khoảng 120m, khiến toàn bộ mặt đường bê tông trên thân đê sụp xuống, có đoạn sâu trên 2m. |
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng thành lập tổ điều tra sự cố để giám định nguyên nhân sự cố công trình.
Sau khi có kết quả giám định, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục sự cố, đảm bảo tiết kiệm, ổn định lâu dài và hiệu quả.
Trước đó, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 18/2, tuyến đê biển Tây đoạn đi qua ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây bị sụp lún với chiều dài khoảng 120m, khiến toàn bộ mặt đường bê tông trên thân đê sụp xuống, có đoạn sâu trên 2m.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tuyến đê xảy ra sụt lún có chiều dài hơn 4km (Kinh Mới – Đá Bạc), chiều ngang mặc lộ 5,5 m, vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Tuyến đường này đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018, còn trong thời gian bảo hành. Đây là tuyến đê có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Dự án nâng cấp đê biển Tây từ Tiểu Dừa (giáp ranh với tỉnh Kiên Giang) thuộc huyện U Minh đến Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân dài trên 72 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Do thiếu vốn nên dự án chỉ mới thi công được gần 49 km.
Trước đó, vào năm 2019, mưa lớn kèm giông lốc, sóng to, triều cường dâng cao cũng đã làm sạt lở 350m tuyến đê này.