Con trai bị bỏng 93% cơ thể, người mẹ lóc toàn bộ da đùi để cứu con
Khi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1, ngoài bỏng nặng độ 2-3 diện tích 93%, bệnh nhi còn bị sốc, suy hô hấp do bỏng đường thở.
Dân trí dẫn lời bác sĩ Diệp Quế Trinh, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết những ngày qua, đơn vị đang làm mọi cách để cứu chữa bệnh nhi T.K (5 tuổi, quê Ninh Bình) bị bỏng thương tâm.
Bệnh nhi nhập viện vào cuối tháng 10 trong tình trạng bỏng lửa cồn toàn thân. Gia đình bệnh nhi cho biết thời điểm xảy ra sự việc, bệnh nhi đang cầm chai cồn từ trong nhà chạy ra ngoài chơi và xịt trúng vào đống lửa đang cháy, khiến cơ thể bé bốc cháy.
Khi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1, ngoài bỏng nặng độ 2-3 diện tích 93%, bệnh nhi còn bị sốc, suy hô hấp do bỏng đường thở. Các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản, dùng kháng sinh cao hết mức, thuốc vận mạch mạnh, hỗ trợ tuần hoàn, cho bệnh nhi thở máy và thực hiện hàng loạt biện pháp can thiệp khác.
Do diện tích bỏng gần như toàn bộ cơ thể, mỗi lần thay băng cho bệnh nhi cần từ 5 đến 7 nhân viên y tế thực hiện, rất cực và khiến bệnh nhi chịu nhiều đau đớn.
Trong quá trình nằm viện, bệnh nhi còn bị nhiễm khuẩn vết bỏng, nhiễm nấm huyết và viêm phổi nặng.
Sau gần 2 tháng điều trị tích cực, hơn 20% diện tích da của bệnh nhi đã lành, các vùng còn lại cũng được xử lý sạch để có thể ghép da. Thế nhưng bệnh nhi không còn vùng da nào có thể sử dụng được cho cuộc mổ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ hướng đến việc lấy da của người mẹ để "ghép da đồng loại" cho con, nhằm giúp bé hạn chế tình trạng nhiễm trùng vì vết thương hở.
Mẹ bệnh nhi hoàn toàn chấp nhận sau khi được bác sĩ thông báo về việc trên. Theo bác sĩ Trinh, ngoài việc được người nhà đồng ý cho da, cần một số điều kiện khác như người hiến không có bệnh nền, có thể gây mê được...
“Không biết có thể cứu được bệnh nhân hay không nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức, lấy da vùng đùi của mẹ ghép cho bé, tạo màng sinh học che phủ vết thương. Hy vọng chờ được đến lúc da bệnh nhi lành lại", nguồn tin dẫn lời bác sĩ Trinh nói.
Bác sĩ cũng chia sẻ, trong trường hợp việc phẫu thuật tiến triển thuận lợi và bệnh nhi được cứu sống, bé vẫn sẽ đối diện với di chứng sẹo hẹp khí quản, các di chứng về vận động, sẹo bỏng về sau, phải thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu, điều trị phục hồi.